Ðối phó chứng cứng khớp lúc giao mùa

16-09-2018 06:46 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, cũng là lúc bệnh lý về xương khớp có nguy cơ phát triển. Đặc biệt là chứng cứng khớp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển sang thu đông với thời tiết mưa, ẩm ướt và lạnh dần.

Tỷ lệ người bị cứng khớp ngày càng gia tăng trong cộng đồng, đi cùng với tốc độ gia tăng già hóa dân số, hậu quả dẫn đến người bị cứng khớp gặp khó khăn trong việc di chuyển các khớp của cơ thể.

Sau nhiều năm sử dụng các khớp xương, cơ và xương đã chịu đựng một lượng áp lực đáng kể. Một số người cảm thấy cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu. Loại cứng khớp này thường là tạm thời. Tuy nhiên, cứng khớp có thể nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển hàng ngày. Khi cứng khớp kèm theo đau được gọi là đau khớp.

Những yếu tố nguy cơ

Tuổi: Cứng khớp là một phần tất nhiên của lão hóa. Trong một thời gian dài, các khớp, sụn hỗ trợ cũng như cơ xung quanh khớp của chúng ta yếu đi.

Viêm khớp dạng thấp (RA): Viêm khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khớp. RA thường tấn công chúng ta trong độ tuổi từ 30 - 60. Đó là một tình trạng viêm mạn tính được phân loại là một bệnh tự miễn dịch. Với RA, hệ thống miễn dịch tấn công lớp niêm mạc của các khớp gây viêm, đau và cứng khớp. Theo thời gian, RA có thể gây ra biến dạng khớp và xói mòn xương.

Viêm xương khớp: Phổ biến ở những người trên 65 tuổi, là kết quả của sự bào mòn trên các khớp. Khi sụn bảo vệ xương trong khớp bị mòn đi, cứng khớp và các triệu chứng khó chịu khác có thể xuất hiện. Đầu gối, hông, ngón tay, cổ và lưng là những vùng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất của cơ thể khi nói đến viêm xương khớp.

Ðối phó chứng cứng khớp lúc giao mùaThời tiết chuyển sang thu đông, các bệnh về xương khớp có nguy cơ phát triển.

Các loại viêm khớp khác: Có các loại viêm khớp khác, chẳng hạn như viêm cột sống dính khớp và viêm khớp nhiễm trùng, có thể gây ra cứng khớp.

Bệnh đau xơ cơ (Fibromyalgia): Đây là một tình trạng gây đau cả khớp và cơ bắp cũng như mệt mỏi, suy giảm nhận thức và khó ngủ. Bệnh thường xảy ra sau khi bị bệnh, phẫu thuật hoặc căng thẳng.

Luput: Đây là một bệnh tự miễn dịch tấn công các mô và cơ quan. Khi bệnh tấn công các khớp, có thể dẫn đến cứng khớp, đau và sưng. Giống như viêm khớp dạng thấp, luput là bệnh mạn tính. Với điều trị thích hợp, các triệu chứng có thể được quản lý và thuyên giảm.

Viêm bao hoạt dịch: Các túi chứa đầy chất dịch giúp tạo lớp đệm cho xương, dây chằng và các cơ trong khớp xương của chúng ta. Khi những túi hoạt dịch bị viêm được gọi là viêm bao hoạt dịch. Tình trạng này có thể dẫn đến đau và cứng khớp ở khớp bị ảnh hưởng. Viêm bao hoạt dịch thường gặp ở các khớp lớn, chẳng hạn như vai, hông, đầu gối và khuỷu tay.

Bệnh gút: Đau khớp do bệnh gút có thể gây khó đi lại khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Thường đau đột ngột và đau ở các khớp. Khớp ngón chân cái thường là khớp đầu tiên xuất hiện đau. Bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến nam nhiều hơn nữ.

Ung thư xương: Có thể gây đau khớp và cứng khớp. Không phải tất cả mọi người mắc bệnh ung thư xương đều sẽ có triệu chứng, điều đó có nghĩa là bệnh đôi khi tiến triển trước khi nó được phát hiện.

Chấn thương: Đôi khi một chấn thương có thể làm cho một khớp bị viêm. Viêm gân là phổ biến trong hoạt động thể thao. Viêm bao hoạt dịch là một dạng đau khớp liên quan đến chấn thương.

Khắc phục chứng cứng khớp

Chườm nóng hoặc lạnh: có thể áp một miếng gạc lạnh vào khớp bị cứng từ 15 - 20 phút nhiều lần trong ngày để giảm viêm và sưng. Ngoài ra, sử dụng một miếng đệm sưởi ấm hoặc chai nước nóng là tốt cho cơ bắp thư giãn và tăng lưu thông máu.

Các loại thuốc không kê toa: Một số người bị đau khớp thấy rằng các thuốc chống viêm không steroid có thể hữu ích.

Tập thể dục: Vật lý trị liệu và tập thể dục có thể là một cách tốt để giảm độ cứng và cải thiện tính di động của khớp. Khi bạn thừa cân có thể gây áp lực lên khớp, vì vậy, bạn nên giảm cân và giảm bớt áp lực lên khớp. Tập thể dục có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng của khớp, do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia vào một môn tập thể dục mới.

Nẹp: Một số nghiên cứu cho thấy 87% khớp ngón tay cứng đáp ứng tốt khi tập thể dục và nẹp. Nhiều nẹp khác nhau có thể được sử dụng để điều trị khớp ngón tay. Có các thanh nẹp tĩnh và động. Nẹp tĩnh đòi hỏi phải điều chỉnh khi phạm vi chuyển động được cải thiện.

Làm thế nào để ngừa cứng khớp?

Giảm trọng lượng cơ thể là điều quan trọng nếu muốn ngăn chặn sự khởi phát sớm của chứng cứng khớp. Các khớp chịu lực như đầu gối dễ bị đau và viêm. Chỉ cần tăng trọng lượng 01kg có nghĩa là khớp gối phải chịu trọng lượng gấp 04 lần.

Duy trì lối sống năng động: Các hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ phát triển các cứng khớp và/hoặc đau khớp. Chỉ cần tập thể dục nhẹ có thể tăng cường cơ bắp xung quanh khớp và giúp giảm áp lực lên khớp. Tập thể dục đều đặn có tác dụng hữu ích chống lại các triệu chứng viêm khớp.


BS. Nguyễn Hải Lê
Ý kiến của bạn