Hà Nội

Olympic Tokyo khó có thể diễn ra nếu không tìm ra vắc xin

29-04-2020 10:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới đã khiến Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 bị lùi tổ chức lại một năm. Theo Chủ tịch Hiệp hội y khoa Nhật Bản, Thế vận hội chỉ có thể diễn ra nếu tìm ra vắc xin để kiểm soát được bệnh COVID-19.

Dự kiến, thời điểm mới được ấn định cho lễ khai mạc Olympic Tokyo là vào ngày 23/7/2021. Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020  Yoshiro Mori cho biết, sự kiện này có thể sẽ bị hủy nếu đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục kéo tới năm  2021.

Ông Mori nhấn mạnh, trong lịch sử, sự kiện Olympic đã từng bị hủy bỏ khi chiến tranh xảy ra và giờ đây thế giới đang trong cuộc chiến chống lại "kẻ thù vô hình" mang tên dịch bệnh COVID-19. Trước Olympic Tokyo, nhiều sự kiện thể thao lớn như Euro và Copa America đồng loạt lùi một năm.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020 nêu rõ: "Nếu virus được ngăn chặn thành công, chúng ta sẽ tổ chức Thế vận hội trong hòa bình vào mùa hè tới. Nhân loại đang đặt cược vào cuộc chiến này".

Ông Mori đồng thời cho rằng các nhà tổ chức nên xem xét việc tổ chức chung lễ khai mạc và bế mạc cho cả hai sự kiện Olympic và Paralympic (đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật) nhằm cắt giảm chi phí. Theo đề xuất này, Paralympic sẽ có chung lễ khai mạc cùng Olympic vào ngày 23/7/2021, và lễ bế mạc Olympic sẽ được tổ chức vào thời điểm kết thúc Paralympic trong tháng 9.

Nhiều hoạt động truyền thông về Olympic Tokyo đã diễn ra

Trong cuộc họp báo ngày 28/4, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản Yoshitake Yokokura cảnh báo sẽ "vô cùng khó khăn" để có thể tổ chức Olympic vào năm tới nếu thế giới không phát triển được loại vắc xin phòng chống căn bệnh này. Ông cho biết: "Tôi không nói rằng sự kiện này không nên diễn ra, nhưng việc tổ chức sẽ vô cùng khó khăn".

Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe - ông  Kentaro Iwata cho biết, ông rất bi quan về việc tổ chức Thế vận hội vào mùa hè tới trừ khi  Thế vận hội được tổ chức dưới một cách thức  hoàn toàn khác như không có khán giả hoặc khán giả tham gia rất hạn chế.

Giáo sư Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Edinburgh Devi Sridhar cũng cho biết, việc tổ chức Thế vận hội có thể phụ thuộc vào việc tìm kiếm vaccin. Điều này cũng có thể áp dụng cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Trung Quốc, nơi phát hiện người đầu tiên nhiễm bệnh và cũng là ổ dịch COVID-19  đầu tiên trên thế giới.

Trước đó, dưới sức ép của các vận động viên và hiệp hội thể thao, các nhà tổ chức Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hồi tháng 3 đã nhất trí về việc hoãn tổ chức Thế vận hội. Việc hoãn tổ chức sự kiện này cũng là một biện pháp nhằm chung tay cùng cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19. Mặc dù vậy, câu hỏi được đặt ra là liệu một năm trì hoãn liệu đã đủ hay chưa.

Nhật Bản đã chính thức chi tới 12,6 tỷ USD  để tổ chức Thế vận hội. Văn phòng kiểm toán quốc gia Nhật Bản cho biết con số thực sự cuối cùng có thể lớn gấp đôi. Theo ước tính của truyền thông tại Nhật Bản, chi phí cho sự chậm trễ tổ chức sự kiện này sẽ vào khoảng 2 tỷ đến 6 tỷ USD. Sự kiện Olympic Tokyo có sự tham dự của  11.000 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympic.


Hải Yến
Ý kiến của bạn