Nguy cơ mắc lao ở người nhiễm HIV
Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS bị suy giảm hệ thống miễn dịch cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào dẫn tới nguy cơ bị mắc nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác nhau, trong đó đồng nhiễm lao/HIV là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân cũng như gây không ít khó khăn trong hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV thay đổi khác nhau tùy địa phương, điều kiện vệ sinh môi trường, tình hình phát triển kinh tế xã hội và hoạt động phòng, chống lao/HIV được triển khai, tỷ lệ này thay đổi từ 10% - 40%.
HIV làm suy giảm miễn dịch, làm cho người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao, gia tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao và ngược lại khi mắc bệnh lao thì làm tăng tiến triển của nhiễm HIV, làm cho suy giảm miễn dịch càng nặng hơn.
Việc chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV thường khó khăn hơn ở người không nhiễm, do triệu chứng không điển hình và có thể bị lẫn lộn với triệu chứng của nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác xảy ra đồng thời với lao. Ở người nhiễm HIV thì ngoài lao phổi còn gặp nhiều thể bệnh lao ngoài phổi khác như: lao não, lao màng não, lao hạch, lao da, lao xương, lao màng tim-màng phổi-màng bụng, lao gan, lao lách, lao thận, lao tinh hoàn, lao buồng trứng, vòi trứng… mà những thể lao này cũng gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là ở những cơ sở còn thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị để xác định căn nguyên vi sinh gây nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân lao phổi/HIV có suy giảm miễn dịch nặng thì có tỷ lệ cao AFB(-) trong đờm.
HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch khiến người nhiễm HIV dễ mắc lao. |
Những yếu tố quyết định trong điều trị bệnh
Riêng về điều trị bệnh lao, đã phải sử dụng đều đặn nhiều loại thuốc hàng ngày và dùng trong nhiều tháng liên tục. Tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định đảm bảo thành công của điều trị, tránh thất bại điều trị, tái phát và xuất hiện các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Các thuốc điều trị kháng lao cũng có những tác dụng phụ như: dị ứng (sốt, phát ban, sẩn ngứa), viêm thần kinh ngoại biên (đau, tê bì, có thể giảm vận động), viêm thần kinh thính giác (giảm thính lực, điếc), và nhất là tổn thương gan (vàng da, vàng mắt, tăng men gan). Những biểu hiện tác dụng phụ này ảnh hưởng không nhỏ tới tuân thủ điều trị thuốc kháng lao cũng như việc thay đổi để có một phác đồ điều trị kháng lao an toàn và vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
Thực hiện việc phối hợp giữa Chương trình phòng chống lao và Chương trình phòng chống HIV/AIDS, nhất là điều trị phối hợp thuốc kháng lao và thuốc kháng vi rút ARV làm tăng số lượng thuốc phải sử dụng một ngày (gánh thuốc) ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng tuân thủ của người bệnh. Sự tương tác của thuốc kháng lao và thuốc kháng vi rút ARV ảnh hưởng nhiều đến nồng độ của các thuốc ARV. Khi sử dụng đồng thời với rifampicin làm cho nồng độ EFV bị giảm 25%, NVP bị giảm 37% và đặc biệt các thuốc ức chế men protease (PIs như: LVP và IDV) có thể bị giảm tới 80 – 90%. Bên cạnh đó, sử dụng đồng thời hai phác đồ thuốc này sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm độc gan do thuốc, đặc biệt là ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan B và viêm gan C.
Người nhiễm HIV có đồng nhiễm với viêm gan B và viêm gan C đã dễ có nguy cơ bị các đợt viêm gan cấp và sự tác động giữa 3 loại virút này đã làm cho bệnh tiến triển nặng nề và phức tạp hơn. Nếu trên những người bệnh này, khi bị mắc lao thì việc điều trị sẽ hết sức khó khăn do nguy cơ gây tổn thương gan vì tác động đồng thời của tất cả các yếu tố trên.
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy:
- Đồng nhiễm lao/HIV phổ biến: HIV làm gia tăng nguy cơ mắc lao lên tới 100 lần.
- Gia tăng tỷ lệ lao ngoài phổi, làm kéo dài thời gian điều trị thuốc kháng lao: lao màng não, lao màng tim, lao cột sống có thể phải điều trị kéo dài tới 18 tháng.
- Nhiễm lao làm tăng tiến triển của HIV và HIV làm tăng tỷ lệ tử vong do lao.
- Điều trị đồng thời cả thuốc kháng lao và thuốc kháng virút ARV làm tăng gánh thuốc ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị, đồng thời gia tăng tương tác thuốc cũng như tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan, đặc biệt là ở người đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan virút B/C.
- Gián đoạn điều trị do tác dụng phụ của thuốc và do tuân thủ điều trị không tốt, lao kháng thuốc và HIV kháng thuốc là những thách thức lớn trong điều trị đồng nhiễm lao/HIV.
- Triển khai rộng rãi và hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Chương trình phòng, chống lao và Chương trình phòng, chống HIV sẽ làm giảm tử vong do lao và các bệnh lý liên quan tới HIV/AIDS.
ThS.Nguyễn Tiến Lâm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW)