Theo phóng viên TTXVN tại Paris, các vận động viên, nhà báo, khách du lịch, ước tính khoảng 15 triệu người từ khắp nơi trên thế giới, sẽ đến vùng thủ đô Ile-de-France nhân dịp sự kiện này, đặt ra nhu cầu chăm sóc y tế đặc biệt lớn đối với hệ thống y tế của Pháp.
Ông Louis Soulat, Phó Chủ tịch công đoàn cấp cứu-khẩn cấp (Samu-Urgences) của Pháp cho biết, Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 đã kêu gọi 3.000 chuyên gia y tế và hơn 8.000 tình nguyện viên trên toàn quốc để bố trí lực lượng thường trực tại tất cả các địa điểm thi đấu. Nhiệm vụ của các nhân viên này là duy trì vận hành các “phòng khám đa khoa” tại Làng Olympic. Ngoài ra, 16 tuyến đường xe cấp cứu (SMUR) từ các địa điểm thi đấu tới các bệnh viện gần nhất đã được thiết lập sẵn. Hai máy bay trực thăng y tế được triển khai sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ Frédéric Adnet thuộc lực lượng y tế cho Thế vận hội Paris 2024 giải thích, lượng du khách tới Paris có độ tuổi trung bình là 30, điều này sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn đối với việc chăm sóc y tế. Trong trường hợp Thế vận hội diễn ra thuận lợi, dự kiến có khoảng 150 trường hợp phải đến phòng cấp cứu mỗi ngày trên toàn bộ vùng thủ đô, tăng 5% so với các kỳ Thế vận hội.
Tuy nhiên, nước Pháp đang trong thời điểm có nhiều biến động về chính trị nên nhu cầu có thể cao hơn. Theo bác sĩ Frédéric Adnet, tất cả các kịch bản đều được xem xét: Tấn công khủng bố, đám đông biểu tình, khán đài sụp đổ, sốc nhiệt do thời tiết... Do đó, các đội cứu hộ và bác sĩ sẽ được bố trí sẵn xung quanh các địa điểm thi đấu và sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra thảm họa. Về phía bệnh viện, 800 giường bổ sung sẽ được mở ở Ile-de-France.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là việc các nhân viên y tế đình công. Bất chấp bài phát biểu trấn an từ chính quyền, một số chuyên gia y tế vẫn lo lắng về những tuần tới. Tại bệnh viện công Georges-Pompidou - cơ sở dự phòng cho Thế vận hội, các nhân viên cấp cứu đình công đã giương biểu ngữ xung quanh tòa nhà nhằm phản đối Ban tổ chức Thế vận hội.
Các đại biểu công đoàn (CGT), người tổ chức cuộc biểu tình cho biết, họ chỉ nhận được thông tin nhỏ giọt và “không có sự chuẩn bị gì cho kỳ Olympic này”. Tổng thư ký CGT Fatma Belarbi giải thích: “Thế vận hội chỉ chi trả cho một số dịch vụ nhất định, chẳng hạn như chăm sóc đặc biệt và chỉnh hình, trong khi những nhân viên cấp cứu luôn ở tuyến đầu lại không hề nhận được khoản hỗ trợ nào”.
Áp lực lên các bệnh viện cũng có thể gia tăng nếu các bác sĩ tư nhân rời thủ đô. Phó Tổng Thư ký của Liên minh các bác sĩ tự do Marc Rozenblat khẳng định rằng hầu hết các bác sĩ này “muốn đóng cửa phòng khám và nghỉ phép”. Ông lo ngại, nếu không có lực lượng y tế tư nhân, hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải khi một cuộc khủng hoảng y tế xảy ra.