Ðồng chí Ðỗ Mười luôn quyết liệt trong chỉ đạo mọi công việc

05-10-2018 07:51 | Xã hội

SKĐS - Một cuộc đời 101 năm với 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ông đã lãnh đạo, giải quyết được rất nhiều công việc khó như: Chi viện cho tiền tuyến lớn trong kháng chiến chống Mỹ, xây dựng thủy điện Sông Đà, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và thành công chống lạm phát phi mã trong những năm 80 của thế kỷ trước... Việc gì khó ông cũng làm rất quyết liệt với nhiệt tình và tâm huyết của người cách mạng vì dân.

Ngành y tế có Chương trình Tiêm chủng mở rộng được sự chỉ đạo trực tiếp rất quyết liệt của Chủ  tịch HĐBT Đỗ Mười

Năm 1988, tình hình nước ta rất khó khăn, rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, kinh tế lạm phát 400%. Đời sống cán bộ khó khăn, y tế cơ sở hoạt động  kém.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là chương trình quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm chính nhưng phải được sự ủng hộ của Thủ tướng.

Đồng chí Đỗ Mười luôn quyết liệt trong chỉ đạo mọi công việcNguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song đã viết thư cho ngài Jame Grant - Tổng Giám đốc UNICEF ở New York, Hoa Kỳ: “Mời ông sang thăm nước tôi để có thể giúp chúng tôi khắc phục hoàn cảnh hiện nay. TCMR khó đạt các chỉ tiêu đã đề ra, các nhân viên y tế cơ sở không có lương và phụ cấp. Chúng tôi mời ông gặp Thủ tướng nước tôi và đề nghị ông cấp cho Việt Nam  một khoản viện trợ đặc biệt, để cán bộ y tế tuyến xã có lương, để họ làm tiêm chủng”. Ông Farooqui (người Bangladest) đại diện UNICEF tại Việt Nam đã ủng hộ các đề nghị của ta. Sau đó chúng ta đã nhận được khoản viện trợ đặc biệt đó. Đây là trường hợp ngoại lệ của UNICEF vì từ trước tới nay chưa có việc như thế.

Hoàn cảnh lúc đó cực kỳ khó khăn, điện lưới mới phủ được cho 25% các vùng trong cả nước, các địa phương chưa có dây chuyền lạnh trang bị cho các tuyến để bảo quản vắc-xin. Nhân dân một số vùng đã có sáng kiến bảo quản vắc-xin tại tuyến xã bằng cách lấy cây chuối thân to rồi rút ruột ở thân ra để đặt các hộp xốp vắc-xin vào bảo quản trong  khi chưa có tủ lạnh.

Bộ Y tế đưa ra quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% trong 2 năm, vì có làm như vậy mới nâng cao chất lượng thể chất nguồn nhân lực nước ta nên tập trung cả ngành quyết tâm làm.

Ngài Jame Grant đã sang Việt Nam. Sau  ngày đầu làm việc, Bộ trưởng Phạm Song đưa ông Jame đi TP. Hồ Chí Minh gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Đỗ Mười. Cuộc gặp diễn ra trong 1 giờ.

Trong cuộc nói chuyện, ông ta tranh thủ tuyên truyền cho TCMR, ông nói sự quan trọng của TCMR, có mấy nước trên thế giới có nội chiến, các phe phái đánh nhau, cũng phải ngừng bắn cho y tế thực hiện tiêm chủng. Ông lấy nhiều thứ trong cặp của ông ra: các đồ vật như bao diêm, bật lửa, khăn tay, bàn chải răng, thuốc đánh răng... tất cả đều có hình ảnh về TCMR. Ngài Jame nói với Chủ tịch  HĐBT Đỗ Mười: “Tôi được biết ngài là người rất năng động, Ngài nắm được tinh thần mục tiêu của vấn đề gì thì ngài quyết làm cho bằng được”. Sau cuộc gặp đó, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười hỏi Bộ trưởng: “Bây giờ cậu cần điều gì ở mình”. Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đã chỉ thị, trong việc chỉ đạo công tác TCMR, có vấn đề cần giải quyết, cho phép Bộ trưởng và PGS. Lê Diên Hồng - Chủ nhiệm Chương trình báo cáo trực tiếp với ông, không phải thông qua văn phòng hay thư ký.

Đồng chí Đỗ Mười luôn quyết liệt trong chỉ đạo mọi công việcChủ tịch HĐBT Đỗ Mười nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết công tác TCMR   1985-1989.

Sau đó, chỉ trong 1 năm, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đã cho gửi đi các nơi 38 bức điện khẩn do ông đích thân ký tên, rồi ông luôn đưa vấn đề TCMR ra các hội nghị mà ông chủ tọa, ở mọi nơi mà ông đến thăm để đôn đốc công tác tiêm chủng.

Báo Nhân Dân ngày 26/10/1988 đưa tin của TTXVN: Tại Hà Nội, sáng 25/10, Ban chỉ đạo Chương trình TCMR Trung ương đã mở Hội nghị triển khai chiến dịch tiêm chủng Đông Xuân 1988-1989. Đồng chí Đỗ Mười - Uỷ viên Bộ Chính trị TW Đảng, Chủ tịch HĐBT đã đến dự và nói chuyện với hội nghị.

Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm rất cao của Nhà nước ta trong việc thực hiện cam kết với các tổ chức quốc tế thực hiện chương trình TCMR cho trẻ em. Chủ tịch nói: Chiến dịch tiêm chủng Đông Xuân 1988-1989 là thời gian cuối cùng để hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng mà Nhà nước ta đã cam kết với các tổ chức quốc tế. Từ nay đến tháng 3 năm 1989, chúng ta phải tiêm chủng đầy đủ cho hơn 1 triệu trẻ em và 15 vạn phụ nữ có thai. Để thực hiện được chỉ tiêu này, Chủ tịch HĐBT yêu cầu: Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu tiêm chủng địa phương đã cam kết với Trung ương, hàng tháng có báo cáo kết quả về Văn phòng HĐBT và Bộ Y tế.

1 năm sau, ngày 26/9/1989, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Ban chỉ đạo Chương trình TCMR Trung  ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình TCMR năm 1988-1989 và Lễ phát động phong trào toàn quốc đẩy mạnh Chương trình TCMR năm 1989-1990 với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho 80% trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước vào ngày 19/5/1990 - kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ chí Minh và quy mô từng tỉnh vào cuối năm 1990.

Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã đến dự. Trước khi đến dự hội nghị, Chủ tịch HĐBT và Chủ tịch Quốc hội đã đi thăm các cháu bị bệnh bại liệt đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em và thăm một tổ dân phố đang tổ chức tiêm phòng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Vì thế, sau 2 năm có kết quả rõ rệt, Bộ Y tế thông báo kết quả với các quan chức đại diện UNICEF tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt kế hoạch tiêm chủng tới 80%. Lúc đầu họ chưa tin, mình phải tạo điều kiện cho họ kiểm tra. Ban Chủ nhiệm chương trình trao cho họ danh sách hơn 1 vạn xã, họ đưa vào máy tính, làm các thao tác chọn ngẫu nhiên trên máy tính để đưa ra một số xã, họ cùng ta đi kiểm tra các xã đó. Đến nơi, họ chỉ làm hai việc: kiểm tra sổ sách và xem các vết sẹo BCG của các cháu. Các xã được kiểm tra đều có kết quả tới gần 90%.

Các năm sau, ở Việt Nam, công tác tiêm chủng đã đạt được 90% và Bộ Y tế đã trang bị cho các huyện dây chuyền lạnh. Tiêm chủng đạt thành tích cao kéo theo việc phục hồi hoạt động của các trạm y tế xã. Có 40 nước ở thế giới thứ ba hoàn thành TCMR đạt 90% nhưng duy trì được chỉ có 10 nước, trong đó có Việt Nam ta. Đó là một thành tích phi thường.

Đồng chí Đỗ Mười coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo

Tháng 6/1978, Phó Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đã đến thăm Trường đại học Y Hà Nội. Ông là người đã giới thiệu GS. Nguyễn Trinh Cơ - Hiệu trưởng nhà trường gia nhập Đảng trong năm 1946 khi BS. Cơ là bác sĩ tại mặt trận Nam Định. Sau khi làm việc với lãnh đạo nhà trường, ông đã dành thời gian thăm khu tập thể cán bộ công nhân viên đang sống chen chúc và chật chội tại các căn nhà cấp 4 lụp xụp ngay trước cổng trường. Ông đã chỉ thị cho Thứ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc giúp cán bộ nhà trường một khu nhà lắp ghép 5 tầng. Nhà trường đã tổ chức giải phóng mặt bằng rất nhanh và cho di chuyển các hộ dân cư vào khuôn viên nhà trường. Để hỗ trợ ngành xây dựng, nhà trường tổ chức 2 tổ lao động gồm 30 giảng viên và  nhân viên tham gia rửa cát sỏi tại công trường đúc các kết cấu bê tông Trung Tự. Mỗi cán bộ tham gia lao động 15 ngày công và luân phiên thường xuyên trong suốt năm.

Hơn 1 năm sau, ngày 2/9/1979, hơn 200 hộ gia đình cán bộ viên chức Trường đại học Y Hà Nội phấn khởi và hân hoan đón nhận những căn hộ mới với 6 đơn nguyên nhà lắp ghép.

Đồng chí Đỗ Mười luôn quyết liệt trong chỉ đạo mọi công việcChủ tịch HĐBT Đỗ Mười, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song và các đại biểu quốc tế cùng các cháu thiếu nhi.

Ông coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phó Thủ tướng đã quyết định nâng cấp Trường đại học Sư phạm, rồi quyết định cấp cho Trường đại học Sư phạm các căn hộ của hai khu nhà B6 và B8 Thanh Xuân Bắc trong những năm đầu thập kỷ 80 (1980 - 1985) để cho gần 300 gia đình có chỗ ở mới là các hộ khép kín có đủ tiện nghi. Các trường đại học khác cũng được sự quan tâm của Chủ tịch HĐBT  Đỗ Mười.

Bác Hồ đã dành tình cảm đậm đà, sâu sắc và niềm tin vào đồng chí Đỗ Mười từ ngày còn kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này Bác đã quyết định giao cho ông làm Phó Thủ tướng. Đồng chí Đỗ Mười là tấm gương của một cán bộ đã sống, làm việc hết mình, xứng đáng với tấm lòng của Bác Hồ đã dành cho,  xứng đáng sự tin cậy của Bác.

Đồng chí Đỗ Mười là người cộng sản mẫu mực, kiên định với mục tiêu lý tưởng, là nhà lãnh đạo tài năng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, luôn mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; một nhân cách lớn, một tấm lòng nhân hậu, một người luôn suy tư và hành động, hành động quyết liệt, hết lòng vì nước, vì dân...


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn