Ổn định cơ cấu dân số Hà Nội - Bao giờ?

09-07-2008 16:45 | Thời sự
google news

Sau khi Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em (DS-GĐ & TE) giải thể và sáp nhập một bộ phận dân số vào ngành y tế, ngành dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) Hà Nội gặp không ít khó khăn.

Sau khi Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em (DS-GĐ & TE) giải thể và sáp nhập một bộ phận dân số vào ngành y tế, ngành dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) Hà Nội gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc ổn định cơ cấu tổ chức thì nhiệm vụ trọng tâm mà Chi cục DS – KHHGĐ Hà Nội đang phải đối mặt đó là thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế tỷ lệ gia tăng và ổn định cơ cấu dân số trên địa bàn Thủ đô.

Phát tờ gấp tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch cho phụ nữ. Ảnh: DK 

Tỷ lệ sinh gia tăng

Theo số liệu thống kê của Chi cục DS – KHHGĐ Hà Nội, đến hết tháng 5/2008, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn thành phố đã lên tới gần 24.000 trẻ, tăng 3.438 trẻ so với cùng kỳ năm 2007. Việc gia tăng tỷ lệ sinh không chỉ khoanh vùng ở một vài quận, huyện mà đang trải đều ở các quận, huyện trên toàn thành phố. Đơn cử như huyện Từ Liêm, mức sinh trong 5 tháng đầu năm lên tới 1.739 trẻ (tăng 215 trẻ so với cùng kỳ năm 2007). Bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ chuyên trách về DS – KHHGĐ xã Cổ Nhuế tâm sự, ngay khi nhận được thông tin về việc giải thể Ủy ban DS-GĐ&TE đã khiến cho những người làm công tác về DS - KHHGĐ tại địa phương bị ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên dân số trên địa bàn. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc động viên, khuyến khích tinh thần anh em cán bộ nên họ đã ổn định về tư tưởng và yên tâm trong công tác. Thế nhưng để ổn định về dân số và hoàn thành các mục tiêu đặt ra lại không hề đơn giản. Do dân số trên địa bàn phát triển tự nhiên, biến động cơ học lớn, mật độ dân số đông (khoảng 43 nghìn người) mà lực lượng làm công tác dân số mỏng, mỗi người phải quản lý gần 250 hộ dân cho nên luôn trong tình trạng quá tải và hiệu quả thấp. Do vậy, nếu không đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân thì việc hoàn thành mục tiêu sẽ gặp nhiều khó khăn. Bà Bình cũng nhận định, hầu hết những trường hợp sinh con thứ 3 trên địa bàn xã đều là những gia đình khá giả và nặng về tâm lý sinh con trai để có người nối dõi tông đường cho nên họ cố tình sinh đẻ. Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế cho biết, lãnh đạo xã luôn xác định công tác dân số là một nhiệm vụ trọng tâm và muốn hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, chúng tôi tiến hành xây dựng, thực hiện lồng ghép nhiều chương trình về DS – KHHGĐ như thông qua các hội nghị, buổi toạ đàm, tuyên truyền dưới nhiều hình thức... để tìm ra các giải pháp tháo gỡ cũng như xây dựng các kế hoạch cho từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.

Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến từng người dân

Để giải quyết những khó khăn, nhanh chóng ổn định cơ cấu dân số, từ đầu năm 2008, ngành DS – KHHGĐ Hà Nội đã tiến hành xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lồng ghép các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến từng địa bàn, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng tham gia công tác DS - KHHGĐ thông qua việc áp dụng, sử dụng các biện pháp tránh thai. Thế nhưng, trước sự gia tăng về số trẻ mới sinh trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã buộc ngành dân số Hà Nội phải đánh giá lại hiệu quả công tác DS – KHHGĐ. Lý giải về vấn đề này, bà Hoàng Diệu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Hà Nội cho biết, do có sự biến chuyển về bộ máy dân số trong thời gian qua cho nên đã có những gián đoạn trong công tác chỉ đạo. Thêm nữa, công tác DS – KHHGĐ là công tác xã hội hóa do đó muốn mọi người tham gia thì tất cả các ban ngành, đoàn thể cũng như các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên tại các thôn bản, vùng dân cư là những người nhiệt tình đến từng nhà, từng ngõ rà soát từng đối tượng để phát hiện, giúp họ sử dụng các BPTT, vận động, tuyên truyền họ đến thực hiện các biện pháp KHHGĐ tại các trung tâm KHHGĐ. Bên cạnh đó, khi giải thể bộ máy dân số thì nhiều người dân thấy rằng giải thể thì công tác này đã hoàn thành cho nên họ cho rằng có thể được tự do, thoải mái sinh con mà không bị ai quản lý, giám sát hoặc nhắc nhở nữa. Từ những nguyên nhân chính như vậy đã ảnh hưởng tới công tác DS – KHHGĐ và làm gia tăng tỷ lệ sinh trong thời gian qua. Trong những tháng cuối năm, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng mới, phù hợp với từng địa bàn thì Chi cục cũng xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể để có thể tác động trực tiếp tới mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện công tac DS - KHHGĐ có hiệu quả.

Hoàng Anh


Ý kiến của bạn