Ðôi tri kỷ trên hòn đảo giữa Thái Bình Dương

03-07-2011 15:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Kỳ Đồng (1875 - 1929), người Thái Bình, nổi tiếng là thần đồng nên được vua Tự Đức cấp tiền cho ăn học. Các nhà nho yêu nước tôn vinh ông để tập hợp quần chúng chống Pháp.

Kỳ Đồng (1875 - 1929), người Thái Bình, nổi tiếng là thần đồng nên được vua Tự Đức cấp tiền cho ăn học. Các nhà nho yêu nước tôn vinh ông để tập hợp quần chúng chống Pháp. Ông bị đày đi Angiêri, thường đến thăm vua Hàm Nghi cũng bị đày bên đó. Hết hạn đi đày, về nước, ông lại liên lạc với Đề Thám nên bị đày lần thứ hai sang đảo Tahiti. Ở đây, ông lại kết bạn với họa sĩ Pháp Gauguin.

P.Gauguin (1848 - 1903) là một danh họa được xếp cùng Cézanne và Van Gogh vào khuynh hướng hậu ấn tượng chủ nghĩa. Cũng như trường phái ấn tượng, ông sử dụng những màu thuần khiết không pha trộn, ông chủ tâm chọn những màu có sức biểu hiện mạnh để phủ lên những khoảng rộng, ông không tìm cách tạo những “ép-phê” thị giác như các họa sĩ ấn tượng khác. Ông đã vẽ những bức tranh đẹp nhất ở các đảo Thái Bình Dương. Ông đã gặp Kỳ Đồng ở quần đảo Marquises, nơi nhà yêu nước Việt Nam bị thực dân Pháp đày sang. Hai ông trở thành đôi bạn chí thân. Kỳ Đồng đã viết về Gauguin trong một vở kịch thơ bằng tiếng Pháp: Les amours d’un vieux peintre aux Iles Marquises (Những mối tình của một họa sĩ già ở quần đảo Marquises).

Nhà thơ Phan Khắc Khoan, người dịch kịch ấy sang thơ Việt, đã giới   thiệu vài nét về “duyên kỳ ngộ” Gauguin - Kỳ Đồng:

“… Cách đây gần trăm năm … Bước xuống tàu biển, xa rời Tổ quốc vĩnh viễn không bao giờ trở lại, chàng thanh niên Việt Nam mới hơn hai mươi tuổi đời đã đến một nơi xa lạ với án lưu đày biệt xứ chung thân, vì “tội” yêu nước thương nòi. Trước đó, chàng đã được du học ở Alger, tốt nghiệp cả tú tài toán và triết (tài liệu nước ngoài ghi là tú tài văn chương và khoa học). Về nước, chàng viết báo châm biếm, chống thực dân, bị coi là “phiến loạn”. Chàng bị bắt giam ở khám lớn Sài Gòn và bị đưa ra xử trước tòa án quân sự năm 1898. Nơi bị đày trước hết là xứ Guyane, thuộc địa Pháp ở Nam Mỹ, sau đó chuyển sang các đảo Tahiti và Marquises, thuộc địa Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Tại Marquises, ông lập gia đình với một thiếu nữ trên đảo, ba năm sau, sinh con đầu lòng. Tuy bị đày ra hải ngoại, ông vẫn nuôi tinh thần chống chủ nghĩa thực dân. Do đó, ông đã kết bạn với một  người khá kỳ dị. Đó là một người Pháp chân chính, tài năng lớn, danh tiếng, đã từng giàu có, hơn ông gần 30 tuổi.

Đôi bạn thân nhau đến mức thành tri kỷ. Người Pháp này là  đại danh họa Gauguin. Bút pháp và quan điểm hội họa của ông đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến một số danh họa lớn thế giới, trong đó có Picasso. Ông từng làm việc với danh họa Cézanne từ buổi đầu. Khi đã quá say mê nghệ thuật, ông bỏ cả vợ con để chuyên chú vào sự nghiệp. Rồi ông kết thân với Van Gogh, hai ông sống chung với nhau một thời gian. Sau thời kỳ này, ông bắt đầu khẳng định phong cách nghệ thuật của mình.

Quãng đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XIX, ông đến đảo Tahiti để thực hiện một số tác phẩm có sắc thái phương Đông. Trong dịp đến Tahiti lần hai, ông đã ở lâu hơn, tìm cách giải đáp cho mình về phận người, nhưng có lẽ chưa  thoả mãn nên ông day dứt đến độ đã có lúc có ý định quyên sinh…

Sau đó, ông lại quay sang châu Úc, đến quần đảo Marquises, định cư tại đó, vừa ẩn dật vừa tiếp tục phụng sự lý tưởng và tìm người mẫu mới.

Tâm trạng chán chường của ông xuất phát từ chế độ chính trị và những hủ tục của xã hội Pháp, mặc dầu cách mạng tư sản đã thành công hàng trăm năm cộng với chế độ thực dân Pháp đang “phồn vinh”, vừa chiếm được một loạt thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Ở Marquises, ông đã bênh vực dân bản xứ chống chế độ thực dân. Do đó, ông thông cảm với nhà ái quốc Việt Nam trong cảnh lưu đày bất công và  tủi nhục. Và hai người đã trở thành đôi bạn thân thiết với nhau.        

Ông còn công kích một số tổ chức của nhà thờ như tu viện mà ông coi là vi phạm tự do cá nhân. Hai người tâm đắc với nhau về  mặt này, họ trở thành những “ký giả trào phúng”, dùng châm biếm làm lợi khí đấu tranh. Kỳ Đồng đã cảm hứng về cuộc sống phóng khoáng của họa sĩ bằng một tác phẩm hài hước gần như cợt nhả, chứng tỏ tình thân, sự đồng điệu của hai người trong tình bạn vong niên. Cả hai đều bất đắc chí, chán ghét lề thói xã hội thuộc địa thời ấy, thành thử không chỉ nhà ái quốc Việt mất tự do mà cả họa sĩ cũng sống trong hoàn cảnh thiếu tự do như ở một nông trang lạc hậu, họ khuếch đại tệ nạn cuộc sống để hài hước, khuây khoả với nhau trong cảnh quạnh hiu hải đảo. Kỳ Đồng viết về Gauguin trong vở kịch  Những mối tình của một họa sĩ già ở quần đảo Marquises. Đây là vở kịch thơ của người Việt Nam đầu tiên viết bằng tiếng Pháp về tình yêu của một nghệ sĩ già với người mẫu trẻ mà giới hội họa phương Tây không coi là thiếu tư cách.

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn