Và với HLV Hữu Thắng, lúc này, đội tuyển U22 Việt Nam cần tập trung, dốc lực cho tấm huy chương vàng đầu tiên của SEA Games được diễn ra vào tháng 8 tới đây tại Malaysia.
Trước khi bước vào trận đấu cuối cùng gặp ĐT Hàn Quốc, ở bảng A, do Sri Lanka rút lui, để tạo tính công bằng cho giải đấu, Liên đoàn bóng đá châu Á đã điều chỉnh lại điều lệ giải đấu. Theo đó, kết quả đối đầu với các đội cuối bảng sẽ không được tính, đồng nghĩa với việc trận thắng đậm 8-1 của U22 Việt Nam trước Macau không còn ý nghĩa. Nhưng với hiệu số dương 4, cơ hội đi tiếp của U22 Việt Nam vẫn rất cao, khi thầy trò HLV Hữu Thắng chỉ cần hòa hoặc thua U22 Hàn Quốc với tỉ số tối thiểu. Dù để thua trận nhưng thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn giành quyền đi tiếp với thành tích là 1 trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Đây mới là lần thứ hai bóng đá Việt Nam dự U23 châu Á sau lần đầu vào năm 2016 dưới thời HLV Miura. Với hai lần liên tiếp giành vé dự sân chơi trẻ châu lục, có thể thấy, thấy bóng đá Việt Nam đang có sự tiến bộ rõ rệt cả về con người lẫn những kế hoạch đầu tư, chuẩn bị cho các lứa cầu thủ tham gia các giải đấu. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng cho tương lai bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên, U22 Việt Nam còn khá nhiều hạn chế khác như: nền tảng thể lực chưa ổn định, hệ thống vận hành chiến thuật cũng gặp một số vấn đề, tâm lý của các cầu thủ đôi khi có sự dao động… Để khắc phục những điểm yếu nói trên, cần rất nhiều yếu tố, trong đó có thời gian chứ không thể đốt cháy giai đoạn, hay như HLV Hữu Thắng nói, đó là câu chuyện của một nền bóng đá, các CLB chứ không thể nói chuyện ngày một, ngày hai. Lâu nay, thể lực luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các đội tuyển Việt Nam. Mỗi lần lên tập trung, điều HLV trưởng ở những đội tuyển quan tâm nhất chính là việc nâng cấp thể lực cho các tuyển thủ, U22 Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á và SEA Games 29, chuyên gia thể lực người Đức Martin Forkel tiếp tục đồng hành cùng thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhưng thực tế, điểm yếu thể lực của các tuyển thủ U22 Việt Nam vẫn bộc lộ rất rõ khi đối đầu với một đội bóng mạnh của châu lục như U22 Hàn Quốc. Từ đó, người ta không khỏi âu lo khi nghĩ đến hành trình SEA Games 29, khi thầy trò HLV Hữu Thắng rơi vào bảng B khá nặng và đá nhiều hơn đối thủ ở bảng A 1 trận.
HLV Hữu Thắng rất quyết tâm cùng U23 Việt Nam để có tấm HCV tại SEA Games 29.
Vòng loại U23 châu Á 2018 và SEA Games 29 là những mục tiêu lớn mà bóng đá Việt Nam hướng đến. HLV Hữu Thắng và các học trò đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên là kiếm một tấm vé đến Trung Quốc vào năm tới. Nhưng chiếc HCV môn bóng đá nam đại hội thể thao khu vực dường như đang được quan tâm hơn tất cả. Để biến những giấc mơ thành hiện thực, đã có những thay đổi trong việc tuyển chọn con người. Theo đó, ĐTQG đã được trẻ hóa với nòng cốt là những cầu thủ của U22 Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, HLV Hữu Thắng gọi tập trung rất nhiều cầu thủ thuộc biên chế của U20 Việt Nam tham dự U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Trẻ hóa hay đổi thay nhân sự không bao giờ là câu chuyện dễ dàng cho các nhà cầm quân. Trên con đường hình thành một khối rubic, HLV Hữu Thắng đã từng phải chơi trò lego, tức là tháo lắp những mảnh ghép để tìm ra một bộ khung có tính ổn định. Sau những sự thử nghiệm, tại vòng loại U23 châu Á 2018 vừa qua, ông Thắng đã tìm được những cầu thủ tốt nhất cũng như lối chơi được xem là phù hợp với thể trạng, trình độ kỹ thuật cầu thủ đang có. Xuyên suốt cả giải đấu, U22 Việt Nam vận hành sơ đồ chiến thuật 4-1-4-1 hoặc 4-2-3-1 và có rất nhiều điểm sáng đáng được ngợi khen. Ví dụ, dù phải đối đầu với một đối thủ lớn như U22 Hàn Quốc nhưng cách triển khai tấn công sẽ bắt đầu từ sân nhà, luân chuyển qua các tiền vệ tổ chức, thay vì thủ môn phất dài lên trên. Sự ăn ý và khả năng thông tin giữa các cầu thủ và các tuyến đã được cải thiện rất đáng kể qua những pha bật nhả, phối hợp tấn công. Giữa một tập thể gắn kết thì các cá nhân vẫn có “đất diễn” và tỏa sáng. Công Phượng chính là một điển hình khi anh được cởi trói áp lực và đặt niềm tin đúng chỗ.
Sau 3 trận đấu tại vòng loại U23 châu Á 2018, U22 Việt Nam đã có 13 bàn thắng và để thủng lưới 3 bàn. Thẳng thắn mà nói, HLV Hữu Thắng và các học trò chỉ có 2 đối thủ là Đông Timor và Hàn Quốc để lấy làm thước đo trình độ. Sự tiến bộ của Đông Timor, đặc biệt là nhìn từ trận hòa 0-0 với U22 Hàn Quốc cho chúng ta cái nhìn gần hơn về đối thủ đầu tiên ở SEA Games tới đây. Dĩ nhiên, U22 Hàn Quốc chính là liều thuốc thử nặng đô với U22 Việt Nam, bởi từ cuộc so giày cho các học trò của HLV Hữu Thắng biết họ là ai và đang đứng ở đâu. Những sai số trong khung gỗ và cả hàng phòng ngự ở cả 3 bàn thua của U22 Việt Nam đều có cùng một nguyên nhân - đó là thiếu kinh nghiệm và cách xử lý tình huống của các cá nhân. Như HLV Hữu Thắng đã nói, không thể đổ tội cho ai đó, vấn đề là sau mỗi cú vấp là anh ta có thấy, có cầu thị để sửa chữa hay không. Ở điểm này, có thể tin các cầu thủ của U22 Việt Nam luôn có thừa sự khát khao và sự cầu tiến vì bản thân họ hiểu rằng, sự có mặt ở U22 Việt Nam là đã có “nửa tấm vé” lên ĐTQG trong tương lai.
Đối với HLV Hữu Thắng, giai đoạn này phải dồn lực hướng đến SEA Game 29: “Chúng ta đã giành vé dự VCK U23 châu Á, vậy nên ngay lúc này, chúng tôi đã bắt đầu phải hướng tới SEA Games 29. Để nghĩ về một kết quả tốt tại SEA Game 29, thực sự chúng ta cần phải chỉnh sửa một số vấn đề và quan trọng là phải nỗ lực hơn nữa”. Nói về chỉ tiêu vô địch SEA Games, HLV Hữu Thắng cho rằng đó là ước muốn chính đáng của hàng triệu người Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể làm được điều này lại là cả một vấn đề không hề đơn giản. “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng cố gắng từng trận đấu một và chiến thắng từng trận thì sẽ vô địch, nhưng dù gì cũng còn thiên thời địa lợi nhân hòa, may mắn và đôi khi cả tâm linh nữa...”, HLV Hữu Thắng chia sẻ.