Người dân quanh vùng thường gọi ông Huỳnh Văn Bé (sinh năm 1950) ở khóm Tân Ðông B, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp bằng danh xưng thật thân thương, trìu mến và gần gũi là: ông Ba “muối sấy”! Bởi, ông Bé là người tiên phong đem hạt muối trắng tinh ở vùng biển nước ta về xứ sở Ðồng Tháp chế biến thành thương hiệu Muối sấy Ngọc Yến.
Ông Ba Bé trước cơ sở sản xuất muối sấy. |
Ði lên từ gian khó
Để có được kết quả khả quan với nghề này, gia đình ông Ba Bé đã phải trải qua những năm tháng lao động cật lực, vất vả… với những thăng trầm trong cuộc sống, có lúc sạt nghiệp phải bán hết tài sản! Như một câu chuyện cổ tích khi nghe ông Ba Bé kể về ngày đầu khởi nghiệp: “Tôi đến với nghề làm muối sấy này trong một trường hợp rất đặc biệt. Năm 1998, tôi nuôi 5.000 con cút đẻ bị thất bại, lỗ trên 200 triệu phải bán nhà, bán đất trả nợ còn để lại số nợ trên 80 triệu đồng và được Nhà nước cấp Sổ hộ nghèo…. Khổ quá, bà chị trên Tây Ninh kêu lên làm muối. Kẹt quá phải đi thôi. Tôi nghĩ: bây giờ, một gia đình sử dụng bịch muối một hai trăm gram, ăn một tháng chưa hết thì làm nhiều bán cho ai? Suy nghĩ này, tôi cũng chán nản lắm. Nhưng kẹt quá phải làm. Lúc đó, lên tại Long Hoa làm đâu năm sáu chục ký, vợ con phải mang xuống tận TP. Hồ Chí Minh bán theo mấy đường hẻm cho người ta ăn với trái cây. Có lúc hai mẹ con buôn bán, rồi người ta mua nói chuyện ồn ào trước cửa nhà. Ở trong nhà ra đuổi, đi chưa kịp thì múc nước tạt ướt mình - ướt muối… Hai mẹ con ngồi khóc! Cảnh dân “hai lúa” đi thành phố mà ngày đầu khởi nghiệp của muối sấy Ngọc Yến chúng tôi vô cùng khó khăn”.
Với bản tính dám nghĩ - dám làm, tự tin vào khả năng, bản lĩnh của mình và nhất là không cam chịu làm người thua cuộc, không chịu cảnh nghèo đói… ông Ba Bé quyết chí làm ăn, ngày đêm tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm và đưa ra những sáng kiến hữu hiệu… Cuối cùng, ông Ba Bé đã tìm ra được công thức chế biến muối sấy chất lượng cao hơn và được thị trường ưa chuộng. Hớp một ngụm nước, ông Ba Bé phấn khởi bày tỏ: “Trong quá trình làm, tôi có mấy suy nghĩ: Muốn cho sản phẩm tồn tại, không có cách nào khác là phải làm sao thay đổi chất lượng tốt hơn với muối Tây Ninh mình mới có thể bán nhiều, cuộc sống mình tạm ổn thôi. Từ suy nghĩ này, tôi bắt đầu thay đổi. 2 năm sau, tôi hình thành được công thức mới. Mục đích của tôi là chất lượng cho ngon đi rồi nhiều người tiêu dùng sẽ sử dụng thì doanh thu mình sẽ cao, hiệu quả sẽ cao hơn”.
Thật vậy, sản phẩm muối sấy thơm ngon - bổ dưỡng với công thức chế biến mới của ông Ba Bé đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng khen ngợi. Chất lượng muối sấy do ông Ba Bé chế biến đã nâng lên, đảm bảo ATVSTP, được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm nên bán rất chạy. Không ít mối - lái đặt hàng mua với số lượng lớn để mở đại lý ở địa bàn quận Bình Thạnh, quận 1, TP. HCM.
Cuộc đời sang trang mới
Vui mừng với thành công bước đầu, ông Ba Bé cùng vợ và các con nỗ lực làm ăn, chế biến sản phẩm muối sấy thơm ngon, chất lượng, an toàn và tiện lợi… đem đi tiêu thụ khắp nơi. Bán được đồng nào, gia đình ông Ba Bé chi xài dè sẻn rồi để dành và kiếm thêm. Cực khổ, tiết kiệm nên chỉ sau hơn 6 năm nỗ lực làm ăn trên mảnh đất Tây Ninh và TP.HCM, ông Ba Bé đã tích lũy được lưng vốn khấm khá cùng với kinh nghiệm tay nghề chế biến muối sấy. Trở về quê năm 2006, ông Ba Bé quyết định đầu tư vốn mở cơ sở chế biến muối sấy mang thương hiệu Ngọc Yến. Từ đây, cuộc sống của gia đình ông Ba Bé đã bắt đầu sang một trang mới!
Nguyên liệu chính để chế biến muối sấy chủ yếu gồm: muối bọt, đường cát, tỏi, ớt, bột ngọt… Lúc đầu, cơ sở chế biến của ông Ba Bé chỉ sản xuất nhỏ lẻ với những dụng cụ chế biến thô sơ, mỗi chảo sấy khoảng 30 phút mới cho ra được 3kg muối thành phẩm. Mỗi ngày, cơ sở của ông Ba Bé chỉ sản xuất và cung cấp ra thị trường từ 30 - 50kg muối sấy thành phẩm. Khi sản phẩm muối sấy Ngọc Yến chào hàng và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp chấp nhận, cộng với bản tính dám nghĩ - dám làm, mạnh dạn làm ăn và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật… nên ông Ba Bé đã đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm thiết bị hiện đại như: lò sấy muối bằng bồn inox; máy xay - máy trộn nguyên liệu tổng hợp, khép kín đảm bảo chất lượng ATVSTP và 10 dàn phơi muối sau khi trộn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Năm 2007, sản lượng muối sấy Ngọc Yến tiêu thụ được 40 tấn; sang năm 2008, tăng lên 60 tấn… Thương hiệu muối sấy Ngọc Yến được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền; Hội đồng Trung ương Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Việt Nam, đơn vị giám sát chất lượng quốc tế - Vương quốc Anh và Trung tâm Khảo sát chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp đánh giá “Phù hợp tiêu chí Tín nhiệm vàng: Nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam”… Từ đó, muối sấy Ngọc Yến ngày một vươn xa không chỉ trên lãnh thổ nước Việt Nam mà còn vươn ra thị trường một số nước trên thế giới. Tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đều có nhà phân phối và các đại lý của Cơ sở muối sấy Ngọc Yến.
Tổng doanh thu trung bình 6 năm của Cơ sở muối sấy Ngọc Yến lên trên 30 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, cơ sở còn lãi trên 4 tỷ đồng! Cơ sở hiện đang giải quyết việc làm ổn định cho 25 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức thu nhập từ 3,6 - 5 triệu đồng/công nhân, cộng với các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hằng năm.
Giúp đỡ nhiều mảnh đời gian khó
Cơ sở muối sấy Ngọc Yến đứng trong top 69 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc được Ban khen thưởng Trung ương trao tặng Biểu tượng Vàng thương hiệu Việt năm 2010. Ðầu tháng 8/2011, ông Ba Bé vinh dự được nhận Cúp Sen Vàng Việt Nam do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam bình chọn. Tháng 6/2012, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Việt Nam chứng nhận muối sấy Ngọc Yến là “Thương hiệu tiêu biểu năm 2012”. Tháng 9/2012, Hội Khoa học công nghệ lương thực và thực phẩm Việt Nam và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam chứng nhận: “Muối sấy Ngọc Yến đạt danh hiệu “Thực phẩm Việt vì sức khỏe người Việt”. Ông Ba Bé còn nhận được Kỷ niệm chương Doanh nhân tiêu biểu năm 2011 do Bộ Công Thương trao tặng; được Tỉnh ủy Ðồng Tháp chọn làm 1 trong 4 đại biểu của tỉnh tham dự hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức tại Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2007 - 2010”; được Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam trao tặng Cúp Vàng chất lượng và HCV sản phẩm chất lượng; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 4 năm liền 2009 - 2012 và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp về thành tích Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2012… |
Bài, ảnh: Trần Trọng Trung