Hà Nội

Ðời là vô thường

07-02-2015 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ðêm qua, mình đón Noel và sinh nhật tại bệnh viện. Không có bánh, không có quà, biểu tượng cảm xúc wink chỉ có vài lời chúc...

Ðêm qua, mình đón Noel và sinh nhật tại bệnh viện. Không có bánh, không có quà, biểu tượng cảm xúc wink chỉ có vài lời chúc phải đọc vội mà chẳng thể nói lời cảm ơn vì bệnh nhân nặng cứ vào liên tục.

Một bệnh nhân nam 57 tuổi, uống rượu say chạy xe tự té ngã chấn thương sọ não. Một cô bé 17 tuổi bận đồ noel màu đỏ, mỏng dính, ngắn đến không thể ngắn hơn bị giật giỏ té trầy xước hết 1 bên mặt, mình nhìn đồng hồ lúc đó 1 giờ sáng, hỏi đi đâu ra đường giờ đó, cô bé trả lời đi “giao quà”. Thảng thốt.

​Chăm sóc bệnh nhân nặng. Ảnh: Trần Minh

Một bà 72 tuổi vừa xuất viện tuần trước, tối thấy mệt hồi hộp, điện tim rung nhĩ đáp ứng thất nhanh, mình xử trí xong đưa vào cấp cứu tim mạch, sáng giao ban nghe nói đã tử vong.

Một phụ nữ 49 tuổi giận chồng uống thuốc ngủ tự tử, nằm mê man. Người chồng khai bà ta đã làm thế 3 lần rồi. Mình hỏi: Anh có thấy mỏi mệt khi chị nhà cứ vậy hoài không?

- Dù sao đó cũng là mẹ của mấy đứa nhỏ. Lấy nhau hơn 20 năm rồi, mà cứ ghen tuông mù quáng, lại còn hay giận hờn...

Trong đêm Noel giá lạnh, nghe người nhà bệnh nhân nói thế bỗng thấy ấm lòng. Bạn có biết ở Việt Nam, tỉ lệ li dị và nạo phá thai cao nhất nhì thế giới hay không?

- Thường thì người ta chỉ cứu những người cầu sống, chứ ai đi cứu người cầu chết, đúng không bác sĩ?

- Không cần biết bệnh nhân cầu gì, hễ đến bệnh viện là bác sĩ phải cấp cứu, phải chữa.

- Làm bác sĩ cực quá. Lễ Tết phải thức cả đêm.

- Con cảm ơn bác. Nghề của tụi con nó thế.

- Tui nghĩ nên thành lập một "đường dây nóng" hay một "hội đồng" để bảo vệ bác sĩ. Chứ hồi nãy nghe người nhà bệnh nhân nọ mắng chửi nhục mạ bác sĩ thấy hãi hùng quá. Họ bệnh, đi khám không đúng tuyến bảo hiểm lại vô học và hung hăng.

- ...

- Kể cũng lạ, khi người nhà và bệnh nhân mắng chửi nhục mạ hay hành hung bác sĩ thì chẳng có ai nói gì, không một câu an ủi, không một lời động viên, chứ bác sĩ mà lỡ lời nói một điều gì đó nghe không phải lỗ tai là chết ngay, bị kiện cáo, bị gọi tới đường dây nóng, thư tố cáo...

- Con nghĩ, ở đâu cũng có người này người khác, chứ không phải bệnh nhân nào cũng ít văn hoá và ứng xử không văn minh. Có lẽ khi người ta bệnh, người ta lo nên sinh bực tức...

- Đâu nói vậy được. Nếu nói "Lương y như từ mẫu", tức là bác sĩ là cha là mẹ của mình, mình không thể đối xử như vậy.

Mình mỉm cười, bỗng thấy phòng cấp cứu sáng hơn, ngỡ như có ngàn ánh đèn, ngàn ngọn pháo hoa cùng cháy. Chỉ cần bao nhiêu lời đó thôi đã đủ cho đêm trực dài. Ông bác là cha của bệnh nhân nam 25 tuổi vào cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.

Bạn biết không, hàng năm, có hàng triệu người đến Sài Gòn mưu sinh để tìm cầu danh lợi hào quang thì cũng có hàng triệu người rời khỏi trong nỗi đau, niềm tủi nhục ê chề và bệnh tật. Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung là vùng đất ngọt rất "đãi" người. Nhưng theo mình, không có vinh quang nào mà không trả giá, không có danh lợi nào mà không đánh đổi. Ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người.

Mình biết ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... còn đông hơn nơi mình đang làm cả chục lần. Những mảnh đời, những hoàn cảnh vào ra cấp cứu liên tục. Có người vào thấy còn thở, còn nói chuyện, lát sau đẩy ra là cái xác không hồn. Có người vào còn nguyên vẹn hình hài, lúc ra đã mất tay, mất chân, thậm chí lõm đầu do được cấp cứu khoan sọ...

Hỗn độn. Bất trắc. Và may rủi.

- Cấp cứu, cấp cứu!

0 giờ 5 phút sáng, bệnh nhân nữ 25 tuổi tím tái, sùi bọt mép, gồng cứng người, đầu có vết thương khối máu tụ rất lớn vùng đỉnh chẩm trái.

Đặt nội khí quản, thở máy, adrenalin.

0 giờ 15 phút sáng, theo lời khai người đi đường bị cướp giật iPhone, té ngã, không đội nón bảo hiểm, người có mùi bia nồng nặc.

0 giờ 30 phút, nhịp tim vẫn rời rạc, huyết áp vẫn khó đo, không có thân nhân, chỉ có chứng minh nhân dân trong bóp, quê miền Tây.

1 giờ, tình trạng không cải thiện, nghĩ nhiều đến xuất huyết nội sọ, hội chẩn toàn bệnh viện.

2 giờ, chuyển nhà xác.

- Không biết bao giờ mới có người nhà đến nhận xác về nhỉ?

- Em nghĩ, cô ấy ở tỉnh lên thành phố này học và đi làm.

- Nhưng sao 0 giờ sáng còn ở ngoài đường?

- Có lẽ đi chơi lễ với bạn trai.

- Bạn trai đâu không đưa về tận nhà?

- Chuyện đó để công an điều tra.

Hai y tá ngồi thì thầm, mình nghe loáng thoáng. Mình nhớ lại lời một chị bạn: Bây giờ có con, nuôi con sợ đủ thứ...

Mình đã mỉm cười nói: Đời là vô thường mà chị. Biết đâu mà lường.

Biết là vô thường, biết là khó lường, nhưng bạn ơi, mình vẫn tin rằng: để có một ngày mai an lạc, không đau khổ và hối tiếc, mỗi bước chân đi hôm nay phải tập cho mình đi trong tỉnh thức mới được.

Bởi mỗi bước mình đi đâu phải đi cho riêng mình, mà còn đi cho người thân yêu của mình nữa!  

BS. Bảo Trung

 

 


Ý kiến của bạn