Tôi 30 tuổi, mang thai lần đầu, đang ở tuần thứ 30, thỉnh thoảng bị són tiểu. Tôi có tham khảo những người xung quanh, người bảo đây là hiện tượng rối loại tiểu tiện của thai kỳ nhưng có người bảo là tình trạng bệnh lý. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp.
Nguyễn Thị Hải(Hải Dương)
Thông thường ở phụ nữ mang thai hiện tượng rối loạn tiểu tiện xảy ra là do vùng cơ đáy xương chậu bị căng ra trong suốt thời gian mang bầu. Khi thai kỳ tiến triển qua 3 tháng đầu tiên, nước được giữ lại nhiều hơn. Tử cung cũng bắt đầu phát triển và bàng quang bị giãn ra làm cho não bộ nhận thấy những tín hiệu này như là một mong muốn đi tiểu, do vậy thai phụ thường xuyên đi tiểu trong 3 tháng đầu. Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, bạn có thể không bị đi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên, sau khoảng 32 tuần, do sự phát triển của bào thai, trọng lực thai nhi sẽ đặt vào bàng quang làm giảm dung tích bàng quang, một lần nữa làm gia tăng cảm giác muốn đi tiểu. Do trọng lượng mỗi ngày một to của thai nhi, các cơ xương đáy chậu thay đổi khi xuất hiện một áp lực tác động lên sàn chậu, như khi bạn ho hoặc cúi xuống, làm thay đổi hoạt động của đường dẫn nước tiểu. Kết quả, vài giọt nước tiểu sẽ bị thoát ra ngoài một cách không thể kiểm soát hoặc gây nên hiện tượng buồn tiểu liên tục, dẫn đến tiểu đêm...
Mặc dù biểu hiện đi tiểu nhiều lần, tiểu són là dấu hiệu phổ biến trong thai kỳ, nhưng cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của nhiễm trùng đường tiểu như viêm bàng quang hoặc viêm thận - bể thận. Vì vậy, bạn nên để ý đến sự bất thường như ra máu hay thay đổi màu sắc của nước tiểu và cảm giác đau rát khi đi tiểu. Nếu thấy có biểu hiện bất thường cộng với sốt, ớn lạnh thì bạn cần đi khám ngay để được điều trị.
BS. Anh Vũ