“Ông ấy rất thương yêu trẻ con”

06-10-2015 22:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó là câu nói của bà con ở miệt Hóc Môn (TP.HCM) mỗi khi nhắc tên anh, một bác sĩ đã chọn vùng đất này để sinh sống và lập nghiệp từ hàng chục năm trước...

Đó là câu nói của bà con ở miệt Hóc Môn (TP.HCM) mỗi khi nhắc tên anh, một bác sĩ đã chọn vùng đất này để sinh sống và lập nghiệp từ hàng chục năm trước... Anh tên là Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Bác sĩ mê con nít

Đậu Đại học Y khoa TP.HCM, sau 6 năm miệt mài học tập, ngày chuẩn bị ra trường, có một vị bác sĩ đàn anh đỡ đầu, đưa về một BV lớn ở thành phố, nhưng anh lại nộp đơn xin làm... không công ở Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 và gắn bó từ đó đến bây giờ.

Sau ngày ra trường ít lâu, anh mở một phòng khám giá rẻ ở vùng ven tại Hóc Môn - một huyện thuộc ngoại ô thành phố để phục vụ người dân nghèo. Từ đó, anh được báo chí nhắc đến như một điển hình thầy thuốc “không ham giàu”. Anh tâm sự với bạn bè: “Tôi giữ phòng mạch giá rẻ, giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo chính là để... vui lòng mẹ”.

Anh kể: Mẹ anh là người Huế, vào Nam sau năm 1954. Bà buôn thúng bán bưng ở chợ Vạn Hạnh, chợ ngã Ba Bầu (Hóc Môn) để cùng chồng nuôi dạy 10 người con thành đạt. Cả nhà chỉ mỗi mình anh theo nghề y, anh coi đó như là cái nghiệp!

Khi anh chuẩn bị mở cửa phòng mạch, ba mẹ vợ (từng làm việc trong ngành y) đã nhắc nhở về đạo đức thầy thuốc là không chặt chém, không thủ đoạn, chăm sóc bệnh nhân tận tình. Còn mẹ ruột thì tự “niêm yết” giá 10.000đ/lần khám. Nhiều năm sau, bà cho phép anh tăng giá lên 15.000/lượt và đến trước ngày đóng cửa năm 2014, giá khám mới lên 30.000đ, rẻ hơn rất nhiều so với mức khám bệnh trên thị trường.

Người dân ở Hóc Môn hay gọi anh là “Bác sĩ mê con nít”, bởi khi cha mẹ dẫn tới khám, đứa trẻ nào  cũng được anh hỏi han, đùa vui. Đi khám bệnh mà đứa nào cũng ham thích, chẳng muốn về! Phòng khám của anh rất đông, nhưng vì công việc ở bệnh viện chiếm quá nhiều thời gian nên  năm 2014, anh phải nghỉ việc khám chữa trị tại quê nhà để tập trung cho công việc tại bệnh viện và nghiên cứu chuyên môn.

“Ông ấy rất thương yêu trẻ con”

BS. Trương Hữu Khanh khám cho một bệnh nhi.

Cứu sống bé 6 tháng tuổi ngưng thở

Tháng Giêng năm 2014, anh đã cứu sống một bệnh nhi ngưng thở. Bệnh nhân là bé trai 6 tháng tuổi ở Cai Lậy (Tiền Giang) đến Bệnh viện đa khoa Cai Lậy trong tình trạng sốt, nôn ói. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán viêm não và điều trị 2 ngày không khỏi, bé chuyển nặng và co giật liên tục.

Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 hôm 17/1/2014. Vừa đến bệnh viện thì ngưng thở, bé được chọc lấy não tuỷ xét nghiệm thì kết quả dương tính với viêm màng não mủ. Nhận định đây là trường hợp viêm màng não nặng, anh cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 lập tức cho bé thở máy để kích thích hệ hô hấp đồng thời điều trị theo phác đồ viêm màng não mủ. Đến sáng 23/1/2014, bệnh nhi mới qua cơn nguy kịch, cai máy thở, khóc thành tiếng.

Với ca bệnh này anh cho biết, nguyên nhân hôn mê sâu do bé bị biến chứng tụ mủ trong não thất và nhồi máu rải rác trong não. Dù qua nguy kịch, song khả năng bé bị di chứng là rất cao. Bé có thể chậm phát triển trí tuệ.

Theo anh, nguyên nhân khiến bệnh nhi mắc bệnh là mẹ bé chỉ tiêm vắc-xin cho bé ở tháng thứ hai mà không tiêm hai mũi kế tiếp ở tháng thứ ba và tháng thứ tư.

Sau đó, chị Huỳnh Thị Cẩm Xuân - mẹ bé thừa nhận do mỗi tháng xã chỉ tổ chức một ngày tiêm chủng miễn phí, mà thời điểm địa phương tiêm vắc-xin thì con chị bệnh nên không thể tiêm đầy đủ.

Những công trình đột phá trong chống dịch

Trong thời gian dài phục vụ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều đêm anh mất ngủ vì bất lực trước bệnh tình của nhiều đứa trẻ. Trước ánh mắt đau đớn tuyệt vọng của nhiều bậc cha mẹ, anh thấu cảm nỗi mất mát của gia đình. Anh thường tâm sự với đồng nghiệp: có những cái chết đã đeo đẳng anh hàng năm trời, như vào năm 2002, cái chết của một cháu bé 6 tuổi mà anh nghi ngờ là ca đầu tiên của dịch tay chân miệng: Tôi ám ảnh mãi vẻ bàng hoàng lẫn ngơ ngác của cha mẹ bé, bởi ở các bệnh viện họ đi qua, bé đều được cho là “bình thường”!

Anh thấy lúc gần qua đời, bé đã bị tăng áp lực nội sọ, mạch rất nhanh, miệng nói lảm nhảm. Phải mất một năm rưỡi sau, anh và một số đồng nghiệp mới biết về nguyên nhân của cái chết này.

Ít ai biết rằng, trong hai năm 2002-2003 là thời điểm không chỉ riêng anh, mà cả Bệnh viện Nhi đồng 1 bị người trong ngành ngờ vực, cho rằng việc công bố dịch tay chân miệng là cách để bác sĩ  tự khỏa lấp sự bất lực trước những cái chết bất thường của trẻ. Khi sự việc được sáng tỏ, Bộ Y tế công bố dịch, cũng là lúc anh mới được cộng đồng vinh danh  là “Hiệp sĩ chống dịch”!

Hơn hai mươi năm phục vụ ở Khoa Nhiễm, hơn ai hết, anh là người biết rõ diễn tiến phức tạp và tiên lượng căn bệnh này. Bề dày chữa bệnh đã giúp anh đưa ra những phác đồ điều trị có hiệu quả.

Tháng 3/2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã mời nhiều chuyên gia đến hội ý và ban hành phác đồ điều trị tay chân miệng làm chuẩn chung, anh là một trong những chuyên gia Việt Nam đóng góp tích cực vào phác đồ điều trị này.

Trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7/2010 của nhóm lâm sàng, ngoài anh còn có một bác sĩ Malaysia, hai bác sĩ Đài Loan đưa ra hướng dẫn cuối cùng về lâm sàng. Bảng cuối cùng được phát hành vào tháng 5/2011 với tên gọi: Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng của cộng đồng đối với bệnh tay chân miệng. Từ phác đồ của WHO, mỗi nước lấy ra và phát triển cho phù hợp với tình hình của nước mình.

Năm 2012, WHO đã mời anh cộng tác biên soạn một phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Phác đồ của anh đưa ra đã được thế giới công nhận như một tài liệu hướng dẫn chính trong các nghiên cứu điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay. Ngoài ra, biện pháp xử lý tình trạng tay chân miệng nặng, nguy kịch bằng phương pháp thay máu của anh cũng góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tưởng chừng không qua khỏi.

Trao đổi với báo chí, anh cho biết thêm: “Hơn 10 năm về trước (khoảng 2003-2004), có lúc mỗi tuần có vài bệnh nhi chết, không ai biết nguyên nhân. Nhiều người không chấp nhận có con virut tay chân miệng. Khi đi làm, vào bệnh viện thấy 2-3 ca bệnh nặng có khả năng tử vong, ai cũng nản. Lúc đó anh đã điều trị bằng kinh nghiệm của điều trị viêm não, nghi ngờ đến tác nhân mới và có khả năng cao là Enterovirus 71.

Mình là nước tiếp cận tay chân miệng trễ hơn so với Đài Loan và Malaysia. Nhưng từ kinh nghiệm của họ, chúng tôi dần xây dựng phương pháp điều trị ngày càng hiệu quả. Chẳng hạn, từ nghiên cứu của Đài Loan và kinh nghiệm của họ, chúng ta ứng dụng được vấn đề là không xài thuốc vận mạch kinh điển (dopamine, adrenaline), nếu dùng tình trạng bệnh sẽ xấu hơn”.

Tư vấn tự nguyện trên facebook !

Hàng ngày, chứng kiến cảnh những bà mẹ bế con chờ đợi, chen chúc để được khám chữa bệnh cho con ở bệnh viện, anh cảm thấy mình cũng có lỗi phần nào với họ. Vì thế, anh đã mở một trang facebook hỏi đáp về sức khỏe cho các bệnh nhi. Trang này thu hút rất nhiều người. Tên tuổi của anh được bà con thành phố và các tỉnh lân cận biết nhiều hơn một phần từ đó.

Sau khoảng thời gian tất bật trong bệnh viện từ sáng đến tối, anh dành chút thời gian ít ỏi để tư vấn về bệnh nhi cho các bậc cha mẹ. Thức dậy từ 4 giờ sáng, mỗi ngày anh tranh thủ trả lời cho khoảng 200 ca bệnh mà các bà mẹ đang nóng lòng về tình trạng của con mình. Anh thường nói với mọi người: “Biết người hỏi đang ôm đứa con sốt hầm hập và trông chờ hỏi đáp từng giây từng phút, mình thấy như mắc tội, mắc nợ nếu để ai phải chờ đợi lâu”.

Để xoa dịu các bà mẹ đang sốt ruột chờ đợi, có khi anh chỉ đủ thời gian trả lời trong một vài từ vắn tắt. Nhưng đó là những gì cần thiết nhất để định hướng cách giải quyết. Cũng nhờ tư vấn đơn giản, dễ hiểu nên số lượt truy cập và thích trang facebook của anh tăng vùn vụt mỗi ngày (hiện có 38 ngàn lượt người thích và theo dõi trang). Việc tự nguyện phục vụ khám chữa bệnh qua mạng khiến anh càng lúc càng bận rộn, hối hả hơn.

Các yêu cầu tư vấn ngày một nhiều với quá nhiều lĩnh vực, có khi anh phải cầu cứu đồng nghiệp và cả người vợ cùng ngành y giúp sức. Nhiều bác sĩ trẻ đã hào hứng hồi đáp giúp anh trong những lĩnh vực chuyên môn sâu mà họ đảm trách. Từng có lúc, trang tư vấn trục trặc khi bị hacker đánh sập, cũng có ý kiến vào ra hoài nghi tính “free” và mục đích của anh. Có cả những chủ phòng mạch tư lo “mất khách” “mất nồi cơm” vì bệnh nhân sẽ chỉ cần lên mạng là gặp bác sĩ, vừa tiện, nhanh, lại không tốn tiền, tốn sức như đưa con tới phòng khám.

Anh chia sẻ: “Thật ra, tôi chỉ tư vấn, chỉ định hướng, chứ không có ý định thay thế công việc của bệnh viện. Sau một thời gian vận hành, tôi đã tin mình làm đúng, không còn băn khoăn nữa”.

Một thầy thuốc “lãng tử”

Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 kể là cách đây khá lâu, trong một buổi giao ban của bệnh viện, vị giám đốc tiền nhiệm mang một ca tử vong vì viêm não hôm trước ra bàn luận và hỏi: “Làm sao biết chắc em bé này bị viêm não?”. Nhiều ý kiến nêu ra nhưng anh có ý kiến khác: “Theo tôi, chỉ có một cách chắc chắn nhất đó là mổ sọ vì chỉ có nhìn thì mới biết!”.

Mọi người ngạc nhiên vì ý tưởng “kỳ quặc”, nhưng rồi ngẫm ra ai cũng thấy có lý bởi suy cho cùng “trăm nghe không bằng một thấy” và chắc chắn nhất vẫn là “tận mắt trông thấy”!

Có người nói anh là người “thầy thuốc lãng tử”! Ở khía cạnh nào đó có lẽ đúng, vì anh không có vẻ bề ngoài của một bác sĩ. Nhìn anh với mái tóc xoăn rậm, áo luôn bỏ ngoài quần, chân mang sandal hay mang dép khiến người ngoài nhìn giống  như một gã “lãng tử” lang bạt kỳ hồ! Cách sống ít theo lẽ thường đó, cộng với sự thẳng tính và hay phản biện mà anh mới bị nhiều người xem là “gàn dở”!

Không “gàn dở” sao được khi  học xong 6 năm y khoa, đang chuẩn bị thi nội trú với bạn bè, đột nhiên bỏ ý định để đi tìm việc ở bệnh viện. Có lẽ lúc đó anh mới kịp nghĩ là chỉ có va chạm thực tế thì tay nghề mới nâng lên. Có thầy dạy về tâm thần nhìn bảng điểm của anh, nhận ngay về bệnh viện làm vì thấy anh phù hợp, nhưng anh lại chọn làm việc cho Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1; một công việc... không công !

Anh nói: “Đó là năm 1989, tôi là một trong những bác sĩ làm không công đầu tiên của cả nước. Thích tư duy tìm tòi, nên tôi nghĩ nếu một đứa bé không biết nói mà mình tìm ra bệnh thì mới hay.

Tôi cũng mê ngành truyền nhiễm, vì nghĩ rằng nhiều bệnh có thể không chữa khỏi. Nào dè thời nay có nhiều bệnh nhiễm chữa khó quá, thậm chí có bệnh thầy thuốc cũng phải bó tay”.

Sự thẳng tính và thích phản biện là bản chất thật của con người anh. Nói thẳng dường như đã ăn sâu vào trong máu của anh. Những năm mới vào nghề, vì cái tính này mà không ít bậc đàn anh đã cho anh là “ngang bướng”. Nhưng anh lại nói: “Y khoa mà không phản biện thì hết sức nguy hiểm. Nhưng được cái tôi không cố chấp, ai nói đúng thì tôi nghe. Với lại tôi nói vì cái chung, chứ không phải cho bản thân mình, nên từ từ người ta cũng hiểu”.

Nhắc lại chuyện này để thấy được cái ngay thẳng nhưng hết sức có lý của anh: Tháng 7/2011, khi dịch tay chân miệng có chiều hướng xấu, báo chí nêu dự báo của anh: “Phải tính đến kịch bản xấu nhất, nếu không hành động kịp thì “ngành y tế chỉ có nước tung cờ trắng”. Lúc đó có người phê bình anh “ăn nói lung tung trên báo chí”. Một bác sĩ khác lại nói “Năm nào cũng có tay chân miệng, cần gì phải nói sốc như thế”! “Nói sốc”, “lung tung” hay không thì phải bàn, nhưng diễn tiến sau đó cho thấy cảnh báo của anh là có lý. 4 tháng sau, cả nước có gần 90.000 ca bệnh tay chân miệng ; 147 ca tử vong. Chưa năm nào nước ta bị khốn đốn vì bệnh tay chân miệng như năm 2011.

Không thích những từ hoa mỹ, nhìn lại hơn 20 năm làm một bác sĩ nhi nhiễm, anh nói ngắn gọn và khiêm tốn: Tôi nghĩ mình đã lỡ mang cái nghiệp bác sĩ thì phải sống hết mình và làm tròn trách nhiệm thôi”.

Làm tròn trách nhiệm, chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện. Hỏi anh vậy trách nhiệm của một bác sĩ là gì, anh đáp: “Phải hết mình với bệnh nhân, đừng “chặt chém” họ và tìm tòi, học hỏi để chữa bệnh cho tốt”.

Ở Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, ai cũng biết cả chục năm nay anh không nghỉ phép năm. Thỉnh thoảng lại đi công tác, anh xem đó như dịp xả bớt căng thẳng của công việc thường nhật.

Trách nhiệm với bệnh nhân là tiêu chí cao nhất mà anh tự đặt ra cho mình. Sẵn sàng sống hết mình với nghề thầy thuốc, vì thế anh không ngại nói thẳng nói thật, mục đích cũng chỉ mong tìm ra con đường tốt nhất cứu chữa người bệnh. Với khả năng chuyên môn của mình, ai cũng nghĩ rằng anh thừa sức để có những học vị, học hàm cao hơn, nhưng có lẽ vì bản chất con người của anh không vì danh vì lợi nên anh không màng nghĩ tới những điều đó. Anh thường tâm sự: “Làm bác sĩ bình thường là khó rồi huống gì làm chuyện lớn lao hơn”!

Anh bằng lòng với những gì cuộc đời đã ban tặng...

Năm qua, WHO đã phát hành “Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng đối với bệnh tay chân miệng”, do BS. Trương Hữu Khanh và 3 bác sĩ nước ngoài chấp bút. Đây là chứng nhận cụ thể về trình độ chuyên môn của anh và ngành y khoa Việt Nam.

Ngoài công việc hằng ngày, anh còn tham gia nghiên cứu. “Tôi tự làm những nghiên cứu nhỏ, rồi cộng tác với người khác làm nghiên cứu lớn. Nghiên cứu sẽ giúp bác sĩ học hỏi được nhiều điều. Một bác sĩ không chịu nghiên cứu, học hỏi thì khó phát triển tài năng”.

Hơn  20 năm làm nhi nhiễm, nhiều đề tài nghiên cứu của anh về HIV/AIDS, viêm não, tay chân miệng... đã phát huy hiệu quả, khiến giới khoa học nước ngoài chú ý. Anh được xem là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về HIV trẻ em!

Tôn Thất Thọ

 


Ý kiến của bạn