Hà Nội

Ðơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân

15-05-2015 07:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Với nhiều điểm mới mang tính ưu việt trong chính sách an sinh xã hội cho người dân, tuy nhiên, sau 4 tháng triển khai thực hiện, những kết quả thu được của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi vẫn chưa thu được nhiều trái ngọt.

Với nhiều điểm mới mang tính ưu việt trong chính sách an sinh xã hội cho người dân, tuy nhiên, sau 4 tháng triển khai thực hiện, những kết quả thu được của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi vẫn chưa thu được nhiều trái ngọt. Từ thực tế công tác triển khai thi hành luật cũng như qua thanh, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT cho thấy một trong những nguyên nhân là do cách tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa thực sự quyết liệt…

Bỏ những thủ tục phiền hà

Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi là thực hiện BHYT theo hộ gia đình.  Theo quy định của luật, từ 1/1/2015, quy định bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, tỷ lệ người tham gia BHYT giảm 1,2 triệu người so với năm 2014. Theo ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc thực hiện quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình thời gian qua hơi máy móc, thủ tục tham gia còn khá cứng nhắc, chặt chẽ đến mức rất khó thực hiện.

Làm thủ tục KCB cho bệnh nhân tại BV K cơ sở Tân Triều. Ảnh: TM

Dẫn chứng từ thực tiễn, ông Khảm lấy ví dụ, một người đang tham gia BHYT vẫn có tên trong sổ hộ khẩu nhưng đi nước ngoài, ly hôn... thì hộ gia đình phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy ly hôn... để chứng minh. Quy định này không thực hiện được vì: khi một người đi khỏi địa bàn xã thì địa phương cấp giấy tạm vắng cho bản thân người đó để mang đến đăng ký tạm trú tại địa phương khác. Như vậy, hộ gia đình không có giấy tạm vắng để trình với trưởng thôn, bản, tổ. “Không thể bắt họ gọi con mình từ tỉnh xa về chỉ để chứng minh. Phần việc tiếp theo là của cơ quan quản lý. Về công cụ quản lý, phần việc nào mình có thể làm được thì không nên bắt người dân thực hiện. Ví dụ chủ hộ khai một người con làm ở Bình Dương đã có thẻ BHYT thì cơ quan quản lý chỉ cần tra trên hệ thống là có thể xác minh thông tin này”, ông Khảm chia sẻ.

Quy định phiền hà về thủ tục hành chính khiến tỷ lệ tham gia BHYT trong những tháng đầu năm sụt giảm. Đây là lần đầu tiên có sự sụt giảm này - diện phủ BHYT trước đây tăng dần theo từng năm. Người dân đã mất công đến tận các đại lý BHYT để mua, nhưng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, sau này việc thuyết phục càng khó hơn. Họ khó có thể quay lại lần nữa.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, đạt mục tiêu 75% dân số có thẻ BHYT trong năm 2015 như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, ngành BHXH và các cơ quan liên quan thì vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, qua công tác thanh, kiểm tra việc triển khai Luật BHYT ở 10 tỉnh, thành phố thời gian gần đây, ông Khảm cho biết, có những địa phương vào cuộc rất tích cực, ra những văn bản chỉ đạo cụ thể, phân loại đối tượng để vận động.

Dẫn chứng từ thực tiễn, ông Khảm đưa ra thông tin, theo quy định của Nhà nước, các hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng thì một số địa phương đã hỗ trợ nốt 30% còn lại hoặc có những địa phương hỗ trợ 5-10%. Ví dụ như tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 30% còn lại cho hộ cận nghèo mua BHYT (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% còn lại). Hay như tỉnh Quảng Ninh, năm 2014, tỷ lệ bao phủ BHYT là 79% thì trong năm nay, họ đạt mục tiêu bao phủ 81,5%. Để làm được điều này, UBND tỉnh đã dùng ngân sách hỗ trợ nốt 30% người cận nghèo mua thẻ BHYT cho đối tượng này. Người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi cũng được hỗ trợ nguồn lực mua thẻ BHYT. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành thống kê số người có mức sống trung bình để lên phương án hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những địa phương chỉ đề ra những kế hoạch rất chung chung mang tính chất khẩu hiệu, thiếu kiểm tra đôn đốc giám sát. “Cùng một chính sách nhưng mỗi địa phương lại có sự quyết tâm khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Như vậy, có thể nói vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương rất quan trọng”, ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh.

Thái Bình

 

Ðể “gỡ khó” cho việc thực hiện BHYT hộ gia đình, ngày 14/5, Bộ Y tế đã họp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính để tìm phương án giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trên phương hướng tạo điều kiện đơn giản nhất về thủ tục, đáp ứng nhu cầu người tham gia BHYT, đảm bảo những người đã tham gia tiếp tục được tham gia mà không bị rào cản vì BHYT hộ gia đình. Trả lời báo Sức khoẻ&Ðời sống ngay sau khi kết thúc cuộc họp bàn này, ông Khảm cho biết, các bên đã đi đến thống nhất sẽ cải cách một số thủ tục hành chính như bỏ điều kiện người dân phải có giấy tờ chứng minh các thành viên gia đình đang ở đâu vì “khi họ đã có chữ ký của chủ hộ theo hộ khẩu, có xác nhận của trưởng thôn và chính quyền địa phương đóng dấu xác nhận thì như thế đã đủ điều kiện để cho họ mua BHYT tự nguyện chứ không bắt người dân phải tự tìm giấy tờ chứng minh những người khác trong hộ khẩu đang ở đâu, đã có thẻ BHYT hay chưa… ”. Về vấn đề đóng tiền mua thẻ BHYT tự nguyện cũng sẽ theo hướng người dân có thể đóng từ 3 tháng/1 lần hoặc 6 tháng - 12 tháng/lần…

 

 

 


Ý kiến của bạn