Olympic London “thời thóc cao, gạo kém”

28-07-2012 1:27 PM | Quốc tế

Người dân London đã trực tiếp nếm trải cảnh đi lại khổ sở như thế nào khi đăng cai Olympic. Giao thông đi lại vẫn được coi là gót chân A-sin của thủ đô Anh quốc trong mùa Thế vận hội lần này.

(SKDS) - Người dân London đã trực tiếp nếm trải cảnh đi lại khổ sở như thế nào khi đăng cai Olympic. Giao thông đi lại vẫn được coi là gót chân A-sin của thủ đô Anh quốc trong mùa Thế vận hội lần này.

Thế vận hội mùa hè 2012 được Nữ hoàng Anh Elizabeth khai mạc vào ngày 27/7/2012 trong một buổi lễ tưng bừng và đầy ấn tượng. 6 môn thi đấu đã bắt đầu khai cuộc, các tuyến đường giao thông dành riêng phục vụ Thế vận hội cũng được đưa vào hoạt động, nhưng nhiều vấn đề liên quan đến đi lại của người dân thành phố đã nảy sinh. Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, các loại xe thông dụng bị cấm đi lại trên làn đường được phân dành riêng phục vụ việc di chuyển của vận động viên, quan chức thể thao, giới báo chí. Các tuyến như vậy có tổng chiều dài 48km, được đánh dấu bằng các vòng tròn Olympic trên mặt đường. Theo Cơ quan quản lý mạng lưới giao thông công cộng của thủ đô London, ngày đầu tiên đi vào sử dụng, các tuyến đường nối sân bay Heathrow với thủ đô đã bị ùn tắc 13km. Chính quyền cảnh báo trước là trong những ngày diễn ra Thế vận hội, giao thông trong London cũng như trên các tuyến nối với thủ đô sẽ bị rối loạn.

Dưới lòng đất, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Nhiều tuyến tàu điện ngầm đã gặp trục trặc vào giờ cao điểm buổi sáng. Tuyến đường Northern Line xuyên qua London từ phía Bắc xuống phía Nam đã bị ngưng nhiều giờ, trục trặc nguồn điện và báo động hỏa hoạn. Ba tuyến đường khác cũng bị sự cố chậm giờ, các chuyến tàu trên tuyến Central Line phục vụ làng Olympic đều quá tải.

 Giao thông là khâu yếu nhất của thành phố London trong kỳ Olympic 2012.

Giao thông đi lại là khâu yếu nhất của thành phố London 8 triệu dân trong kỳ Olympic 2012. Do vậy, chính quyền kêu gọi người dân London tránh dùng xe hơi, nên đi bộ hoặc xe đạp hơn là dùng tàu điện ngầm và họ còn được kêu gọi cố gắng làm việc ở nhà nếu có thể.

Ngoài chuyện giao thông, dư luận London nóng vì chuyện 6 căn cứ tên lửa được lắp đặt trên nóc các tòa nhà cao tầng ở phía Đông. Dân chúng từ một trong số các khu chung cư đó đâm đơn kiện lên tòa án tối cao. Việc trang bị tên lửa tác chiến ngay trên nóc nhà khiến một số cư dân bắt đầu hoang mang lo sợ.

Bộ Quốc phòng Anh cũng lắp đặt hệ thống tên lửa tốc độ cao ngay trên đầu những người dân sống ở đây khiến họ lo lắng đến nỗi phải kiện ra tòa. Vụ việc chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở Tòa án Tối cao Anh quốc vì nguyên đơn viện dẫn các điều luật của Công ước châu Âu về nhân quyền. Cách đây vài tháng, khi Chính phủ Anh công bố sẽ giao cho quân đội với lực lượng trên dưới 15.000 binh sĩ chỉ đạo an ninh cho Olympic 2012 thì dư luận có vẻ ủng hộ những hình thức trấn áp mà cuộc tập trận đã thể hiện, như đem tàu chiến có bãi đáp trực thăng vào giữa sông Thames rồi triển khai lực lượng phản ứng nhanh và bắn tỉa.

Thế nhưng, khi lộ ra kế hoạch trang bị tên lửa tác chiến ngay trên nóc nhà mình thì nhiều người bắt đầu hoang mang lo sợ vì không khí chiến tranh kéo đến ngay nơi mình đang sống hàng ngày và các địa điểm đó dễ trở thành mục tiêu cho khủng bố tấn công đầu tiên. Giờ đây, dư luận mới thực sự bắt đầu ý thức được rằng quân đội sẽ có cách nhìn và lối hành xử khác với cảnh sát, việc đặt bệ phóng tên lửa ngay giữa thủ đô trong tình trạng sẵn sàng tác chiến là vượt quá khả năng chịu đựng.

Chỉ riêng trên đường rước đuốc dọc nước Anh đã có những vụ việc nhỏ lẻ khiến người ta dè chừng với lực lượng an ninh bảo vệ Olympic 2012 khi thấy một người đi xe đạp bị quật ngã. Mới vài tuần trước thôi, chỉ vì một điếu thuốc lá giả có chức năng phun khói dành cho người cai thuốc lá làm xì khói từ một kiện hành lý trên xe buýt đường dài mà người ta đã sợ hãi đóng cửa toàn bộ trục đường cao tốc và hành khách trên chuyến xe đó bị chặn lại nhiều giờ đồng hồ.

Nước Anh không chỉ sợ khủng bố Al-Qaida từ Trung Đông mà vốn dĩ từ xưa đến nay vẫn sợ tàn quân chưa chịu khuất phục của lực lượng IRA từ ngay chính lãnh thổ của mình. Bên cạnh lực lượng quân đội hùng hậu còn có thêm chừng 15.000 cảnh sát và vệ sĩ tham gia chiến dịch an ninh mà nay tổng ngân sách đã được tăng gấp đôi, vượt quá 1 tỷ bảng Anh mà có thể sẽ lên đến khoảng 1 tỷ 7. Số tiền này chắc chắn sẽ đổ ngược vào đầu những người đi xem.

Chỉ riêng chuyện nước uống thôi họ đã không được phép đem vào bên trong khu vực mà giờ đây được kiểm tra chặt chẽ không khác gì bên trong sân bay với các cổng an ninh kiểm tra hành lý theo nguyên tắc giống hệt như vậy vì sợ bom chất lỏng. Bên trong thì có sẵn các quầy bán nước đã kiểm tra với giá cắt cổ. Một phần ăn gồm nước uống và vài thứ linh tinh giá trung bình khoảng 25 bảng, tức trên 30 euro hay 800.000 đồng tiền Việt, một cái giá phải nói là rất mắc ngay cả đối với người dân lao động ở Anh. Đó là chưa kể họ chỉ được phép thanh toán bằng thẻ tín dụng của hệ thống Visa mà thôi.

        Lê Sơn  (Theo CNN)


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH