Ðời sống khác lạ trong giai thoại về nhà văn Lê Lựu

31-08-2016 10:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong văn đàn Việt Nam, hiếm có nhà văn nào nhiều giai thoại như Lê Lựu. Người ta có thể kể hàng giờ, thậm chí nhiều giờ về đời sống “khác lạ” của anh với rất nhiều mục đích khác nhau.

Trong văn đàn Việt Nam, hiếm có nhà văn nào nhiều giai thoại như Lê Lựu. Người ta có thể kể hàng giờ, thậm chí nhiều giờ về đời sống “khác lạ” của anh với rất nhiều mục đích khác nhau. Có thể để từ đó hiểu thêm về thế giới tâm hồn của một thế hệ tác giả văn chương, có thể để rút ra những bài học về đối nhân xử thế, về thế thái nhân tình nhưng cũng nhiều khi chỉ là để giải trí lúc trà dư, tửu hậu...

Một mảnh đời vinh quang và khuất lấp

Từ cuối năm 1997, tôi lên Hà Nội với quyết tâm nhảy vào con đường văn chương, báo chí. Đó là những năm tháng rất gian nan đối với tôi. Nghề nghiệp không có. Tiền bạc không. Nhà ở cũng không... Chính vì những cái “không” đó mà tôi có dịp gần gũi, gắn bó với Lê Lựu. Và anh nhiều khi cũng là chỗ dựa tinh thần cho tôi những tháng ngày gian khó ấy.

Những câu chuyện về Lê Lựu, tôi vừa được nghe từ các bạn bè, đồng nghiệp của anh, vừa sưu tầm qua sách báo và từ chính những câu chuyện anh kể hoặc trực tiếp chứng kiến những việc anh làm. Vậy những điều nghe được đâu là sự thật và đâu chỉ là giai thoại? Nếu có, nó có độ chính xác đến bao nhiêu phần trăm? Xin được giới thiệu với bạn đọc một phần của mảnh đời gian truân, nhiều khuất lấp, nhiều vinh quang nhưng cũng không ít những giọt nước mắt xung quanh số phận khác lạ của nhà văn Lê Lựu - anh cu Sài của phủ Khoái.

Vị đại tá mê môn... tá lả

Với gần 40 năm cầm bút, hàng chục đầu sách và hàng trăm bài báo, cứ ngỡ với vị đại tá ăn lương tướng này, niềm say mê vô tận phải là ngồi bên những giá sách khổng lồ, đàm luận chuyện cao siêu hay dự các cuộc hội thảo đao to búa lớn. Thế nhưng có lẽ ít ai biết, điều say mê lớn nhất của Lê Lựu lại là... đánh tá lả (một kiểu chơi bài tú lơ khơ). Lê Lựu sẵn sàng từ chối một buổi tọa đàm, một cuộc giao lưu, thậm chí bỏ cả một cuộc họp nếu anh cảm thấy nhạt nhẽo để đi đánh tá lả.

Nhà văn Lê Lựu.

Tuy nhiên, bi kịch là ở chỗ Lê Lựu đánh rất thấp và thua là... chủ yếu. Tất nhiên, thua được ở đây cũng rất khiêm tốn. Người thắng cuộc cả một ngày chủ nhật không đủ chiêu đãi một bữa bia hơi hay một chầu tiết canh lòng lợn. Thậm chí, chỉ là bữa bún đậu phụ, mắm tôm. Bất cứ một gã khờ nào cũng có thể đánh thắng Lê Lựu vì anh có bộ mặt như cái khay hàng xén, bày ra hết những gì mình có nên rất dễ đọc “vị” bài anh.

Mỗi khi chia bài xong, Lê Lựu thường cẩn thận xếp thật gọn gẽ, bàn tay khum khum che lưng quân bài, đưa sát bộ bài lên mặt và hồi hộp hé ra từng phần lá bài. Khi quan sát “tổng thể” xong, Lê Lựu vội gập bài lại và lần này thì tỉ mẩn xếp các “cạ” vào nhau với một động tác vừa mơ hồ vừa bí ẩn. Thế nhưng cứ nhìn vào mặt Lê Lựu là có thể đọc vanh vách bài anh.

Nếu bài có một “phỏm”, mặt Lê Lựu tươi roi rói, đôi mắt hấp ha hấp háy và đương nhiên “phỏm” bao giờ cũng được gấp gọn ghẽ ở góc bên trái. Nếu bài hai “phỏm”, mặt Lê Lựu hớn hở, hai bên mép giần giật và ẩn chứa một niềm hy vọng không thể che giấu. Còn nếu bài chưa có “phỏm”, mặt Lê Lựu dài thượt ra một cách thảm hại. Anh hết xòe bài ra lại gập bài vào.

Mỗi lần chờ “ù”, cái chân phải của Lê Lựu thường giật giật, đầu ngón chân cái ngọ nguậy như một con ruồi. Khi đó, Lê Lựu thường có bộ mặt rất “kịch” và thỉnh thoảng lại lấy tay huých huých vào người ngồi trên cánh: “Đánh cho tao ăn quân đi mày. Đánh cho tao ăn quân đi mày”.

Khi “ù”, mặt Lê Lựu nở như ngô rang bằng... nồi áp suất. Từ mắt, môi cho đến những sợi tóc lưa thưa trên cái đầu hói cũng rung lên. “Ù dồi đây này, ù dồi đây này. Tôi ù dồi nhé...”. Quả thật mỗi lần nhớ về khuôn mặt anh lúc ấy, tôi thường nghĩ đến vẻ rạng ngời của Tổng thống Mỹ ngày trúng cử. Và tôi cứ đồ rằng nếu lần này trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ, khuôn mặt xinh đẹp của bà Clinton cũng khó có thể tưng bừng hơn.

Ông Ðại tá luôn phải nhường ông Thiếu tướng

Trước đây, Lê Lựu rất mê cờ tướng. Tôi đã chơi với anh vài ván và anh thuộc hàng kha khá. Hồi mới đến Văn nghệ Quân đội, tôi thường thấy anh chơi cờ với một ông già người đầm đậm. Hai người cứ ngồi vào bàn là ỏm tỏi. Ông già đánh cờ với anh thật là một người kỳ quái vì bệnh... hoãn.

Có lần tôi thấy ông nhỏm cả người dậy, hai tay đè chặt quân cờ đòi đi lại. Rồi họ cãi nhau như hai cậu bé chơi bi. Và phần thắng bao giờ cũng thuộc về ông già kia bởi cuối cùng, Lê Lựu đành rút lui bằng câu rất gượng: “Em xin nhường thủ trưởng!”.

Nhìn họ chơi cờ, khó ai có thể tưởng tượng đó là một ông Đại tá và một ông Thiếu tướng đã từng lăn lộn khắp các chiến trường chống Mỹ. Mãi lâu sau, tôi mới biết ông già chính là Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, tác giả của tác phẩm nổi tiếng Chuyện làng Mực, từng có nhiều năm làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trở lại với chuyện “cờ bạc” của nhà văn Lê Lựu, một điều tôi có thể dễ nhận thấy là nếu có một lần hầu bài Lê Lựu, bạn sẽ đọc được hết ở anh những góc độ biểu cảm tâm trạng buồn vui, mất mát, được thua, những hy vọng và thất vọng của cuộc đời. Đánh bài với Lê Lựu là một niềm vui và xem anh đánh bài lại là sự khám phá. Cái gan ruột nhà văn chả bao giờ che giấu được.

Người “ăn tất cả những vật có chân chỉ trừ... bàn ghế”

Trong cuốn Chân dung và Đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn tả về thói quen ăn đêm của Lê Lựu rằng trước khi viết, Lê Lựu thường tạt qua một hẻm phố nào đấy để “nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành”.

Và trong các món ăn đêm ấy, Lê Lựu đặc biệt mê cái món phở “bốc mả”. Đó là những bát phở cuối cùng trong ngày, nước phở đậm, đặc ngầu những... cấn nồi. Bà chủ quán xem ra đã quá quen với khẩu vị của Lê Lựu, có lẽ nghĩ anh là ông xế lô sau một ngày chở khách mệt nhọc bèn bốc cho anh một đống xương xẩu, cổ cánh đã hầm kỹ không tính tiền rồi đổ ào thùng nước rửa bát ra mặt đường.

Lê Lựu tỏ ra rất khoan khoái, gương mặt nhôm nhoam những râu ria bừng bừng sung mãn như người trúng xổ số.

Nhiều ngày sống với Lê Lựu, tôi thấy những chi tiết này hoàn toàn có thật. Nhiều lần đi ăn ở quán cùng anh, tôi đã chứng kiến cảnh như vậy hoặc tương tự như vậy. Chỉ có điều, qua ngòi bút duyên dáng của Trần Đăng Khoa, sự việc sống động hơn, “thật” hơn.

Lê Lựu là người “ăn được tất cả các vật có cánh chỉ trừ... máy bay và ăn tất cả các vật có chân, chỉ trừ... bàn ghế”. Nói thế có phần hơi quá nhưng quả thật, Lê Lựu là người rất xuề xòa trong ăn uống. Anh xơi được mọi thứ, bất kể đó là món gì, nếu có người ăn được là anh ăn được tuốt. Có lẽ có một thứ mà anh chưa và chắc chắn không được ăn, đó là ăn... hối lộ! Lý do là bởi về quân hàm, anh là Đại tá nhưng về chức vụ, anh chỉ là phóng viên quèn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với lại, có ai đi hối lộ nhà văn bao giờ?!

Có lần đến thăm một doanh nghiệp, vị giám đốc mời Lê Lựu đi ăn. Trước khi đi, với bản tính chu đáo và cũng bởi lòng kính trọng một văn hào, vị giám đốc hỏi Lê Lựu có ăn được thịt rắn không? Lê lựu bảo: “Có chứ! Món ấy rất ngon và bổ đấy”.

Té ra Lê Lựu không chỉ ăn được “tất cả các con vật có chân, chỉ trừ bàn ghế” mà bác còn xơi được cả những con vật... chả có cái chân nào.

Cuộc tiếp khách ngoạn mục

Tôi đọc ở đâu đó một câu chuyện về vợ một nhà văn nổi tiếng muốn khoe với người yêu cũ về đức lang quân của mình. Trong đó, ẩn chứa một thông điệp: “Anh thấy chưa, không lấy anh, tôi không những không ế chồng mà còn lấy người nổi tiếng bằng mười anh ấy chứ”.

Ngày gặp mặt, từ sáng sớm, chị vợ đã dậy lau chùi nhà cửa, là quần áo, đánh xi giày cho chồng. Cái căn nhà mọi khi xin xỉn giờ bóng nhẫy cả lên. Nhất là ông chồng, mọi ngày hôi rình nay bóng loáng và thơm phưng phức.

Rồi vị khách xuất hiện. Đức ông chồng bắt tay, chào đón niềm nở và lịch thiệp. Rồi ba cốc nước được bê ra, trong đó hai cốc là nước chanh thơm nức nở, dành cho khách và bà chủ. Cốc nước còn lại là nước ngô, phần của ông chủ...

Mời, mời, mời... Cười và nhiều, rất nhiều nụ cười. Uống đi chứ. Uống đi. Uống cho mát. Rồi, như có vẻ ái ngại vì cốc nước của khách đã tan hết đá (ngày ấy, nước đá là của hiếm), đức lang quân bèn... thò hai ngón tay mập mạp, đen đúa vào cốc nước ngô của mình nhón ra hai viên đá, bỏ vào... cốc của khách. Bà vợ tái mặt. Ông khách gượng cười. Và câu chuyện trở nên gượng gạo.

Có người nói chuyện này có nguyên mẫu là nhà văn Lê Lựu. Tôi không tin điều đó. Lê Lựu có thể vô tư dùng đũa của mình gắp thức ăn cho ai đó, vô tư đổ bia từ cốc của mình sang cốc của bạn, vô tư sẻ bát cơm ai đó xới cho mình quá nhiều vào lại nồi, chứ câu chuyện trên thì không thể có.

Tôi tin là thế.

Mấy năm gần đây, Lê Lựu không được khỏe. Cách đây mấy tháng, anh gửi cho tôi giấy mời dự Lễ trao Giải thưởng văn chương mang tên Lê Lựu. Cho người cầm giấy đến tận nơi, còn cẩn thận điện cho em: “Chú nhớ đến với anh nhé”. Tôi nhận lời và tự nhủ, chắc chắn sẽ đến với anh. Thế rồi công việc bận mải, quên biến đi mất. Thôi thì đành phải hẹn với mình lần sau vậy...


Bùi Hoàng Tám
Ý kiến của bạn