Olympic Bắc Kinh 2008: Một thế vận hội đáng nhớ

16-01-2009 06:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ Thế vận hội 2008, Trung Quốc đã làm ngạc nhiên bất cứ ai chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất trong năm 2008.

Với sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ Thế vận hội 2008, Trung Quốc đã làm ngạc nhiên bất cứ ai chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất trong năm 2008. Không những Bắc Kinh 2008 đã để lại cho thế giới nhiều điều thán phục về một kỳ Olympic được đánh giá là hoành tráng, đậm tính dân tộc và hiện đại bậc nhất từ trước đến nay mà cả thế giới còn phải ngả mũ về thành tích của các VĐV chủ nhà Trung Quốc đạt được khi lần đầu tiên trong lịch sử giành ngôi nhất toàn đoàn.

 Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB trong TVH Bắc Kinh 2008.
2008 chiếc trống làm theo phiên bản của những chiếc trống cổ, 2008 nghệ sĩ, tượng trưng cho năm 2008 lịch sử của thể thao và con người Trung Quốc với chủ đề Bắc Kinh hạnh phúc được đón những người bạn phương xa, dựa trên một câu nói của Khổng Tử, người đã sáng lập ra Đạo Khổng cách nay 2.500 năm. Rồi 29 giây tiếp theo, cứ một giây lại có một chùm sáng pháo hoa "hình dấu chân lịch sử" đánh dấu lịch sử Olympic đã bước vào lần thứ 29 được tổ chức. 897 nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện trong suốt 10 tháng để tạo nên một bức tranh tương đối hoàn chỉnh. Có 2 công trình kỳ vĩ, cũng đi vào lịch sử nhân loại, dù nó không được liệt vào những khám phá vĩ đại: Vạn Lý Trường Thành và con đường tơ lụa được mô phỏng bởi những hàng người uốn lượn mềm mại khá sống động. Hình ảnh chiếc la bàn nói tới vai trò của "1 trong 4 phát minh vĩ đại" đã giúp người Trung Quốc thành công trong công cuộc rẽ sóng hướng ra thế giới.

Trung Quốc đã kết thúc hành trình đầy thành công suốt nửa tháng TVH diễn ra với 51 HCV. Đây là thành tích thuyết phục nhất kể từ sau khi Liên Xô giành 55 HCV tại Seoul 1988. Trung Quốc cũng là đoàn thể thao đầu tiên, không kể Đức ở Berlin 1936, phá vỡ được sự thống trị của Mỹ và Liên Xô/Nga ở các kỳ TVH. Người Mỹ chỉ có thể tự an ủi bản thân vì họ vẫn là đoàn giành nhiều huy chương nhất với tổng số lên đến 110. Thành tích này hơn Trung Quốc 10 huy chương, và hơn chính kỷ lục 108 huy chương mà họ lập được ở Barcelona 1992. Người Mỹ còn tự hào hơn vì họ sở hữu một huyền thoại trên đường đua xanh: Michael Phelps với 8 HCV và 7 KLTG ở kỳ TVH lần này.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, Jacques Rogge rằng "Olympic Bắc Kinh được xếp hạng ở vị trí rất cao và điều đó sẽ là một thách thức đối với London và các Thế vận hội tiếp theo". Có vẻ như Thế vận hội sẽ làm thay đổi Trung Quốc. Tuy nhiên, sức nặng ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế - thể hiện qua Olympic Bắc Kinh, đang làm thay đổi những khái niệm và cộng đồng quốc tế cần phải làm quen không chỉ với sự tăng trưởng kinh tế của người khổng lồ châu Á, mà cả với chế độ chính trị của họ. Thế vận hội không làm thay đổi Trung Quốc, mà Trung Quốc sẽ làm thay đổi thế giới bắt nguồn từ Olympic 2008 đã vô cùng thành công với họ.

Với Việt Nam ta tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn đem về tại Olympic Bắc Kinh là tấm HCB thứ 2 trong lịch sử Olympic sau HCB của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000. Ngày 10/8, TTVN đã có thêm một trang sử mới ở đấu trường Olympic.

Nếu 8 năm trước, tấm HCB của nữ võ sĩ Teakwondo Trần Hiếu Ngân đã xuất hiện một cách bất ngờ thì việc Hoàng Anh Tuấn giành ngôi á quân hạng cân 56 kg (cử tạ) không phải là thành tích từ trên trời rơi xuống. Tấm HCB của Anh Tuấn không đến một cách ngẫu nhiên mà đó là nỗ lực phấn đấu kiên trì của chàng trai quê Bắc Ninh này. Kể từ ngày bước ra làng cử tạ thế giới với bộ sưu tập huy chương khá dày ở các giải trẻ châu Á, thế giới, giải vô địch châu Á, Vô địch thế giới, rồi HCB Á vận hội (Asiad Qatar 2006), Anh Tuấn đã là gương mặt được các đối thủ quốc tế vị nể ở hạng cân 56kg. Anh làm nên khoảnh khắc kỳ diệu giúp lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được tung bay trên bục vinh quang ở Olympic Bắc Kinh 2008. Mong sao từ Anh Tuấn đến những gương mặt ấn tượng khác trong tương lai, sức mạnh của TTVN sẽ được nhân lên để đến một kỳ Olympic gần nhất, người ta sẽ vỡ òa với một tấm HCV tiếp bước "tấm huy chương bạc mà có ý nghĩa như vàng" của Anh Tuấn đã mang về cho Tổ quốc.

Trung Thành - Trần Văn Hưng


Ý kiến của bạn