"Ông chủ" của khoán 10 lịch sử lên sóng

23-09-2010 14:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một con người đi trước thời gian - Một nhân cách sáng ngời - Một người cộng sản với nhân cách thời đại... Chỉ thời gian sau này, khi ông mất đi, những gì ông làm và để lại cho hậu thế thì vẫn còn sống mãi,

Một con người đi trước thời gian - Một nhân cách sáng ngời - Một người cộng sản với nhân cách thời đại... Chỉ thời gian sau này, khi ông mất đi, những gì ông làm và để lại cho hậu thế thì vẫn còn sống mãi, mà đỉnh điểm là khoán 10 góp phần làm thay đổi vận mệnh đất nước đã được tôn vinh như vậy. Âu đó cũng là sự đền bù xứng đáng sự hy sinh đầy nhọc nhằn của ông. Mới đây, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC) đã hoàn thành bộ phim truyện truyền hình dài 50 tập Bí thư tỉnh ủy mà nguyên mẫu là cố Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim Ngọc - một đảng viên, một Bí thư tỉnh ủy ưu tú của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Xuất thân từ tầng lớp bần cố nông, tham gia cách mạng thời tiền khởi nghĩa, từ 1958 đã là Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đến 1968, khi Phú Thọ hợp nhất với Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phú, ông làm Bí thư tỉnh ủy cho đến 1978. Thời năm 1968, khi Nghị quyết 86 của tỉnh ủy Vĩnh Phú quyết định cho khoán hộ ra đời, người ta gọi ông là "khoán chui". Ông Kim Ngọc nổi tiếng bằng quyết định táo bạo đó và cũng trở nên nổi tiếng bởi những hệ lụy mà ông phải gánh chịu...

Để tránh những điều tế nhị khi động chạm đến hiện thực, những người sản xuất phim đã đổi tên thành Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim của tỉnh Phước Vĩnh. Câu chuyện phim tái hiện lại thời kỳ những năm cuối 1960 và những năm 1970. Khi đó mô hình HTX cao cấp đưa vào vận hành đã bộc lộ những hạn chế khiến cơ chế quan liêu bao cấp trở thành vật cản, không khuyến khích nông dân, tạo ra một tầng lớp lười biếng, thụ động. Một số cán bộ chỉ biết nghe và làm theo đường lối một cách cứng nhắc, không chịu bám sát thực tế đời sống nông dân để thay đổi nhận thức, cản trở việc làm của những người có trách nhiệm. Trước thực trạng đó, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim đã cùng các đồng chí của ông tìm hiểu thực tế của nông dân. Khi đó một vài HTX khoán ruộng cho nông dân làm vụ xen canh. Thấy phương thức khoán đó khiến năng suất tăng vọt, ông Kim đã bàn với Ban thường vụ và Ban nông nghiệp tỉnh cho làm thí điểm ở một số HTX. Từ xuất phát điểm đó, ông Kim cùng Tỉnh ủy ra Nghị quyết 86 của Ban thường vụ về vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX. Nhưng việc làm của nông dân tỉnh Phước Vĩnh đã gây xôn xao và ra tận Trung ương với nhiều dư luận trái chiều, phần lớn là không đồng tình vì cho là đi ngược lại đường lối của Đảng và Nhà nước trên con đường tập thể hóa XHCN. Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim vẫn kiên quyết thực hiện bằng được việc ông và các đồng chí của mình cho là đúng. Ông hiểu rằng chỉ có khoán hộ gia đình mới vực dậy nền sản xuất nông nghiệp trì trệ, đem lại no ấm cho người dân. Sự kiên quyết của ông đã phải trả giá đắt bằng sức khỏe sa sút và một bản kiểm điểm vì làm sai đường lối. Hai năm sau ngày về hưu, ông đã mất trong một cơn bạo bệnh...

 Phim Bí thư tỉnh ủy.

Những nhân chứng sống của thời ông Kim Ngọc vẫn còn đây, nhưng câu chuyện lại dường như quá xa xôi với lớp trẻ bây giờ. Vì thế để làm lại bộ phim về nguyên mẫu vừa phản ánh đúng hiện thực, vừa là tấm gương cho các thế hệ hôm nay không là chuyện đơn giản. Áp lực lớn nhất là khán giả, người dân đều ít nhiều biết về Bí thư Kim Ngọc, mỗi người sẽ có những kiến giải riêng. Làm sao để đáp ứng được mọi đối tượng khán giả là nhiệm vụ vô cùng nặng nề.

Thế nên, nhà biên kịch Thùy Linh từ đầu năm 2004 lên Vĩnh Phúc gặp Tỉnh ủy đã hình thành ý tưởng về nhân vật Kim Ngọc. Chị bảo, Bí thư Kim Ngọc là người nổ phát súng đầu tiên cho sự đổi mới và cho đến nay chưa có người nào dũng cảm được như ông. Mê nhân vật này lắm nhưng khi bắt tay viết kịch bản thì cảm thấy mình chưa đủ tầm nên đã xin thôi. Vài năm sau, VFC mới quyết định mời nhà văn Vân Thảo - người từng trải hơn đi thực tế ở Vĩnh Phúc và ông đã hoàn thành kịch bản hơn 1.000 trang. Ông tâm sự: trước kia tôi cũng đã từng đồng tình với việc phê phán ông Kim Ngọc. Nhưng khi viết về con người này, tôi bỏ ra nhiều thời gian tìm tư liệu từ người thân, người cùng thời với ông Ngọc và cảm thấy khâm phục bản lĩnh của ông Ngọc. Khi viết kịch bản, tôi được sống trong ngôi nhà ông Ngọc từng sống và làm việc, được các con trai và vợ ông cung cấp nhiều chi tiết đời sống nên xây dựng được tính cách ông Ngọc khá sinh động.

Đảm nhận vai Bí thư Hoàng Kim là NSƯT Dũng Nhi. Thuận lợi lớn là Dũng Nhi có ngoại hình tương đối giống với ông Ngọc, nhưng điều mà anh quan tâm không phải là lột tả bề ngoài nhân vật mà muốn đi sâu vào nét tính cách, tâm hồn của ông. Tuy nhiên vài nét bên ngoài mà anh muốn phác họa chân dung ông Ngọc là nói năng quyết đoán, đôi khi thành ra nóng tính, bước đi nhanh, gấp gáp và khi ra đồng thường không quên mang theo chiếc điếu cày.

Lần đầu tiên NSƯT Lan Hương diễn một vai đặc biệt - vợ ông Kim Ngọc, bà hiện nay còn sống và vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Đó là áp lực lớn đối với Lan Hương. Chị bảo, bà Lê Thị Liên (vợ ông Ngọc) là người có cá tính đặc biệt, bà là hậu phương vững chắc cho chồng những ngày gian nan nhất. Vì thế cách chọn lựa của chị là không khai thác cá tính của bà mà chỉ cố gắng diễn cho ra cái hậu phương vững chắc mà thôi.

Có mặt trong buổi ra mắt bộ phim, cụ Lê Thị Liên (90 tuổi) xúc động nói: Đời ông Ngọc luôn trăn trở với đời sống của người nông dân nhưng ông không thành công vì không được ủng hộ. Hơn 30 năm sau lại có những nghệ sĩ về khơi dựng một thời đáng nhớ của gia đình, bà cảm thấy tự hào về người chồng của mình.

Đó cũng là chuyện của một thời đã qua, nhưng nay công lao của ông đối với dân, với nước đã được khẳng định. Năm 1995, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và năm 2009 là Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng bắt đầu từ 2009 có đoàn làm phim về ông để những ngày gần Đại lễ 1000 năm Thăng Long, bộ phim được phát sóng trên toàn quốc. Ngày 27/9/2010 có thể coi là sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng khi bộ phim phát sóng để người dân hiểu hơn về ông và tin tưởng xã hội rồi đây sẽ có nhiều người như ông Kim Ngọc.

Lan Hương


Ý kiến của bạn