Ðối phó chứng mày đay

18-07-2013 14:17 | Bệnh thường gặp
google news

Ban mày đay là tổn thương sẩn phù, biểu hiện tình trạng ngứa nhiều, nóng rát trên da, mỗi đợt tổn thương thường kéo dài dưới 4 giờ. Kích thước mày đay rất khác nhau từ dạng chấm hoặc lan rộng dạng bản đồ kích thước vài cm.

Ban mày đay là tổn thương sẩn phù, biểu hiện tình trạng ngứa nhiều, nóng rát trên da, mỗi đợt tổn thương thường kéo dài dưới 4 giờ. Kích thước mày đay rất khác nhau từ dạng chấm hoặc lan rộng dạng bản đồ kích thước vài cm.

Phân biệt mày đay và phù mạch

Mày đay (Urticaria) là tình trạng phát ban trên da với biểu hiện đặc trưng là các sẩn phù hoặc những ban dát đỏ trên da, ngứa nhiều, cảm giác nóng rát trên bề mặt da tiến triển từng đợt. Các sẩn phù mày đay thường kéo dài không quá 24 giờ và biến mất mà không để lại bất cứ dấu vết nào trên da.

Phù mạch (Angioederma) hay còn gọi là phù Quincke, là tình trạng sưng phù thoáng qua của tổ chức mô dưới da và niêm mạc, có cơ chế tương tự mày đay nhưng tổn thương sâu hơn. Phù mạch có thể phối hợp với mày đay hoặc xảy ra riêng rẽ: khoảng 40% số bệnh nhân có phù mạch cùng với mày đay; 40% mày đay riêng rẽ; khoảng 20% số bệnh nhân chỉ có phù mạch mà không có ban mày đay. Nếu bệnh nhân nổi mày đay có kèm phù mạch thì tiên lượng thường xấu hơn những bệnh nhân chỉ có mày đay đơn thuần.

Mày đay được chia ra 2 loại: mày đay cấp và mạn. Mày đay cấp là nổi mày đay kéo dài dưới 6 tuần và chủ yếu xuất hiện ở những bệnh nhân có yếu tố cơ địa, phổ biến ở trẻ em. Mày đay mạn là tình trạng nổi mày đay kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng trên 6 tuần, thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nữ mắc nhiều hơn nam.

Ðối phó chứng mày đay 1Tổn thương phù mạch ở hố mắt và trán.
Ðối phó chứng mày đay 2
Hải sản là thức ăn dễ gây dị ứng.

Các yếu tố liên quan đến nổi mày đay

Trên thực tế, có một số yếu tố dễ gây nổi mày đay gồm: phụ nữ mang thai, thường bị nổi ban, dát ngứa ở 3 tháng cuối và sau khi sinh; nổi mày đay do lạnh; nổi mày đay do đè ép xuất hiện chậm sau khi vùng da bị đè ép từ 3 - 12 giờ; chứng vẽ nổi da là sẩn ngứa mà khi ta vẽ lên đó có nổi hình nét vẽ; mày đay do ánh sáng mặt trời, mày đay do nước; mày đay và phù mạch do gắng sức có tình trạng tăng histamine sau vận động gắng sức và ăn một số thức ăn lạ gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, tôm tích...

Mày đay cấp thường do một số tác nhân gây ra gồm: một số thuốc chữa bệnh như penicillin, thuốc giảm đau chống viêm (ibuprofen, aspirin...), thuốc hạ huyết áp; thức ăn gây dị ứng như: lạc, hạt điều, trứng, cá, các loại nhuyễn thể...; bọ nhà, phấn hoa, lông chó mèo; nhiễm khuẩn: nhiễm virut hay gây mày đay, phù mạch ở trẻ em.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh nhân bị nổi mày đay thường ngứa nhiều, nóng rát trên da, thường kéo dài dưới 4 giờ mỗi đợt, nếu kéo dài cũng không quá 24 giờ, trừ mày đay viêm mạch thì kéo dài hơn. Kích thước mày đay rất khác nhau, có thể là tổn thương dạng chấm hoặc lan rộng dạng bản đồ với kích thước vài cm. Mày đay có thể nổi toàn thân hoặc khu trú từng vùng trên da. Mày đay do tiếp xúc, nổi ở vùng da tiếp xúc. Mày đay do ánh nắng thường nổi ở vùng da hở bị chiếu nắng. Mày đay do đè ép thì nổi ở vùng da bị đè ép. Mày đay gây cảm giác khó chịu, một số trường hợp có kèm theo đau khớp.

Với bệnh nhân có bị phù mạch thường gây ra tình trạng khó chịu hoặc gây đau bụng khi xuất hiện ở đường ruột. Có thể gây khó thở nếu bệnh nhân bị phù thanh quản. Nếu mày đay và phù mạch là triệu chứng của sốc phản vệ thì đó là bệnh rất nặng. Trường hợp mày đay kéo dài trên 24 giờ, nổi ở ngoại biên, để lại sẹo sau khi thoái lui thì đó là mày đay viêm mạch.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh nhân nên tránh uống rượu, bia vì đồ uống này sẽ gây bệnh hoặc làm bệnh nặng lên. Khi sử dụng một số thuốc chữa các bệnh khác, nếu thấy bị nổi mày đay phải ngưng thuốc đó ngay để phòng tránh dị ứng thuốc đó nặng có thể gây tử vong. Các thuốc hay gây nổi mày đay nặng là aspirin, thuốc chống viêm không steroid. Mày đay cấp hay phù mạch có thể điều trị bằng thuốc kháng histamine. Nếu mày đay xuất hiện do mặc quần áo quá chật, do tiếp xúc với da thì nên nới lỏng quần áo để tránh bệnh xảy ra.

Đối với những người hay bị nổi mày đay do lạnh, do nhiệt, chứng vẽ nổi da... cần phải nhớ và tránh các yếu tố gây bệnh cho bản thân như tránh tắm nước lạnh, tránh đến gần các nguồn nhiệt như lò gạch, lò nung vôi, đám cháy... Những người bị nổi mày đay do ánh nắng cần chú ý tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên da, mặc quần áo dài để che nắng, đội mũ nón rộng vành khi ra nắng. Khi nổi mày đay do ánh nắng, cần điều trị bằng thuốc kháng histamine và kem chống nắng đặc biệt. Các trường hợp bị nổi mày đay do đè ép thì thường phát bệnh muộn sau khi bị đè ép 3 - 12 giờ nên bệnh nhân phải nhớ mới phát hiện được nguyên nhân gây nổi mày đay để phòng tránh cho các lần sau. Bạn cũng nên nhớ là mày đay do đè ép khi điều trị bằng thuốc kháng histamine rất kém tác dụng, hầu như bệnh không đỡ. 

Những người bị nổi mày đay do dị ứng thức ăn cần phát hiện và ghi nhớ các loại thức ăn đã gây dị ứng cho mình để mãi mãi tránh xa những thức ăn đó, vì nếu ăn phải các lần sau bệnh càng nặng hơn lần trước, có thể gây khó thở, suyễn nặng, sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Khi gặp thức ăn lạ, bạn chỉ nên ăn ít để thăm dò xem có bị dị ứng hay không.

ThS. Phạm Phú Vinh



Ý kiến của bạn