Sán chó, mèo là gì?
Sán chó, mèo có tên khoa học là Dipylidium Caninum, là một loại sán thường ký sinh ở chó và mèo. Loài sán này cũng có thể tìm thấy ở người, nhất là trẻ em. Một số báo cáo còn cho thấy bệnh sán chó lây trên mèo hoang dại, mèo sống trong rừng nhiệt đới, cầy hương, chồn hương, linh cẩu, chó rừng, chó sống hoang dại hay nửa thuần hóa và cáo.
Sán chó nằm ở đâu, bị sán chó có nguy hiểm?
Sán chó có nhiều đốt (có khoảng 175 đốt hình elip hoặc đốt). Các đốt sán già có chứa trứng của nó. Mỗi đốt sán già chứa cả cơ quan sinh dục đực và cái (lưỡng tính), nằm hai bên của đốt sán. Tinh hoàn của các đốt sán trưởng thành chứa từ 100-200 nang trứng, mỗi nang trứng có 8-15 trứng.
Sán chó, mèo thường ký sinh trong ruột non của chó, mèo nhiễm bệnh. Những đốt sán già chứa trứng đứt ra thành từng đốt hoặc từng đoạn ngắn rồi tự di chuyển ra môi trường bên ngoài theo đường hậu môn hoặc theo phân chó, mèo. Mỗi đốt sán sẽ phóng thích trứng ra môi trường, dính vào lông chó, mèo hay hậu môn.
Do đặc điểm của chó là có thói quen liếm khắp cơ thể, liếm vật dụng sinh hoạt hàng ngày và có thể liếm vào cơ thể con người nếu như chơi với chó cho nên trứng sán chó vô tình phát tán khắp nơi.
Sau khi vào cơ thể chó, mèo, người thì ấu trùng sán chó phát triển thành sán trưởng thành sau khoảng 1 tháng. Ở người, bệnh biểu hiện ở da như thường gây ra hiện tượng dị ứng da như mẩn ngứa, nổi mề đay,… Các triệu chứng dị ứng này thường dễ nhầm lẫn với dị ứng thực phẩm, hóa chất, lông chó, mèo. Vì vậy, bệnh sán chó rất khó nhận biết chắc chắn bằng các dấu hiệu lâm sàng, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm và cận lâm sàng.
Đặc biệt, sán chó có thể đi lên não gây tổn thương cho não. Tại đây, tùy vào vị trí tổn thương, số lượng sán chó và đáp ứng miễn dịch của cơ thể mà biểu hiện lâm sàng của nhiễm ấu trùng sán chó lên hệ thần kinh sẽ khác nhau. Khi sán chó tấn công lên não, người bệnh thường bị nhức đầu, chóng mặt, không tập trung trong công việc, thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, suy nhược và hay bị tiêu chảy, ngứa xung quanh hậu môn. Thậm chí, bệnh nhân có thể bị giảm sút trí nhớ đáng kể, động kinh, thậm chí bị liệt nửa người, hôn mê.
Nguyên nhân gây bệnh sán chó
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sán chó như hay chơi với chó, ôm ấp, vuốt ve chó mà con chó đó đã bị nhiễm sán chó, hoặc do ăn thực phẩm chứa ấu trùng hay trứng sán chó khi chưa nấu chín hoặc do tiếp xúc với nguồn đất mà chó nhiễm bệnh sán chó phóng uế,…
Về tốc độ lây lan và phát triển của bệnh sán chó phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt, tần suất ăn thực phẩm nhiễm sán chó chưa nấu chín, cũng như tần suất tiếp xúc với chó nhiễm sán chó và vùng đất nhiễm phân chó có sán chó. Đặc biệt, sán chó không lây từ người sang người do sán chó là nguyên nhân gây bệnh đặc trưng ở loài chó.
Chu trình phát triển của sán chó hình thành trong ruột chó, đi ra ngoài theo đường hậu môn, sau đó vô tình lây cho con người. Khi ký sinh trong cơ thể người, sán chó không tạo ra vòng đời mới. Đồng thời, sán chó không di chuyển qua đường máu và sữa mẹ nên không thể lây truyền từ mẹ sang con.
Một số đối tượng có nguy cơ bị nhiễm sán chó
Bệnh sán chó thường gặp nhiều nhất ở những trẻ từ 2 - 7 tuổi và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Trẻ em là đối tượng dễ mắc sán chó nhất bởi vì thường chơi ở đất, cát nơi chó từng phóng uế, đặc biệt trẻ em rất thích chơi với chó, ôm ấp chó, trong khi đó hậu môn của chó là nơi có rất nhiều trứng sán rất dễ lây sang cho trẻ khi chơi với chó.
Đặc biệt, bệnh sán chó không lây trực tiếp từ người sang người. Nhưng nếu người ăn phải các loại thực phẩm bẩn bị nhiễm trứng sán chó hay rau, củ, quả trồng ở vùng đất có phân chó nhưng không được rửa thật sạch hay không được nấu chín kỹ thì sẽ dễ bị bệnh sán chó. Đồng thời, những người thường ăn thịt chó, mèo chưa nấu thật chín hoặc ăn rau sống bị nhiễm sán chó cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh sán chó.
Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sán chó là tiếp xúc với phân của chó. Vì vậy, người chăn nuôi, buôn bán chó, mèo,… cũng có nguy cơ cao nhiễm sán chó.
Phương pháp chẩn đoán bệnh sán chó
Xét nghiệm sán chó chủ yếu là tìm dấu vết của sán chó trong mẫu máu của người bệnh nghi nhiễm sán chó nhằm xác định xem người đó có phải đang bị mắc bệnh sán chó hay không. Vì vậy, trước tiên cần tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra xem cơ thể người đó có đang bị ấu trùng sán chó xâm nhập hay không. Nếu có, xét nghiệm máu sẽ cho kết quả cơ thể đang nhiễm sán chó bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme-linked Immunosorbent assay).
Khi sán chó đã đi vào trong cơ thể người, chúng sẽ tạo nên các u nang trong gan và để phát hiện được hiện tượng này cần siêu âm và chụp CT (CT:Computerized Tomography), nếu có điều kiện chụp thêm công hưởng từ (MRI: Magnetic Resonance Imaging) sẽ giúp phát hiện sán chó bên trong các mô của cơ thể.
Nguyên tắc điều trị nhiễm sán chó
Điều trị bệnh nhiễm sán chó cần kết hợp nhiều phương pháp như thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thường ngày. Điều quan trọng là bệnh nhân phải thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị thật tốt. Nguyên tắc điều trị bệnh nhiễm bệnh sán chó, tùy thuộc vào mức độ nhiễm sán chó nặng hay nhẹ ở từng bệnh nhân và lứa tuổi mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định loại thuốc với liều lượng phù hợp.
Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân tuyệt đối không nên tự mua thuốc để điều trị hoặc dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuốc chưa được kiểm nghiệm của Bộ Y tế. Nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm, nguy hiểm thêm rất bất lợi cho người bệnh.
Nguyên tắc phòng nhiễm sán chó
Trước hết, nếu nuôi chó, nên tẩy sán, diệt bọ chét cho chó thường xuyên với các loại thuốc có bán ở các quầy thuốc thú y có hướng dẫn cụ thể.
Hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ thân thể chó, mèo và chuồng nuôi nhốt chó, mèo thường xuyên và đưa chúng đi khám bác sĩ thú y định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh nhiễm sán kịp thời, tránh ảnh hưởng đến vật nuôi và sức khỏe con người.
Bên cạnh vệ sinh cho chó mèo, thì cần xử lý phân chó, mèo đúng phương pháp (cho chó, mèo đi vệ sinh ở đúng nơi quy định dành cho chó, mèo.) nhằm giảm nguy cơ trứng sán chó lây lan. Tuyệt đối không được thả rông chó và không để chó phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm và lây lan trứng sán chó vào môi trường, không khí, nguồn nước…
Đối với các trang trại nuôi chó hoặc các lò mổ chó, mèo cần phải thực hiện tốt vệ sinh, xử lý rác thải, phân của chúng đúng phương pháp. Đồng thời, thịt chó, mèo phải được kiểm tra theo đúng quy trình, đảm bảo sạch sẽ, tránh cung cấp thực phẩm nhiễm bẩn cho người dân. Với người dân nên chọn thực phẩm sạch, trái cây, rau, củ, quả… rõ nguồn gốc xuất xứ và dùng thức ăn đã nấu chín kỹ để hạn chế nhiễm sán chó.
Với con người, sau khi chơi với chó, mèo cần phải tắm rửa sạch sẽ, nhất là trẻ em, tốt nhất là không chơi, không bồng bế chó mèo. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch không những phòng bệnh sán chó mà còn phòng được vô số bệnh khác.