Ðón Tết đầu tiên ở xa Tổ quốc

22-02-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Pháp đưa đoàn chuyên gia y tế chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất...

Chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Pháp đưa đoàn chuyên gia y tế chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh Bangkok, New Delhi, Dubai, tới Thủ đô Paris nước Pháp, rồi bay tiếp đến Alger, Thủ đô của nước Cộng hòa Algérie Dân chủ và Nhân dân là nước chúng tôi đến làm việc (vào năm 1981, nước ta chưa mở đường bay Hà Nội - Paris nên chúng tôi xuất phát từ sân bay Đa Phúc - nay là sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội - bằng máy bay TU 104 để vào Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh mới làm thủ tục xuất cảnh đi Algérie). Sau chặng đường dài hơn chục ngàn cây số, chúng tôi ai cũng mệt nhoài vì mất ngủ. Thời tiết cuối năm đó rất lạnh. Mặc bộ comple tuy mới và đẹp nhưng không đủ ấm nên ai cũng thấy lạnh cóng, hai hàm răng cứ đánh vào nhau lập cập, vì nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 0oC, dù Algérie là nước ở miền Bắc châu Phi gần đường xích đạo, nhưng những đợt gió tuyết lạnh buốt từ lục địa châu Âu thổi tràn xuống, gây ra cái rét cắt da cắt thịt, nhất là sân bay Alger lại đặt gần bờ biển Địa Trung Hải lộng gió. Đại sứ Trần Văn Hưng cùng các cán bộ của  Sứ quán ra đón tại sân bay làm cho chúng tôi cảm thấy lòng mình như ấm lại...

Chúng tôi dừng lại Thủ đô Alger tại khách sạn 5 sao Mazafran ít ngày (khách sạn sắp xếp toàn bộ tầng trệt làm nơi ăn, chia làm 3 khu, mỗi khu rộng, gồm khu vực dành cho khách đạo Hồi, khu dành cho khách dùng thực đơn châu Á, bên cạnh là khu dành cho khách ăn món châu Âu. Ăn xong, nhà hàng đến xin đại diện từng mâm của chuyên gia ký vào tờ séc xác nhận chi phí bữa ăn, để chuyển về Bộ Y tế Algérie thanh toán. Sớm hôm sau, chúng tôi đến chào cơ quan Đại sứ quán Việt Nam, sau đó, phía bạn tiến hành kiểm tra sức khỏe, ký kết hợp đồng lao động và trao quyết định làm việc của Bộ Y tế, cho mở tài khoản nhận lương và đăng ký cuốn séc của mỗi người (ở Algérie, chuyên gia nhận tiền lương được bạn trả rất đều, qua tài khoản ở cuốn séc cá nhân, tại bưu điện nơi làm việc hoặc dùng nó để thanh toán khi cần chi dùng ở bất cứ cơ quan, cơ sở Nhà nước nào trên lãnh thổ nước này).

Nhân dân Algérie có tình cảm tốt đẹp đặc biệt với Việt Nam. Họ thường kể lại tình cảm nồng nhiệt của nhân dân Algérie đối với Việt Nam qua hình ảnh vị Tổng thống nước họ là ngài Houarie Boumédienne đã đích thân đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cầu thang máy bay và cùng Đại tướng đến các tỉnh trong suốt chuyến thăm... Đến đâu, nhân dân Algérie cũng nồng nhiệt đón tiếp và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp!”. Thật cảm động và tự hào!

Chúng tôi làm việc tại bệnh viện có quy mô lớn với 500 giường bệnh, gần Constantine, ở miền Đông Algérie (thành phố lớn thứ 3 và là cố đô của nước này, cách Thủ đô Alger chừng 600km), nơi đây dân trí cao, cuộc sống nhộn nhịp nhưng nền nếp, kỷ cương. Anh B. và anh L. sang trước tôi 3 tháng chưa nhận được tin gia đình, nên gặp lại nhau rất vui vì các anh đọc những bức thư nhà được tôi cầm sang, kèm theo gói mứt gừng, hộp bánh đậu xanh, dầu cao sao vàng, những chiếc quạt lá đề, mũ cói, chiếc nón lá làng Chuông trắng nuột nà, đường khâu đều tăm tắp đẹp mắt và những tấm bưu ảnh mang phong cảnh Việt Nam, cùng thưởng thức vị hương thơm của chè Hồng Đào. Chúng tôi chia sẻ những sản phẩm thủ công thời đó để làm quà đối ngoại. Khi chúng tôi đến đây đã vào tháng cuối năm, Tết cổ truyền của dân tộc ta đến gần, nên bàn việc tổ chức đón Tết đầu tiên xa nhà của đoàn sao cho ấn tượng, cũng là dịp quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Tôi tặng lại các thứ mới mang sang như bánh đa nem, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mì chính, gạo nếp, đỗ xanh, cân hạt sen, túi nhãn lồng Hưng Yên đã sấy khô và chai rượu Lúa Mới... để góp phần làm cỗ Tết (vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những thứ đó là “của hiếm”, “của một đồng, công một nén” vì được bảo quản và vận chuyển trên chặng đường dài trên chục ngàn cây số). Việc phân công nhanh chóng được thông qua: Anh B. lớn tuổi nhất, được phân công đi mời và sắp xếp khách cho từng buổi (vì khách thường hỏi lại là trong buổi đó mời những ai tới dự, nếu có ai đó không hợp “gu” với mình thì họ từ chối ngay, anh B. lại phải nhanh chóng ghép “đội hình” khác (từ danh sách được chuẩn bị trước). Anh L. được giao trang trí các món ăn trên bàn tiệc sao cho đẹp mắt và cắt chữ Chúc Mừng Năm Mới, cùng những hình ảnh Việt Nam như hình dáng ngôi nhà mái tranh làng quê nước ta với lũy tre xanh, bác nông dân cùng con trâu đang cày ruộng, đôi cá chép ngắm trăng (phỏng theo bức tranh dân gian Song ngư vọng nguyệt), cặp chim bồ câu đang bay liệng tượng trưng cho hòa bình... được cắt từ những tấm phim Xquang đã qua sử dụng, đem dán lên tường, trông rất sinh động. Ban thờ Tổ quốc được lập, trên bức tường treo tấm ảnh Bác Hồ đôn hậu lồng trong khung kính dưới lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng rực rỡ, có cả bát nhang là gốm Bát Tràng mang màu sắc dân tộc được đặt trên chiếc bàn phủ khăn trắng tinh. Các món ăn ngày Tết cũng được thống nhất. Chúng tôi góp mỗi người 200 đina (là tiền Algérie), giao anh L. làm thủ quỹ ghi chép chi tiêu, rồi cùng nhau đi chợ. Algérie là nước theo đạo Hồi không dùng thịt lợn, nhưng gà thì rẻ và tươi ngon. Khách chọn con nào, đưa chủ hàng cắt tiết, rồi thả gà ra bãi cỏ tự giãy cho hết tiết, đem nhúng nước sôi và đưa vào máy làm lông, rạch lấy hết lòng mề bỏ đi, gói ghém giao cho khách. Nhưng 3 ông khách Việt Nam chỉ yêu cầu trói gà lại, để sống mang về tự làm, nên họ hơi ngạc nhiên (vì ông chủ hàng không hiểu là ba ông Việt Nam muốn mang gà còn sống về, tự mổ, lấy được bát tiết, làm sạch sẽ bộ lòng để chế biến món miến nấu với lòng gà, nấm hương và chần hành củ là món ăn dễ làm và cũng “khoái khẩu” nữa).

Đêm Giao thừa thiêng liêng ở Algérie đến vào lúc 18h, theo giờ địa phương (vì múi giờ Hà Nội sớm hơn ở đây 6 giờ đồng hồ). Chúng tôi hoàn tất mọi việc từ sớm, để cùng nhau thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ tổ tiên, gia đình, quê hương, đất nước, khấn cầu cho gia đình mọi sự bình an, may mắn, cầu cho quốc thái, dân an. Chúng tôi lắng nghe bản nhạc Quốc ca, Lời chúc đầu năm mới của Chủ tịch nước xen lẫn những tràng pháo nổ ròn rã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà trên khóe mắt mỗi người còn đọng lại những giọt nước mắt nhớ về người thân ở nơi quê nhà. Đối với người Việt Nam, bữa cơm cúng cuối năm có ý nghĩa sâu sắc, khi chúng tôi là trụ cột của mỗi gia đình, lại phải tổ chức đón Tết đầu tiên nơi xa cách người thân, xa quê hương thân yêu, nên ai cũng có tâm tư thật đặc biệt... Ba anh em cụng ly rượu Lúa Mới (dành riêng cho nội bộ đoàn, vì đạo Hồi là Quốc đạo, nên ở Algérie không dùng bia rượu trong các bữa ăn), cảm thấy lòng mình ấm áp hơn, cởi mở và gần gũi thân thiết với nhau hơn, thấy vơi đi nỗi nhớ nhà da diết ở nơi xa xứ. Anh B. cao hứng ngân nga những khúc tình ca mà mang nặng tính triết lý về cuộc sống của Trịnh Công Sơn, anh L. ứng khẩu thành thơ, nhớ về một thời trai trẻ, còn tôi cất lên bài hát Mùa Xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao mà mình ưa thích... Tiếp đó là những bữa tiệc nghênh tiếp các quan chức của bệnh viện, lãnh đạo Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam, chuyên gia các nước cùng làm việc tại bệnh viện, các chủ nhà hàng xóm... ai cũng rất vui, vì được sống trong không khí đón Tết Việt Nam. Ở nước họ, việc họp mặt đầu năm chỉ thu hẹp trong khuôn khổ gia đình, dòng họ. Họ thường chào hỏi xã giao với nhau mỗi khi gặp mặt, chứ ít khi mời về nhà riêng tiếp đãi. Dịp Tết năm ấy, nhiều người được thưởng thức những món ăn có sắc màu Việt Nam như nem rán, gà ninh măng, thịt gà nấu đông dùng với dưa hành, món nộm su hào, đu đủ, cà rốt trộn lạc rang giã giập lẫn rau thơm, chanh, dấm, ớt tươi, những quả cà chua chín đỏ mọng được cắt tỉa hấp dẫn, bên cạnh đĩa xôi hoa cau lạ mắt, tỏa mùi thơm ngát dẻo ngon... Chúng tôi kể cho mọi người về những câu chuyện đầu năm mới như phong tục các gia đình tổ chức đi tảo mộ, nhà nào cũng cúng ông Công, ông Táo, hay đi thăm hỏi chúc Tết lẫn nhau, dự các lễ hội ngày Tết ở Việt Nam làm cho không khí thêm vui vẻ hào hứng. Mọi người lắng nghe và vỗ nhịp theo các bản nhạc chúc mừng năm mới của Việt Nam và các nước, được phát ra từ chiếc đài cát-xét, làm tăng ý nghĩa tươi vui của cuộc gặp mặt đầu xuân, chúng tôi nâng cốc nước hoa quả thơm dịu để chúc mừng năm mới. Về cuối bữa, mọi người không chỉ tráng miệng bằng những trái lê, táo, mận, đào, nho ngọt ngào, mà còn được thưởng thức chén chè hạt sen long nhãn mang hương vị Việt Nam... Ra về, các vị khách được tặng món quà mang từ Việt Nam cho gia đình họ, thật là thú vị.

Cuộc gặp gỡ đón Tết Việt Nam trên đất nước Algérie năm ấy đã gắn bó tình cảm giữa những con người mà hôm qua như còn xa lạ nhưng đến hôm nay đã trở nên gần gũi, thân tình. Mùa xuân năm Nhâm Tuất 1982 được chúng tôi luôn ghi nhớ là một kỷ niệm đẹp đẽ trong đời, dù đã lùi xa hơn ba mươi năm mà cứ ngỡ như vừa mới diễn ra hôm qua, vì đã cùng nhau tổ chức đón Tết đầu tiên xa quê hương, những người con đất Việt tha hương càng thêm gần gũi, cảm thông và gắn kết với nhau, để có được cuộc sống yên vui đầm ấm, tựa như ba cái chân kiềng luôn luôn đứng vững chắc trong từng ngôi nhà của dân tộc Việt Nam!

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng hàng triệu bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp thế giới - vào những ngày đầu xuân mới Ất Mùi 2015 - có chung tâm thế như người dân Việt Nam ở trong nước luôn nhớ về cội nguồn, tự hào là con cháu Lạc Hồng, đồng lòng chung sức đóng góp tài trí, tạo nên sức mạnh của lòng dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân an, quốc thái, có được cuộc sống dân chủ, công bằng, văn minh, có nền độc lập, tự do, hạnh phúc vững bền.       

   BS. Lâm Đức Hùng

 

 


Ý kiến của bạn