Ðối phó chứng nổi mẩn quanh miệng bé

01-11-2019 14:26 | Đời sống

SKĐS - Con em 6 tháng tuổi, ban đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ nổi quanh miệng sau đó nốt đỏ lan ra cả má, cằm. Bệnh này do đâu và điều trị thế nào?

Nguyễn Thị Liên (Hà Nội)

Nguyên nhân trẻ nổi mẩn quanh miệng thường gặp nhất là do nước dãi của trẻ dây dính quanh da miệng, cằm, má gây kích ứng phát ban mẩn đỏ. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ gặp loại phát ban này một thời điểm nào đó và phổ biến nhất là khi con mọc răng. Do làn da của bé nhạy cảm, luôn bị ẩm ướt kèm theo những cử chỉ cọ xát với gối khiến trẻ nổi mẩn quanh miệng. Trong một số trường hợp, phát ban do nước bọt sẽ khiến da nhiễm khuẩn dẫn đến bệnh chốc lở ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng trẻ nổi mẩn quanh miệng không nghiêm trọng và điều trị không khó. Để phòng ngừa, cần giữ da bé luôn khô thoáng. Sử dụng yếm để ngăn chặn phát ban lan đến ngực. Dùng vải sạch chấm nhẹ để thấm bớt nước bọt của bé, tuyệt đối không được chà xát mạnh vào vết mẩn đỏ. Khi bé ngủ, hãy đặt khăn để thấm hút nước dãi. Một trong những biện pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất, đơn giản nhất là làm sạch da bé và tạo hàng rào kháng khuẩn trước khi bé ngủ vào ban đêm, như dùng khăn giặt với xà phòng và lau qua cho bé, sau đó bôi vaseline hoặc kem dưỡng da có chứa lanolin. Nếu ngoài các nốt mẩn đỏ, góc mép miệng bé còn bị nứt, xuất hiện những mảng dày màu trắng xuất hiện ở trong miệng, lưỡi thì cần nghĩ đến nấm. Do trẻ sơ sinh chưa có hệ miễn dịch phát triển đầy đủ, nên bé dễ gặp phải nấm miệng. Nấm miệng thường tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng nên đưa bé khi khám nếu việc ăn uống của bé bị khó khăn.


BS. Lan Phương
Ý kiến của bạn