Ðội văn nghệ “Hát cho đồng đội nghe”

27-07-2013 07:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Dù cái thời “tiếng hát át tiếng bom” đã lùi vào dĩ vãng của gần 40 năm về trước nhưng vẫn có những con người giữ tinh thần của tiếng hát lạc quan hồi ấy cho đến tận hôm nay.

Dù cái thời “tiếng hát át tiếng bom” đã lùi vào dĩ vãng của gần 40 năm về trước nhưng vẫn có những con người giữ tinh thần của tiếng hát lạc quan hồi ấy cho đến tận hôm nay. Họ là các cựu chiến binh của Đội văn nghệ Câu lạc bộ văn hóa cựu chiến binh Hà Nội. Với vài cây đàn ghi ta, hai micro cùng trang phục là những bộ quần áo lính, những chiếc mũ tai bèo, họ đi khắp nơi hát cho đồng đội nghe, hát để động viên nhau, để cùng nhau quên đi những đớn đau, mất mát mà đạn bom kẻ thù còn để lại trên thể xác mỗi người…

Ðội văn nghệ “Hát cho đồng đội nghe” 1Đội văn nghệ biểu diễn đồng ca.

Nghĩa trang Trường Sơn một ngày nắng lửa. Lẫn trong làn khói hương nghi ngút, bài ca Đường Trường Sơn xe anh qua vang lên đầy hào hùng và xúc động qua giọng ca của những cựu chiến binh – thương binh đến từ Thủ đô. Trở lại thăm đồng đội, trở lại chiến trường ác liệt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, những người lính già may mắn còn được thấy ngày độc lập muốn mang lời ca tiếng hát của mình đến làm ấm lòng đồng đội - những người đã hi sinh, đang yên nghỉ tại đây. Đôi lúc, tiếng ca nhòe lệ nhưng không bớt đi âm hưởng hào hùng, đầy lạc quan yêu đời! Không khỏi bồi hồi, xúc động, người thương binh Tạ Bá Duyên, Chủ nhiệm CLB tâm sự: “Được cất lên tiếng hát giữa thời bình, với những cựu chiến binh như chúng tôi, đó là điều vô cùng hạnh phúc. Chưa từng có một đoàn văn nghệ nào lại tới nghĩa trang hát mà không cần khán giả. Nhưng với chúng tôi, hát là để cho chính những đồng đội đang yên nghỉ nơi đây nghe, cũng là để chúng tôi được sống lại thời kì kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc, để động viên nhau cùng phấn đấu sống tốt, sống có ích cho đời đúng theo lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.

Suốt hơn 8 năm qua, những thành viên của CLB văn hóa cựu chiến binh - thương binh trực thuộc Nhà văn hóa Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã gắn bó trên tinh thần lạc quan ấy. Ngay từ ngày đầu thành lập năm 2003, dù mới chỉ có 52 hội viên nhưng ai cũng tham gia đầy nhiệt huyết. Không ai bảo ai nhưng mỗi người, khi lại được sát cánh cùng nhau giữa đời thường đều luôn nêu cao tinh thần, ý chí của bộ đội cụ Hồ. Họ coi nhau như anh em trong một nhà, chia sẻ cùng nhau những buồn vui của cuộc sống, cả những vết thương vẫn đang từng ngày, từng giờ giày vò cơ thể… Đến nay, CLB đã có trên 200 hội viên. Hoạt động cũng mở rộng hơn với 4 đội, trong đó đội văn nghệ chủ chốt có 24 thành viên. 1/3 trong số ấy đều là những thương binh hạng nặng; số còn lại là thanh niên xung phong, thương binh, bộ đội giải ngũ… Hiện tại, đội văn nghệ tập luyện hàng tuần vào thứ 3 và thứ 6, chủ yếu tại trụ sở của Hội cựu chiến binh Hà Nội ở phố Hòe Nhai. Cũng có khi, đội lại di chuyển sang bên Long Biên, tập tại nhà của Chủ nhiệm. Dù điều kiện tập luyện không có nhiều, chỉ vài ba micro, loa đài cũng không sẵn nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt tình, đầy lạc quan. Chủ nhiệm Tạ Bá Duyên chia sẻ: “CLB chúng tôi hoạt động đều dựa vào nguồn vốn tự đóng góp của anh em. Điều ý nghĩa nhất với chúng tôi chính là mang tiếng hát làm đẹp cho đời, hát để thêm lạc quan, yêu cuộc sống, hát để đẩy lùi bệnh tật, chiến thắng những vết thương sau chiến tranh”.

Ðội văn nghệ “Hát cho đồng đội nghe” 2Đội văn nghệ CLB văn hóa cựu chiến binh - thương binh Hà Nội.   Ảnh: Ngọc Trinh

Những chương trình diễn của đội thường do NSƯT Hoàng Chè, Giám đốc Nhà văn hóa dàn dựng, đặc biệt được sự hướng dẫn của nghệ sĩ Hồng Liên - người nữ văn công năm xưa đã đem tiếng hát của mình đến từng tuyến đầu của bom đạn để động viên tinh thần chiến sĩ và cũng để xoa dịu nỗi đau, mất mát. Anh em thương binh trong CLB ai cũng bảo nhau lấy chính nghệ sĩ Hồng Liên làm tấm gương để học tập. Dù giọng ca không điêu luyện như những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, nhưng tiếng ca cất lên từ đáy lòng khiến bất cứ người nghe nào cũng không khỏi xúc động trào dâng nước mắt. Những chuyến đi biểu diễn tại thành cổ Quảng Trị, tại nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9 Nam Lào, hay lên Hà Giang, ra đảo Phú Quốc… của đội văn nghệ nghiệp dư này luôn nhận được những tràng pháo tay giòn giã của khán giả là chính anh em cựu chiến binh, thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng ở nhiều vùng khác nhau của đất nước…

Mỗi người cựu chiến binh, thương binh khi trở về với đời thường lại có hoàn cảnh khác nhau. Dù đời sống kinh tế thương trường có làm đảo lộn nhiều điều thì với anh em thương binh, họ vẫn là những người đồng chí, đồng đội, luôn hết lòng với nhau. Những lúc ốm đau, mệt mỏi, được đồng đội đến thăm, mang theo lời ca tiếng hát, người ốm như được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với những cơn đau. Những lúc ấy, ai cũng cảm nhận thật rõ tình cảm đồng đội, đồng chí thiêng liêng ngay giữa thời bình. Điều đáng quý, không chỉ mang tiếng hát xoa dịu nỗi đau cho những đồng đội, những cựu chiến binh, thương binh còn là chính những tấm gương cho đồng đội và nhiều người dân noi theo. Tham gia CLB, biết nhau, nhiều anh em thương binh đã tìm cách giúp đỡ nhau làm kinh tế, chăm lo cho con cháu của nhau. Những thành viên trong CLB đã quyên góp tiền để mở lớp đào tạo nghề sửa xe máy, nghề trang trí nội thất… hoàn toàn miễn phí cho con cháu thương binh, tạo cơ hội cho các cháu từng lầm đường làm lại cuộc đời.

Được may mắn thấy ngày độc lập nhưng những người lính chiến trường xưa vẫn không quên những đồng đội đã ngã xuống. Hàng năm, CLB đều tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, các đợt đi tìm hài cốt liệt sĩ - những đồng đội còn nằm lại nơi núi rừng. Đến nay, CLB đã đưa được hơn 50 hài cốt liệt sĩ về đoàn tụ cùng gia đình. Chủ nhiệm CLB Tạ Bá Duyên bảo, kỉ niệm Ngày thương binh liệt sĩ sắp tới, CLB sẽ lên kế hoạch trở lại chiến trường xưa để thăm đồng đội, sẽ lại cùng hát vang những khúc ca hào hùng cho đồng đội nghe. Niềm mong chờ một chuyến đi gặp lại đồng đội ấy cứ ánh lên trong mắt người thương binh già...!

Minh Anh


Ý kiến của bạn