Giải đáp những băn khoăn này của phụ huynh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã nêu rõ việc tổ chức dạy thêm không thu tiền trong nhà trường áp dụng với ba nhóm đối tượng học sinh, gồm học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc bảo đảm học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên.
Hầu hết giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực hỗ trợ học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi. Minh chứng là từ năm 2022 đến năm 2024, Hà Nội đã tăng 16 bậc về thứ hạng so với các địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hà Nội đề nghị hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên ôn luyện cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho hay, hiện Hà Nội có hơn 2.900 cơ sở giáo dục, 2,3 triệu học sinh và 130.000 nhà giáo. Việc tổ chức dạy thêm học thêm vốn là vấn đề phức tạp, nhu cầu lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt, bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình mới, không cần học thêm.
Về việc ôn thi cho học sinh cuối cấp không thu phí theo quy định của Thông tư 29 khiến các nhà trường gặp khó khăn hiện nay, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc bảo đảm học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên.
Tuy nhiên, để tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền của Thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên ôn luyện cho học sinh.
Về băn khoăn nhiều trường dừng dạy thêm buổi chiều khiến phụ huynh khó khăn tìm nơi gửi con, ông Cương cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm học thêm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, để thông tư mới đi vào thực tiễn và có hiệu quả thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó điều quan trọng sự thay đổi về nhận thức. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các lực lượng khác có liên quan cần tăng cường. Việc này nhằm nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để họ "nói không" với dạy thêm sai quy định; đồng thời cũng giúp học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm để thực hiện đúng. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ quan tâm các chính sách bảo đảm đời sống giáo viên, giúp họ chuyên tâm cống hiến với nghề.