Hà Nội

Ðối phó với chứng đau tai khi đi máy bay

09-08-2012 10:24 | Phòng mạch online
google news

Mùa hè chúng ta thường tổ chức đi du lịch nghỉ mát, và trong các phương tiện vận chuyển, có thể bạn sẽ đi bằng máy bay.

(SKDS) - Mùa hè chúng ta thường tổ chức đi du lịch nghỉ mát, và trong các phương tiện vận chuyển, có thể bạn sẽ đi bằng máy bay. Nhưng dù bạn đã bay nhiều lần hoặc mới bay lần đầu thì bạn vẫn gặp hiện tượng bị đau tai khi mới bắt đầu bay. Vì sao vậy? Đối phó với tình trạng này thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi đó.

Bệnh tai khi đi máy bay

Máy bay chỉ mới bắt đầu bay được ít phút để lên độ cao ổn định trên 10km, bạn mới ổn định chỗ ngồi, tự nhiên bạn bắt đầu cảm thấy sức ép và khó chịu trong tai, hơi đau, tiếng động như bị bịt lại, như thế là bạn đang bị một tình trạng gọi là bệnh tai khi đi máy bay. Đây là một chấn thương tai giữa do khí áp hay viêm tai giữa do khí áp, do sự thay đổi độ cao và áp suất đột ngột.
 
Nếu bạn đang bị cảm lạnh, ngạt mũi, viêm mũi dị ứng hoặc viêm họng, viêm xoang thì triệu chứng đau tai càng nặng hơn. Đau tai khi đi máy bay là do mất cân bằng áp suất của tai giữa và khoang máy bay. Bình thường vòi nhĩ nối tai giữa với phía sau mũi và họng, cân bằng áp suất. Nhưng nếu ống này bị tắc do sung huyết hoặc viêm nhiễm gây mất cân bằng áp suất lên màng nhĩ có thể làm ảnh hưởng tới thính lực và gây ù tai, chóng mặt, đau tai.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Dấu hiệu bất thường ở tai

Bệnh tai khi đi máy bay có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai, với các triệu chứng sau: bạn cảm thấy khó chịu hoặc đau trong tai; thấy ù hoặc tắc trong tai; mất nghe nhẹ; chóng mặt; chảy máu tai. Nếu chứng đau tai nặng hay kéo dài, bạn có thể bị các biến chứng đau tai giữa; cảm thấy có sức ép trong tai, như ở dưới nước; mất nghe vừa hoặc nặng. Trường hợp vòi nhĩ bị tắc hoàn toàn, sự thay đổi áp suất có thể gây tích dịch hoặc chảy máu ở tai giữa. Nếu khi đi máy bay bị đau tai nặng, kéo dài có thể gây ra các biến chứng: rách hoặc thủng màng nhĩ; viêm tai; mất nghe. Khi đã xuống sân bay, nếu bạn có thêm các triệu chứng như sốt, đau tai nhiều hoặc chảy nước tai thì cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị ngay.

Sở dĩ bạn đau tai là do màng nhĩ phồng lên hoặc lõm xuống do thay đổi áp suất không khí. Không khí ở tai giữa bị hút liên tục và được bù lại qua vòi nhĩ, khi đó áp lực không khí ở cả hai phía của màng nhĩ ở trạng thái cân bằng. Nhưng khi vòi nhĩ bị tắc, áp lực không khí ở mỗi phía khác nhau. Áp lực trong tai giữa không cân bằng và bạn cảm thấy ù tai. Khi đó màng nhĩ không thể rung bình thường, vì thế âm thanh bị bóp nghẹt hoặc bị tắc nghẽn. Tai đau là do màng nhĩ bị kéo căng ra.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau tai khi đi máy bay là: cảm lạnh gây tắc vòi nhĩ và đau tai; viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng; ngạt mũi thường liên quan tới tắc tai do màng nhĩ bị phồng lên chặn việc mở vòi nhĩ; trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương do vòi nhĩ ở tai trẻ hẹp hơn người lớn, nên dễ tắc hơn; bị đập hoặc tát vào tai cũng gây sự thay đổi nhanh áp lực trong tai.

Cách ngừa chứng đau tai khi đi máy bay 

Về biện pháp phòng ngừa, bạn nên theo lời khuyên sau đây để tránh đau tai khi đi máy bay: không đi máy bay khi bị cảm lạnh, sung huyết hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Dùng thuốc chống sung huyết, có thể giúp ngăn tắc vòi nhĩ như thuốc xịt mũi oxymetazolin, actifed, sudafed... một giờ trước khi máy bay cất cánh và một giờ trước khi hạ cánh. Mút kẹo hoặc nhai kẹo cao su trong khi bay để kích thích nuốt và kích thích cơ mở vòi nhĩ.
 
Làm thông tai lúc cất cánh và hạ cánh bằng cách nuốt hơi nhẹ nhàng trong khi bịt chặt mũi và ngậm miệng, làm vài lần trong khi hạ cánh để cân bằng áp lực giữa tai và môi trường. Tránh ngủ khi máy bay sắp hạ cánh để đảm bảo hoạt động nuốt của bạn để giữ cho tai được thông. Đối với trẻ em: cho trẻ uống nước khi lên cao và khi hạ cánh để trẻ nuốt giúp cân bằng áp suấta. Cho trẻ uống thuốc giảm đau acetaminophen trước khi cất cánh 30 phút để giảm khó chịu, nhưng không nên dùng thuốc giảm sung huyết cho trẻ nhỏ.
 
 Vị trí tai giữa và màng nhĩ.
Dùng nút lỗ tai có đầu lọc (có thể mua ở hiệu thuốc, cửa hàng tại sân bay hoặc phòng khám tai) để làm cân bằng từ từ áp lực lên màng nhĩ khi cất cánh và hạ cánh. Thường xuyên uống nước để tránh thiếu nước. Tránh dùng rượu và cà phê bởi chúng làm chứng đau tai nặng lên. Nếu bạn vừa phẫu thuật tai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi máy bay.

Nếu tai bạn bị tắc trong khi đi máy bay, bạn hãy cố gắng làm thông để cân bằng áp suất bằng thủ thuật Valsalva như sau: bịt chặt mũi, ngậm đầy không khí vào miệng, dùng cơ má và họng nhẹ nhàng đẩy không khí vào sau mũi như thể bạn cố đẩy ngón cái và các ngón tay sẽ bật khỏi mũi. Khi nghe thấy tiếng “pốp” to trong tai là thành công.

Nếu tai vẫn tắc sau khi đã hạ cánh một vài giờ, hoặc nỗ lực tự chăm sóc không giảm khó chịu trong một vài giờ bạn cần đến khám và điều trị ở chuyên khoa tai mũi họng. Điều trị đau tai khi đi máy bay chủ yếu làm nhẹ triệu chứng. Thuốc có thể dùng là thuốc xịt làm giảm sung huyết mũi, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau, kháng sinh có thể phòng viêm tai nếu chấn thương khí áp nặng. 

ThS. Bùi Thị Vân


Ý kiến của bạn