Tại phiên họp giải trình, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thừa nhận trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai, đất đai bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực của Thủ đô, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đã dẫn ra số liệu có tới 283 dự án chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án của chủ đầu tư (CĐT) lớn với diện tích đất hàng nghìn ha. Không ít dự án chậm triển khai hơn 10 năm.
Cụ thể, Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty xây dựng Licogi rộng 35ha chậm tới 14 năm. Dự án khu đô thị Cổ Nhuế rộng 17,6ha tại phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã bỏ hoang 12 năm. Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) của Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) rộng 20ha và Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Sông Đà Sudico rộng 10,6ha chậm tiến độ 11 năm. Một loạt dự án chậm 10 năm như Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức ở La Phù (huyện Hoài Đức) rộng 23,4ha, Dự án khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) của Công ty CP Bất động sản AIC rộng tới 94ha; Khu đô thị Mai Linh tại xã Song Phương và Tiên Yên có diện tích 139ha... Nhiều dự án trên đã giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chỉ là bãi chăn thả bò, để hoang hóa nhiều năm nay. Có quá nhiều dự án không đưa vào sử dụng, thậm chí sử dụng sai mục đích, một số dự án trở thành các bãi đỗ xe cho thuê, thu lợi nhuận trong khi chẳng phải làm gì. Các chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác bằng cách lẩn tránh, xin điều chỉnh quy hoạch rồi lại tính từ thời điểm quy hoạch để hợp thức hóa việc chậm triển khai quy hoạch.
Đại diện các quận nơi có các dự án “ôm đất” nhưng không triển khai cho hay, đa số là những dự án có quy mô lớn được thành phố phê duyệt nhưng việc nhà đầu tư chậm triển khai ảnh hưởng rất lớn đến địa phương. “Nhà đầu tư được thành phố giao đất nhưng không triển khai trong khi dân bị thu hồi đất liên tục có kiến nghị yêu cầu quận phải giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, thành phố cần có những biện pháp mạnh xử lý hoặc thu hồi lại các dự án đắp chiếu để giao cho chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có một nguyên nhân cho việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án - đó là mức xử phạt hiện nay với các dự án chậm tiến độ chưa đủ sức răn đe? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, theo Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định với Thủ đô được xử phạt tới 1 tỷ đồng với 1 dự án là mức cao nhất. Quả thực với tình hình Thủ đô hiện nay thì mức này chưa đủ sức răn đe. Nên tới đây, Sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định để báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TN&MT. Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Vì thế, trong quá trình tham gia liên thông, để cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thì Sở luôn kiểm tra thông tin này. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.
Thành phố cũng yêu cầu các sở ngành phải rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục; bãi bỏ, điều chỉnh các thủ tục, nội dung công việc và các loại giấy tờ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, kéo dài thời gian gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất để thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm chính xác, chất lượng, kịp thời; thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.