Ðổi mới tư duy mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn

24-03-2017 19:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong năm 2017, triển khai Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Trong năm 2017, triển khai Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp và chia sẻ những định hướng nghiên cứu quan trọng, như nghiên cứu dịch tễ bệnh lao lần thứ 2 sau 10 năm tiến hành vào năm 2017 với ngân sách trên 2 triệu USD được tài trợ của Quỹ toàn cầu 1,2 triệu và CDC, USAID, ngân sách nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao (STAG TB) - cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO.

Điều trị cho bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi TW. Ảnh: TM

Điều trị cho bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi TW. Ảnh: TM

Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4,6% từ năm 2000 đến nay. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao và đến nay đã có gần 6.000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị. CTCLQG đã triển khai thuốc mới bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc.

Nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không với độ nhậy rất cao, độ đặc hiệu rất cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (phải mất 2-4 tháng theo phương pháp truyền thống), mặt khác thao tác thực hiện đơn giản đến mức có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện. Hiện nay đã có 112 máy Gene Xpert trên cả nước.

WHO đánh giá cao về công tác phòng chống lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Các nội dung đào tạo chính được cán bộ phòng chống lao quan tâm ở các tuyến từ Trung ương, tuyến huyện, tuyến cơ sở gồm: quản lý chương trình, trong đó chú trọng đến vấn đề quản lý chất lượng toàn diện, lập kế hoạch; Dịch tễ học bệnh lao; Quản lý bệnh lao; Phối hợp y tế công tư; Lao đa kháng thuốc...

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2030. Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân và giảm nguồn lây cho cán bộ y tế và cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, Dự án TB CARE II phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) triển khai Chiến lược FAST tại BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Nam Định và BV Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam. Chiến lược FAST đã góp phần phát hiện nhiều ca bệnh lao kháng đa thuốc và lao phổi được chẩn đoán với bằng chứng vi khuẩn học và rút ngắn thời gian từ lấy mẫu tới điều trị các ca bệnh từ trên 10 ngày năm 2013 xuống còn 3-5 ngày. Từ đầu năm 2016, CTCLQG đã áp dụng tiếp cận thực hành chiến lược FAST trong chẩn đoán lao phổi dương tính tại Khoa Lao hô hấp của BV Phổi Trung ương, với mục tiêu chẩn đoán và bắt đầu điều trị trong vòng 36 giờ.

Năm qua, qua báo chí, truyền hình, fanpage chính thức của Chương trình Chống lao Quốc gia trên mạng xã hội facebook. Tổ chức các cuộc thi: MISS TB, cuộc thi ảnh “Việt Nam quyết tâm chiến thắng bệnh lao”... để truyền tải thông điệp phòng chống lao đối với cán bộ y tế và nhân dân. Đã có Đại sứ thiện chí phòng chống lao - Á hậu Thụy Vân.

Slogan Ngày chống lao Thế giới 2017

Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh lao.

Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn.

Vì người nghèo vào lúc họ cần.

Chủ đề Ngày chống lao Thế giới 2017

1. Hãy chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh lao.

2. Chữa khỏi bệnh lao là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của người bệnh, không để lây lan cho cộng đồng.

3. Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em.

4. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

5. Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!

6. Không lây lao, hãy lây lòng nhân ái!

7. Xóa bỏ mặc cảm, loại trừ kỳ thị!

8. Ở đâu có tình thương với bệnh nhân lao, ở đó không có bệnh lao.

9. Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo!

10. Tôi không thể, bạn không thể, chúng ta thì có thể!

11. Chấm dứt lây lan, nâng cao sức khỏe, chia sẻ yêu thương!

12. Một nút like không tạo nên sự thay đổi nhưng một bàn tay thì có thể.

13. Sáng tạo hơn trong việc gây quĩ phòng chống bệnh lao, tăng cường tất cả các nguồn lực ở mọi cấp trong công tác phòng chống lao.

14. Một tin nhắn gửi triệu nghĩa tình tới bệnh nhân lao nghèo.

15. Bệnh lao - nguyên nhân của nghèo đói dai dẳng và trở ngại đối với phát triển kinh tế.

16. Đầu tư phòng chống lao là đầu tư cho sự phát triển bền vững xã hội.

17. Tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh - yếu tố quyết định sự thành bại của việc kiểm soát, loại trừ bệnh lao.

18. Đổi mới tư duy - chính sách - tiếp cận - đầu tư - truyền thông tiến tới thanh toán bệnh lao.

19. Tăng cường cam kết chính trị - đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác phòng chống lao.

20. Mắc lao không có tội, giấu bệnh - không tuân thủ điều trị - kỳ thị xa lánh người bệnh lao mới là có tội.

21. Người nghèo, người không nghèo và 2,5 lần nguy cơ bệnh lao.


CT. PCL
Ý kiến của bạn