Dốc tình thương cho người khuyết tật
Được gia đình để lại mảnh đất nhỏ gần chợ Vĩnh Hải (Nha Trang, Khánh Hòa), mỗi ngày ông Mạnh đều nhìn thấy một số người khuyết tật phải vất vả mưu sinh. Có người bị tật ở chân, có người ở tay… trong lòng ông Mạnh liền trỗi dậy khát vọng nâng cao thể trạng, sức khỏe cho họ.
Trăn trở trước nhiều giải pháp, cuối cùng ông Mạnh quyết định lập Câu lạc bộ thể dục-thể thao cho người khuyết tật. Cũng từ đó, dù mưa hay nắng ông đều lặn lội đi tìm và vận động người khuyết tật về nhà mình để ông được trực tiếp huấn luyện thể dục nâng cao sức khỏe. Sau đó, dạy họ chơi các môn thể thao như tennis, bơi lội, cử tạ và bóng bàn, ai đam mê hay phù hợp với môn nào thì ông huấn luyện luôn môn đó.
Nhớ những ngày tháng gian nan, ông Mạnh chia sẻ: Bên cạnh việc đi tìm thì người khuyết tật đến với gia đình, tôi đều đón nhận cả. Rèn sức khỏe cho người bình thường khó một thì với người khuyết tật khó gấp mười. Dành tất cả tiền tích cóp được tôi mua sắm đủ các loại máy móc, dụng cụ về để tập luyện cho người khuyết tật. Có nhiều dụng cụ phải kỳ công chế tạo cho phù hợp với từng người. Có hôm vất vả từ tinh mơ đến đêm khuya cũng thấm mệt nhưng càng gần gũi người khuyết tật càng thấy thương họ vô bờ bến. Bởi vừa tập thể dục, huấn luyện thể thao miễn phí cho người khuyết tật mình vừa huấn luyện cho người bình thường. Thế nên, người khuyết tật như được hòa nhập, quên đi mọi mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân họ".
Để có cách chăm sóc, tập luyện thể dục, thể thao phù hợp cho người khuyết tật, kể cả người khuyết tật nặng, ông Mạnh phải bỏ ra nhiều đêm trắng sưu tầm các loại tài liệu để bổ sung kiến thức cho mình. Ông thổ lộ rằng: Vừa tập rèn sức khỏe cho người khuyết tật mình còn phải hỗ trợ ăn uống, thuốc men. Phải có dinh dưỡng phù hợp thì thể trạng người khuyết tật mới có thể nâng lên nhanh được. Có người khi được tôi đưa về chăm sóc, dạy bóng bàn, dáng đi liêu xiêu. Nhưng qua ít tháng thì khỏe mạnh lên dần.
Nhiều người khuyết tật tỏa sáng trong và ngoài nước
Để người khuyết tật tự tin vươn lên, ông Mạnh cùng vợ mình còn như "nhà tâm lý" đặc biệt thường xuyên động viên, an ủi. "Suốt bao nhiêu năm, Câu lạc bộ của tôi thường xuyên duy trì tập luyện cho hàng chục người khuyết tật. Có người sau khi có sức khỏe, càng tập thể thao càng đam mê nên tôi quyết tâm huấn luyện họ tham gia các cuộc thi thể thao trong nước và quốc tế. Tôi muốn chứng minh một điều là người khuyết tật cũng có thể thành công, tỏa sáng"- ông Nhật Mạnh tâm sự.
Quyết tâm biến ước vọng thành hiện thực, ông Mạnh dốc hết tâm sức huấn luyện cho các học trò của mình. Có người ngồi xe lăn được ông cận kề khuyến khích cũng say mê tập luyện không mệt mỏi.
Cuối cùng những chùm quả ngọt cũng đã đến với ông Mạnh. Những người khuyết tật như: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thanh Xuân, Trương Tấn Hiền, Đinh Thị Ngà, Lê Thị Anh Nga, Châu Hoàng Tuyết Loan… bước lên các đấu trường thể thao giành cho người khuyết tật và giành được nhiều phần thưởng vinh quang.
Ông Mạnh tự tin: Từ gần 20 năm trước đến nay, các môn như tennis bóng bàn trong các kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật, các học viên của tôi đều giành được huy chương và trở thành những vận động viên khuyết tật nổi tiếng. Điển hình như: Châu Hoàng Tuyết Loan, Đinh Thị Ngà, Nguyễn Văn Hùng, Lê Thị Anh Nga… lần lượt trở thành các vận động viên sáng giá của Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam đi thi đấu và giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc ở đấu trường Đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á, châu Á.
Chứng kiến mỗi sự thành công của các vận động viên khuyết tật do mình chăm sóc, huấn luyện nên với ông Mạnh đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Ông tâm niệm rằng: "Nhiều em từ con số 0 đến lúc thành vận động viên nổi tiếng vẫn nhớ về những ngày ban đầu chập chững tập luyện. Xem điểm tập luyện tại gia đình tôi như ngôi nhà thứ hai của mình. Thế là niềm vui như được nhân lên nhiều lần với tôi rồi. Chưa thống kê cụ thể nhưng người khuyết tật do tôi huấn luyện đã giành được hàng trăm huy chương, phần thưởng các loại tại các đại hội thể thao cho người khuyết tật".
Bền bỉ tạo ra điều tốt đẹp
Không chỉ chăm sóc, huấn luyện nhiều người khuyết tật thành vận động viên nổi tiếng mà nhiều năm nay ông Mạnh còn tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022, ông Mạnh còn kết hợp với Làng trẻ SOS Nha Trang tuyển chọn, đào tạo miễn phí cho nhiều em tham gia Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi toàn quốc "Đường đua xanh" năm 2022.
Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, ông Mạnh chia sẻ: "Gần đây tôi quan sát thấy một số em khuyết tật bán vé số nhưng cũng thích thể thao nên tôi đang vận động các em đến chỗ tôi tập luyện miễn phí đồng thời sẽ được hỗ trợ thêm một ít tiền".
Để có thêm kinh phí cho các hoạt động vì người khác của mình, ông Mạnh mở thêm phòng tập Gym, tập thể dục cho người bình thường và có thu phí nhưng số tiền thu về cũng không đủ khiến ông phải cho thuê thêm một căn nhà khác của mình để có thêm nguồn trang trải và duy trì đam mê.
Ông bộc bạch rằng: "Gắn bó với việc trợ giúp, huấn luyện người thiệt thòi bao năm rồi, không bỏ được. Có đợt đưa các em đi thi đấu xong tôi cũng ốm nhiều ngày. Nhưng các em vượt qua được mặc cảm thân phận là tôi vui rồi. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều quan tâm, tạo điều kiện nên đó cũng là nguồn cổ vũ để mình đi qua các khó khăn trước mắt. Tôi cũng ước mong rằng, những người khuyết tật được tôi chăm sóc, huấn luyện đã thành danh rồi có cuộc sống ngày càng tốt hơn".