Ốc sên hoa được dùng với tên thuốc là oa ngưu, có vị mặn, tính hàn, tươi nhầy, có tác dụng bổ dưỡng, giải độc, tiêu viêm, giảm đau, chống co thắt, lợi tiểu. Ốc sên hoa 1-2 con, lấy thịt giã nát thêm ít nước, phết lên giấy để chừa một lỗ nhỏ ở giữa, đắp chữa mụn lở mọc ở da mặt (Nam dược thần hiệu). Thịt ốc sên hoa và cùi quả ô mai lượng bằng nhau, giã nát, làm viên ngậm chữa cổ họng sưng đau, không nuốt được. Dịch ốc sên hoa đã thủy phân, đem cô đến khi đặc thành sản phẩm mang tên “đạm ốc sên” được dùng làm thuốc bổ dưỡng rất tốt.
Để chữa hen suyễn, thấp khớp, lấy ốc sên hoa 2 con làm thịt, nướng vàng, thái nhỏ, nấu lấy nước đặc. Măng tre 50g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt. Trộn hai nước lại, uống làm 1-2 lần trong ngày. Dùng trong thời gian dài.
Nhớt ốc sên hoa là lớp chất nhầy bao bọc toàn thân ốc trong vỏ cũng được dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Người ta lấy nhớt bằng cách bắt ốc sên hoa dùng khăn lau sạch đất dính ở miệng ốc, rồi dùng một que nhọn kích thích liên tục vào da thịt ốc, chất nhớt sẽ tiết ra rất nhiều. Lấy bông sạch quét nhớt mà dùng ngay, không để nhớt lưu cữu qua ngày. Nhớt ốc sên hoa được dùng bôi chữa rết cắn rất hay. Sở dĩ có tác dụng như vậy vì nhớt là một chất nhầy có phản ứng kiềm. Khi bôi lên vết rết cắn, chất nhày làm trung hòa tính acid của nọc rết, gây cảm giác mát dễ chịu, hết đau nhức.
Theo tài liệu nước ngoài, ở Pháp, người ta đã nuôi ốc sên hoa trên quy mô công nghiệp và chế biến thịt ốc thành một món ăn-vị thuốc được nhiều người ưa thích. Ở Trung Quốc, thịt ốc sên hoa phơi khô, mỗi lần dùng 15g, sao cháy, sắc nước uống ngày 3 lần liền trong 3-5 ngày, chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Để chữa tràng nhạc, lấy thịt ốc sên hoa tươi 60g hoặc phơi khô 30g, thái nhỏ, nấu chín với thịt lợn nạc 100g, thêm gia vị ăn trong ngày.