Hà Nội

Olympic 2020 bị hoãn: Thể thao Việt Nam mừng lo lẫn lộn

02-04-2020 07:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Olympic Tokyo 2020 đã chính thức lùi lại sang năm 2021 vì dịch bệnh COVID-19, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình luyện tập và duy trì phong độ của các vận động viên nước ta khi đã chắc suất giành chiếc vé chính thức đến với Thế vận hội.

Và điều này đem đến cái khó cùng có cái may.

Thuận lợi

Mặc dù là điều không mong muốn, nhưng việc Olympic Tokyo 2020 được hoãn lại sang hè 2021 được hầu hết các quốc gia, vận động viên ủng hộ vì hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu Olympic Tokyo vẫn diễn ra theo lịch đã định (24/7 - 9/8), trong khi COVID-19 chưa thể “diệt gọn” thì sức khỏe cho vận động viên và khán giả sẽ không thể đảm bảo. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế dời Olympic sang năm 2021 được đánh giá là quyết định đúng đắn, dù điều này ảnh hưởng nhiều phía, đặc biệt đối với nước chủ nhà xứ hoa anh đào.

Lê Thanh Tùng đang tích cực tập luyện để giành thành tích tốt nhất có thể tại sân chơi Olympic.

Lê Thanh Tùng đang tích cực tập luyện để giành thành tích tốt nhất có thể tại sân chơi Olympic.

Đối với các vận động viên đã giành được tấm vé đến với Olympic Tokyo, thông tin Thế vận hội mùa hè hoãn lại cũng đem đến những điều kiện thuận lợi. Trước hết là các vận động viên có thêm thời gian để chuẩn bị, tập luyện và nâng cao thành tích. “Với tôi, việc hoãn Olympic Tokyo sang năm 2021 có thể coi là điều tốt, bởi sẽ có thêm nhiều thời gian chuẩn bị. Hiện tại, một số giải trong nước và quốc tế tôi dự kiến tham dự đều đã bị hoãn vì dịch COVID-19. Trước mắt, tôi vẫn duy trì tập luyện, sẵn sàng cho các giải đấu khi trở lại” - võ sĩ Nguyễn Văn Đương, người vừa giành tấm vé đến với Thế vận hội môn boxing chia sẻ.

Tương tự, kình ngư mới nổi Nguyễn Huy Hoàng cho biết, khi Olympic không diễn ra trong năm nay sẽ giúp anh có nhiều thời gian để chuẩn bị, chỉ thoáng buồn là tâm trạng háo hức vì lần đầu tiên được góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh không còn như trước. Để không đánh rơi phong độ và duy trì thể trạng tốt nhất, Nguyễn Huy Hoàng vẫn tập luyện hàng ngày theo giáo án của Ban huấn luyện vào buổi sáng (từ 6h đến 10h) và chiều (13h15 đến 16h) đều đặn. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng mong rằng, khi có quá trình chuẩn bị dài hơi nên kỳ vọng ở cự ly 800m mình tham dự, sẽ nỗ lực giành thành tích tốt nhất.

Huấn luyện viên Trương Minh Sang của bộ môn thể dục dụng cụ - nơi có vận động viên Lê Thanh Tùng giành vé dự Olympic cũng cho biết,  ông và cá nhân Lê Thanh Tùng không thấy quá ảnh hưởng. Vì dời Olympic sẽ đảm bảo sức khỏe “cả người lẫn ta” để ổn định và hoàn thiện thêm động tác cho các vận động viên. Theo ông Trương Minh Sang, các vận động viên khi biết hoãn thì bản thân cũng biết động tác cần hoàn thiện và nâng lên. Để thi đấu cũng cần phải hoàn thiện nhiều và điều đó là phải mất thời gian. Việc hoãn và không phải thi đấu vào tháng 7 này giúp vận động viên yên tâm hơn nhiều.

Khó khăn nhãn tiền

Mặc dù có những thuận lợi kể trên, tuy nhiên không thể phủ nhận việc dời Olympic sang 2021 cũng tạo ra nhiều khó khăn, áp lực đối với thể thao Việt Nam, đặc biệt là nhóm vận động viên đã giành được suất chính thức. Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, dời Olympic có cái lợi nhưng cũng có bất cập, đó là sẽ làm toàn bộ kế hoạch chuẩn bị từ trước thay đổi theo. Phong độ và tâm lý của các tuyển thủ là điều lo ngại hơn cả, bởi việc điều chỉnh điểm rơi chuyên môn sẽ thay đổi và chưa thể nói trước điều gì với các cuộc thi đấu sẽ diễn ra muộn hơn tới cả năm.

Nhiều ý kiến cũng nhận định, việc lùi thời gian thi đấu Olympic sang năm 2021 khiến kế hoạch tập luyện của các vận động viên bị đảo lộn, nhất là gần đây nhiều nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVD-19 làm các vận động viên không thể xuất ngoại tập luyện, nâng cao thành tích và chuyên môn. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trong nước cũng đang khá phức tạp, hình thức tập luyện của các vận động viên nước ta cũng bị ảnh hưởng, thay đổi theo thời gian nhằm duy trì phong độ của các vận động viên.

Trong nhóm có cơ hội giành vé dự Olympic nhưng chưa thi đấu do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng cảm thấy lo lắng. Theo đô cử Hoàng Thị Duyên, các giải bị hoãn, cả đội đang tập luyện duy trì thể lực và điều chỉnh kỹ thuật chỗ bản thân yếu kém. Năm ngoái cử tạ thi đấu căng quá, coi như năm nay cho bộ máy cơ thể được nghỉ dưỡng, dễ lên dây cót năm sau vậy để chuẩn bị cho 1 năm nhiều thách thức. Hay việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chưa đạt chuẩn thành tích Olympic, vừa tập huấn tại Hàn Quốc trở về, đã phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung nhận định, việc ở yên một chỗ không tập luyện gì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và phong độ của Hoàng Xuân Vinh nói riêng và đồng đội môn bắn súng nói chung. Nữ đô cử Vương Thị Huyền cũng bày tỏ lo lắng, việc hoãn thi đấu quá lâu thì chấn thương gối và lưng tái phát,  khó phục hồi, thậm chí nặng thêm. “Olympic là giấc mơ lớn của tôi. Tôi muốn mình, nếu có thể, tham dự ở trạng thái tốt nhất” - Vương Thị Huyền chia sẻ.

“Có thể tập luyện trong môi trường không thi đấu sẽ nảy sinh tâm lý khác nhau, nhưng phải đặt an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu nên giải pháp hiện nay là tập trung ở trung tâm, không di chuyển hoặc hạn chế tối đa di chuyển ra phía ngoài, tránh tiếp xúc với những người phía ngoài hoặc tham dự các hoạt động khác dễ bị lây nhiễm COVID-19” - ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ.


TRUNG KIÊN
Ý kiến của bạn