Khi đất nước có chiến tranh, tuổi trẻ của Đại tá Lê Thế Tục cũng như bạn bè cùng trang lứa, cuộc đời gắn với con đường ra trận. Lý do thật đơn giản: "Nước còn giặc, còn đi đánh giặc". Đôi dép lốp cao su của cụ đã in dấu khắp các chiến trường A-B, sang cả Cánh đồng Chum của nước bạn Lào bên "Tây Trường Sơn". Cuối cùng là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Cụ về nghỉ theo chế độ với quân hàm Đại tá, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Quân khu 3. Lớp bụi thời gian đang dần phủ lên cuộc đời 85 tuổi khiến con người xao xuyến với những ký ức của một thời…Một buổi sáng tháng 8 mùa thu, tôi và cụ ngồi nhâm nhi li cà phê vỉa hè trên "Phố Nhà Binh" (Lý Nam Đế, Hà Nội). Tôi ngỏ ý muốn được nghe cụ kể về mối duyên muộn của cụ cùng môn nghệ thuật thứ 7.
Đại tá Lê Thế Tục bên những kỷ vật của mình.
Cụ đưa đôi mắt nhìn dọc con phố "Lính" tấp nập, nhộn nhịp. Các ông bố bà mẹ trẻ đưa con lên phố Hàng Mã sắm đồ chơi Trung thu. Như lây cái vui của tuổi thơ, cụ hào hứng kể: "Hôm dự họp về hội nghị giáo dục trẻ em phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm), tôi được Thanh An - nguyên là diễn viên Đoàn kịch nói Quân đội kéo đi làm phim phóng sự cho mục Tạp chí gia đình, sắm vai người ông đi đón cháu sau giờ tan học. Và rồi chính cậu ấy giới thiệu tôi với đạo diễn Phó Bá Nam cho vai ông tướng Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường (Tướng về hưu). Cụ đã không phụ lòng tin của đạo diễn. Bộ phim đóng máy và được công chiếu rộng rãi… Chuyện đời thường đã trở thành đề tài mọi người thường nói với nhau. Cụ già quắc thước, mái tóc trắng như cước vốn sống lặng lẽ trong một ngõ nhỏ, phố nhỏ, bỗng trở thành "người của công chúng" thân quen trong mọi gia đình. Gặp cụ ngoài đời, họ kính cẩn chào… tướng Lê Sâm.
Mấy chục năm sống trong quân ngũ, rồi làm thầy giáo, cụ được rèn luyện đức tính nghiêm túc trong công việc. Đã nhận việc thì phải hoàn thành thật tốt. Cụ bảo: "Khi nhận vai diễn, tôi hỏi đạo diễn về nội dung, ý đồ phát triển tính cách nhân vật. Tôi gạch chân lời thoại vai diễn bằng bút dạ màu đỏ; gạch màu xanh các tình huống sắp bước ra trước ống kính, gạch và ghi những cảnh diễn cùng một điểm. Tranh thủ đọc và học lời thoại cho thuộc, suy ngẫm cách diễn sao cho có hồn, tạo cách diễn xuất phù hợp với không gian, thời gian, hoàn cảnh lịch sử của câu chuyện". Nhiều lúc cụ "nhập vai" như lên đồng, từ dáng đi, cách ngồi, cách đứng, cáu giận, vui vẻ, yêu thương…, cười đấy nhưng là cái cười ra nước mắt, có cái cười mỉa mai, giễu cợt, có cái cười yêu thương trìu mến… Tướng Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường trong tay luôn chống chiếc ba-toong thể hiện sự sang trọng, uy quyền, kiêu hãnh. Đại tá Lê Thế Tục đã mất nhiều công sức tập luyện từ cách cầm, cách vung, cách chống ba-toong sao cho phù hợp phong cách của một vị tướng.
Đại tá - nghệ sĩ Lê Thế Tục với Anh hùng Tạ Thị Kiều.
Cũng như các diễn viên chuyên nghiệp khác (dù cụ chỉ là diễn viên nghiệp dư), khi đi đóng phim, cụ tự tay chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho phù hợp vai diễn theo yêu cầu của đạo diễn. Vào vai ông Mến trong phim Người kế thừa dòng họ, cụ nhờ cậu con út đưa về tận Thái Bình, gặp các cụ bô lão tìm hiểu phong thái, thói quen ăn mặc, đi lại. Cụ mượn bằng được những bộ quần áo nâu, khăn xếp, áo the "chuẩn" để thể hiện vai diễn cho "ngọt". Trong vai diễn có chi tiết ông tộc trưởng vùng biển này nghiền thuốc lào. Thuốc lào các cụ thường để trong hộp tròn bằng kim loại nhẵn bóng đã ngả màu, bật lửa phải là loại có bánh xe, nắp đậy, bấc đốt bằng xăng (hoặc dầu hỏa). Cụ lại phải kỳ công lục đống đồ sửa xe đạp cũ, may sao tìm được chiếc bật lửa đời "cổ" được cấp phát từ thời đi chiến trường B. Cụ lau chùi, tân trang lại, tẩm đẫm xăng bông, nhồi vào khoang chứa nhiên liệu, luồn bấc nối với ngòi lửa, kiếm đá lửa, thử đi thử lại, bật phát nào ăn phát ấy và không quên bổ sung nắm đóm nỏ để đốt thuốc lào sòng sọc cho đúng kiểu các cụ xưa.
Từ ngày về nghỉ hưu cho đến nay, cụ đã tham gia đóng trên 20 bộ phim. Vai diễn nào cụ cũng diễn mà như không, từ Chuyện đời thường, Đất và người, Hồn của đất đến Người kế thừa dòng họ, Ngã ba thời gian, Ông nội, Chớm nắng, Phía sau một cái chết… Mỗi bộ phim, đối với cụ tựa như một trận đánh, mà đã đánh là phải thắng "đẹp". Cụ cựu chiến binh, Đại tá Lê Thế Tục lấy trải nghiệm cuộc đời mình để thể hiện các nhân vật trong phim. Và ngược lại, cụ lại dùng vai diễn ấy để chiêm nghiệm cuộc đời mình. Cụ bảo, cụ rất thích lời tâm huyết của một nhân vật do cụ thể hiện trong phim Hoàng hôn xanh: "Ngày xưa, người ta tìm ra cái lý để sống. Nhưng ngày nay, người ta còn phải tìm ra cái lẽ để chết. Chết làm sao để còn có người đến viếng, đưa về cõi vĩnh hằng".
Nghiệp diễn cũng để lại trong cụ biết bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn. Cụ nheo nheo đôi mắt cười, kể: "Một lần đang đi đường, thấy có người gọi: Bố, bố, bố ơi! Bố còn nhà trọ không cho con thuê một gian". Té ra người xem nhớ đến vai diễn của cụ trong phim Lập nghiệp. Cụ vào vai chủ nhà cho thuê nhà giá rẻ. Cụ xúc động chia sẻ: "Người xem nhớ đến mình, còn gì vui hơn, khi cuộc đời mình đã bước sang bên kia sườn dốc". Cụ cho tôi xem cuốn album trong đó là những bức ảnh kỷ niệm thời gian đi đóng phim. Cụ lặng người trước bức hình chụp cùng 3 đồng nghiệp thân thiết: Phạm Bằng, Khôi Nguyên và cố NSƯT Văn Hiệp khi cùng đóng bộ phim Hoàng hôn xanh. Cụ ngậm ngùi tâm sự: "Mấy anh em tôi thân nhau lắm. Ông Hiệp đi xa rồi. Tôi có ý định viết một cuốn sách về ông ấy, nhưng không kịp. Hôm đưa tang ông ấy, tôi mang tấm hình này ra mà rớt nước mắt".
Bài, ảnh: Lê Sỹ Tứ