Theo thông tin từ BTC Olympic Tokyo cho biết, có khoảng 60 doanh nghiệp Nhật Bản đã trả 3 tỷ USD tiền tài trợ, một con số cao kỷ lục, cho Olympic Tokyo và thêm 200 triệu USD nữa để kéo dài hợp đồng khi sự kiện này bị hoãn. Con số này được cho là lớn chưa từng thấy trong lịch sử thể thao xứ sở hoa anh đào. Đó là chưa kể con số 3 tỷ euro này vẫn chưa bao gồm giá trị từ quan hệ đối tác toàn cầu giữa những công ty đa quốc gia và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Hiện tại, thủ đô Tokyo vẫn đang ở trong làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19, sự lo ngại của công chúng tăng lên khi hơn 11.000 vận động viên sẽ đến Làng vận động viên trong thời gian thi đấu. Chỉ tính từ ngày 2/7, BTC đã ghi nhận có 57 trường hợp mắc COVID-19 từ những VĐV, quan chức và phóng viên đến Tokyo tham dự sự kiện.
Tuy nhiên, Olympic Tokyo 2020 sẽ là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở một thành phố đặt trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ có các môn diễn ra ở Miyagi, Ibaraki (bóng đá), Fukushima (bóng chày) và Shizuoka (đua xe đạp) được phép tổ chức có khán giả nhưng không được quá 10.000 khán giả.
BTC của Olympic Tokyo 2020 cho biết họ sẽ mất ngay khoảng 90 tỷ yên (khoảng 820 triệu USD), ngay sau khi quyết định cấm khán giả được đưa ra. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khoản thâm hụt về tiền bán vé. Đất nước mặt trời mọc phải chịu tất cả chi phí tổ chức Thế vận hội, đặc biệt là việc hoãn lại đến 1 năm. Các nhà kinh tế học Nhật Bản tính toán, việc không có khán giả sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 22 tỷ USD (tương đương 500 nghìn tỷ đồng).
Thêm vào đó, lợi nhuận kinh tế từ các sự kiện thể thao và văn hóa quảng cáo sau Olympic Tokyo 2020 sẽ giảm còn một nửa, lúc này sự tổn thất lên tới 8,2 tỷ USD. Ngoài ra, ngành du lịch Nhật Bản đương nhiên cũng phải chịu một cú sốc lớn và bị triệt tiêu những cơ hội hiếm có khi Olympic Tokyo cấm du khách nước ngoài nhập cảnh vào Nhật trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Nhật Bản từng kỳ vọng sẽ đón 90 triệu lượt du khách trong mùa hè này nhờ hiệu ứng Olympic. Thực tế, không những không thể chào đón lượng khách du lịch khổng lồ này, xứ sở hoa anh đào còn chịu thiệt hại vì lượng khách du lịch giảm cực mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ thiệt hại thêm khoảng 2 tỷ euro vì hàng hóa không thể lưu thông. Đây chỉ là tính toán dựa trên những mặt hàng mà quốc gia này đã tạo ra phục vụ cho Olympic. Nếu tính việc các phòng khách sạn bị bỏ trống, vé vào cửa tham quan, các dịch vụ ăn theo du lịch bị bể show thì chắc chắn con số thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Sau khi quyết định Olympic tổ chức không khán giả được đưa ra, các đối tác tài trợ của Olympic Tokyo bắt đầu gỡ bỏ hoặc cắt giảm số lượng quầy quảng bá ở các địa điểm thi đấu, các doanh nghiệp nội địa Nhật Bản chỉ tài trợ kỳ Thế vận hội ở sân nhà. Họ phải chịu những tổn thất liên quan, sau khi ký hợp đồng dựa trên giả định rằng Olympic Tokyo 2020 có đông khán giả và khách du lịch đến theo dõi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.