‘Ôm bệnh’ do thiếu vi chất dinh dưỡng

26-05-2015 09:55 | Đời sống
google news

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ. Tuy vậy, nó lại có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng các tế bào, mô, hệ thống miễn dịch của cơ thể…

Ngoài ra, vi chất dinh dưỡng còn có tác dụng duy trì sự cân bằng của hệ thống nội mô, giúp phục hồi các tế bào, các mô bị tổn thương và là thành phần chủ yếu để cơ thể sản xuất các enzyme, hormone và những chất cần thiết khác cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Giảm sự phát triển của trẻ

Tuy cơ thể chỉ cần với một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng nhưng khi thiếu những vi chất này sẽ gây rất nhiều hậu quả trầm trọng. Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là bệnh dịch âm thầm ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mọi giới, đồng thời là nguy cơ đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.

Vi chất dinh dưỡng có nhiều trong các loại trái cây, rau củ… Ảnh: TRẦN NGỌC

Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra một số bệnh đặc hiệu như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu iốt, bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn tuổi.

Thiếu vi chất dinh dưỡng còn là những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và bệnh mãn tính, tác động đáng kể đến tình hình bệnh tật, tử vong và chất lượng cuộc sống.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe cộng đồng và là vấn đề kinh tế xã hội quan trọng trên toàn thế giới. Chúng ảnh hưởng đến các nước có thu nhập thấp, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề sức khỏe ở các nước công nghiệp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới có hơn hai tỉ người bị thiếu máu, gần hai tỉ người thiếu iốt và 254 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A. Trong đó, 779 triệu người bị thiếu máu, 624 triệu người bị thiếu iốt và 127 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A ở các nước Đông Nam Á, có cả Việt Nam.

Hiện nay, kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, tình trạng dinh dưỡng người dân đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, sắt, và iốt cũng còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Theo kết quả tổng điều tra toàn quốc năm 2008, tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi toàn quốc là 12,3%, tỉ lệ thiếu máu là 29,4% và 31,4% phụ nữ mang thai bị thiếu máu. Tình trạng thiếu hụt iốt toàn quốc là 54,4%.

Lo ngại tình trạng thiếu iốt

Để hạn chế thực trạng trên, từ năm 1988 đến nay, Việt Nam đã triển khai trên các nhóm giải pháp can thiệp, góp phần hạn chế tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Nhóm giải pháp thứ nhất là bổ sung vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc. Theo nghiên cứu trên thế giới, bổ sung vitamin A làm giảm 23% nguy cơ tử vong ở trẻ sáu tháng tuổi đến năm tuổi.

Để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình, cần cung cấp đủ lượng iot cho cơ thể. Hình minh họa.

Từ năm 1988, Bộ Y tế đã triển khai chương trình phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt. Hoạt động chính là tổ chức chiến dịch uống vitamin A liều cao đại trà hai lần trong năm cho tất cả trẻ 6-36 tháng tuổi hoặc 6-59 tháng tuổi đối với các tỉnh khó khăn, vùng sâu vùng xa theo phác đồ của WHO.

Bên cạnh đó, chương trình còn bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ ngay sau sanh. Sau chiến dịch, tình trạng thiếu vitamin A đã cải thiện đáng kể. Tỉ lệ thiếu vitamin A các thể lâm sàng đã hạ thấp dưới ngưỡng qui định của WHO.

Tuy nhiên, thiếu vitamin A thể tiền lâm sàng vẫn còn phổ biến. Vì vậy, bổ sung vitamin A cho các đối tượng nguy cơ cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Bổ sung sắt bằng đường uống cho phụ nữ mang thai và phụ nữ tuổi sanh đẻ (15-49 tuổi) cũng đã được triển khai. Tỉ lệ thiếu máu trong cộng đồng có xu hướng giảm trong các năm qua nhưng vẫn có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở mức trung bình.

Nhóm giải pháp thứ hai là bổ sung vi chất vào thực phẩm. Từ năm 1994, thực hiện Quyết định số 481/TTg ngày 8-9-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và vận động toàn dân sử dụng muối iốt, sau 10 năm triển khai chương trình, đến năm 2005 tình trạng thiếu iốt trong cộng đồng đã giảm đáng kể. Tỉ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi từ 22,4% giảm còn 3,5%. Tỉ lệ sử dụng muối iốt đạt 92,3%.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu iốt đang có xu hướng quay trở lại. Tỉ lệ sử dụng muối iốt giảm đáng kể, nồng độ iốt niệu xuống thấp ở mức báo động. Ngoài ra, thói quen sử dụng gia vị mặn để chế biến thức ăn của người dân đã thay đổi. Họ thường xuyên dùng nước mắm, hạt nêm, bột canh trong chế biến thức ăn hàng ngày. Đây là một trong những nguyên nhân tác động đến mức iốt niệu thấp dưới mức phòng bệnh.

Để cải thiện tình trạng thiếu iốt trong cộng đồng, nghiên cứu công nghệ bổ sung iốt vào nước mắm, hạt nêm là nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện. Vì vậy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã nghiên cứu thành công công thức bổ sung iốt vào hạt nêm và đã được ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cho thị trường. Vitamin A cũng đã được nghiên cứu bổ sung vào trong đường, dầu ăn…

BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

TRẦN NGỌC (ghi)

 

 


Ý kiến của bạn