Ðối phó với bệnh tay - chân - miệng

15-05-2015 07:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh TCM là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 9 hằng năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 15.284 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Hậu Giang (1) và Tiền Gang (1). So với cùng kỳ năm 2014 (20.500 mắc/02 trường hợp tử vong), số mắc cả nước giảm 25,4%, tử vong tương đương. Trong đó, khu vực miền Bắc tăng 2,2 lần, miền Trung giảm 7,1%, miền Nam giảm 39,5%, Tây Nguyên giảm 47,5%. Tuy một số nơi bệnh có giảm nhưng nếu lơ là chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, khu vực miền Bắc lại càng phải thận trọng.

Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh

Bệnh TCM là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và tháng 8 - 9 hằng năm. 2 virut gây bệnh chính là Enterovirus 71 và Coxsackievius. Virut gây bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng. Trong những đợt dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh: Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho, hắt hơi; hoặc do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu. Virut xâm nhập cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó sẽ phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.

Hình ảnh tổn thương trong bệnh tay - chân - miệng .

Dấu hiệu của bệnh

Triệu chứng điển hình của bệnh là sốt, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Giai đoạn ủ bệnh (3 - 6 ngày), bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39 - 40oC), đau họng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, trẻ kém linh hoạt. Đôi khi sờ thấy hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, chảy mũi…

Giai đoạn toàn phát: Sau 1- 2 ngày, trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh với biểu hiện phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng.

Loét miệng: Đó là các bóng nước có đường kính 2 - 3mm (ở niêm mạc má, lợi, lưỡi) vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế, trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc.

Ở da: Xuất hiện các bóng nước từ 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.

Dấu hiệu toàn thân: Trong giai đoạn diễn tiến khi virut xâm nhập thần kinh trung ương sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ; li bì, mê sảng, co giật…

Thường xuyên rửa tay xà phòng là biện pháp phòng bệnh TCM hữu hiệu nhất.

Ngoài các triệu chứng điển hình trên, bệnh có thể có triệu chứng không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Nếu bệnh nhẹ thường sau 7 - 10 ngày trẻ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp sốt cao, nhiều mụn có thể gặp biến chứng nặng. Vì vậy, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay: sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài từ 48 giờ trở đi; quấy khóc, bứt dứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người, thở khó/thở nhanh, da nổi vằn.

Phòng ngừa thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là thực hiện tốt các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 - 10 ngày).

Vì bệnh do virut nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà điều trị chủ yếu bằng chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời khi có biến chứng. Điều cần lưu ý với các bà mẹ là bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban… giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh. Tốt nhất là khi có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không cũng nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà để được khám chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

BS. Vũ Hồng Ngọc

 

 

 

 


Ý kiến của bạn