Hà Nội

Ðối phó các bệnh thường gặp khi giao mùa

12-10-2018 06:56 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thời tiết giao mùa (từ hè sang thu) nhiệt độ thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, từ đó sinh ra nhiều bệnh.

Thời tiết giao mùa (từ hè sang thu) nhiệt độ thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, từ đó sinh ra nhiều bệnh. Vì vậy, cần có biện pháp phòng bệnh, nhất là trẻ em và người cao tuổi.

Những loại bệnh có thể xuất hiện khi giao mùa

Loại bệnh phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi là các bệnh đường hô hấp, trong đó phải kể đến bệnh viêm đường hô hấp trên, điển hình là viêm họng, mũi, xoang và phổi.

Viêm mũi dị ứng: Thường gặp ở người có cơ địa dị ứng. Triệu chứng điển hình là chảy nước mũi, ngứa mũi và hắt hơi, thậm chí có đau đầu. Các triệu chứng này cũng có thể là triệu chứng của cảm cúm.

Các bệnh lý mũi xoang và hô hấp gia tăng khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh viêm xoang cũng rất dễ xuất hiện, nhất là những người đã từng mắc bệnh đường hô hấp trên (tai, mũi, họng), hơn nữa viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Viêm xoang xuất hiện vì khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô, khiến niêm mạc mũi dễ bị bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng...

Viêm phế quản, hen suyễn: Do khí hậu hanh khô nên phổi rất dễ bị lâm bệnh, trong đó phải kể đến bệnh viêm phế quản cấp, hen suyễn (trẻ em gọi là hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt). Người bệnh có sốt, tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng, đôi khi có ho ra máu. Bệnh viêm phổi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có những biến chứng rất nặng, dẫn tới tử vong.

Một số bệnh về đường tiêu hóa có thể xuất hiện như tiêu chảy do Rotavirus, ngộ độc thực phẩm hoặc đau dạ dày, viêm đại tràng, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay - chân - miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối,... Bệnh do một loại virut đường ruột gây ra, trong đó có chủng rất độc (Enterovirus71). Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch.

Bệnh dạ dày, viêm đại tràng cấp và mạn tính cũng gia tăng. Các loại bệnh này thường có liên quan mật thiết đến ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng tuy có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là vi khuẩn Helicobacter Pylori, dùng một số thuốc làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (thuốc điều trị khớp, thuốc giảm đau, hạ sốt) hoặc uống quá nhiều rượu, khi thời tiết khô hanh, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh này phát triển. Nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa thu, những người có bệnh dạ dày sẽ tăng nguy cơ và tái phát triệu chứng do sự kích thích của không khí lạnh, lượng histamin trong máu tăng lên, dịch vị trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hóa bị co bóp mạnh làm giảm sức đề kháng làm bệnh xuất hiện và tăng nặng thêm. Bên cạnh đó, do stress, đặc biệt là việc học tập quá tải, căng thẳng hoặc ép trẻ ăn nhiều thường làm trẻ đau bụng. Lúc đầu đau bụng chức năng, lâu dần có thể gây loét.

Bệnh xương khớp: Chuyển mùa sang thu, bệnh xương khớp rất dễ xuất hiện, nhất là người có tuổi, người bị viêm khớp mạn tính. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, hầu hết người bệnh về xương khớp rất khổ sở vì các triệu chứng đau nhức, tê buốt, sưng tấy các khớp tay, chân và hạn chế cử động do cứng khớp. Đồng thời các bệnh về xương khớp tái phát hoặc tăng nặng làm cho người mệt mỏi, xanh xao, sút cân do ăn uống kém.

Bệnh do muỗi truyền: Một số bệnh liên quan đến vai trò của muỗi sẽ xuất hiện nhiều khi chuyển mùa như sốt xuất huyết, bệnh viêm não Nhật Bản, sốt rét. Ở nước ta, sốt xuất huyết ở giai đoạn này đang có xu thế gia tăng. Mầm bệnh là virut Dengue hiện nay đang lưu hành ở nước ta, trong khi đó thời tiết chuyển mùa rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh, mọi người cần lưu ý nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp và tránh muỗi đốt. Cần vận động cơ thể một cách bài bản và thường xuyên để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.


BS .Việt Thanh
Ý kiến của bạn
Tags: