Hà Nội

Ốc đảo xanh giữa mùa nước nổi

16-09-2016 08:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Hạn hán và xâm mặn kéo dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gây ra nguy cơ cháy rừng cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Hạn hán và xâm mặn kéo dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gây ra nguy cơ cháy rừng cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, hơn 8.000ha rừng tràm ở đây đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cấp 1. Nắng hạn kéo dài, thiếu nước ngọt để giữ ẩm cho rừng đang khiến lực lượng chức năng ở đây gặp muôn vàn khó khăn trong công tác phòng chống cháy rừng.

Vào mùa nước nổi (tháng 7 - 10 âm lịch), lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL tăng mạnh, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên nước ngập trắng đồng; du khách lại về các tỉnh ĐBSCL du lịch “mùa nước nổi” kì thú. Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo - Tịnh Biên - An Giang) khoác lên mình một màu xanh thẳm của những cánh bèo tây giăng kín mặt nước, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây là ốc đảo xanh giữa đồng bằng - điểm du lịch thu hút nhiều du khách mỗi khi đến An Giang - một điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.

Du khách sẽ được những chiếc tắc ráng đưa vào tham quan cả khu rừng tràm.

Rừng tràm Trà Sư có diện tích khoảng 845ha, là khu rừng ngập nước điển hình của vùng Tây sông Hậu, là nơi tập trung sinh sống của khoảng 140 loài thực vật, 11 loài thú và 23 loài cá, được trồng với mục đích cải tạo đất phèn và bảo tồn đất ngập nước với hệ thực vật đa dạng và phong phú, trong đó rừng tràm xanh ngắt bao phủ hầu hết diện tích xen lẫn một số loại thực vật thủy sinh cùng với nhiều loài quý hiếm hoặc có trong Sách Đỏ Việt Nam: cò lạo, dơi chó tai ngắn, cò Ấn Độ, cá còm, cá trê trắng, giang sen, điêng điểng… Nơi này hầu như vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ và trong lành.

Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi (tháng 8 - 10 âm lịch). Đến đây, du khách trải nghiệm đầy thú vị bằng việc đi trên tắc ráng nhỏ len lỏi qua các con kênh nhỏ vào rừng tràm để tận hưởng âm vang của các loài chim xôn xao cả khu rừng, tận mắt ngắm những tổ chim chi chít, cò vạc tíu tít rỉa lông, cồng cộc lao mình xuống nước săn cá. Mùa nước nổi, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. Du khách sẽ đắm mình trong không gian của một hồ nước mênh mông, những thảm bèo xanh chuối phủ kín cả khu rừng và con đường nước, chiếc xuồng như xẻ thảm cỏ mà đi, những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước đã nối kết nhau lại thành một tấm thảm màu xanh ngọc bích làm cho cả khu rừng mênh mông như bừng sáng một sắc màu huyền ảo. Rừng tràm Trà Sư được chia thành nhiều khu. Từ lâu, nơi đây được biết đến là khu rừng nguyên sinh.

Đi thuyền máy chừng 15 phút là đến một bến thuyền nhỏ hơn bên trong rừng. Tại đây, du khách được chuyển sang chiếc xuồng nhỏ do người chèo tay. Chiếc xuồng nhè nhẹ rẽ con nước đầy bèo xanh mướt, len lỏi giữa những lối đi nhỏ tiến sâu vào rừng. Những ngọn gió thổi rì rào mát rượi qua những ngọn cây, trên mặt nước bao phủ một màu xanh ngát của bèo cám, những bông hoa tràm trắng tinh rơi rụng khắp nơi. Những con cò sải cánh trên mặt nước tìm thức ăn, những con chim bìm bịp làm tổ trên cành cây, những con le le đứng đâu đó trên những cành tràm khẳng khiu kêu râm ran. Cả khu rừng vang rộn tiếng chim hót, hòa với màu xanh của mặt nước. Không gian thanh mát đến không ngờ sẽ giúp du khách quên đi những vất vả, tận hưởng từng khoảnh khắc thanh bình của cuộc sống.

Từ nhà tiếp tân, du khách sẽ đi bộ khoảng 500m là vào cửa rừng.

Càng đi sâu vào rừng, tiếng cười đùa của du khách đã tắt hẳn mà thay vào đó là sự yên lặng, chăm chú ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi có những cây tràm cổ thụ soi bóng dưới mặt nước với bông trắng tinh khiết nở rộ, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng khiến tinh thần trở nên dễ chịu, thoải mái. Tận mắt nhìn trên cây thấy những loài chim đẹp, quý hiếm và nghe tiếng chim hót líu lo, ríu rít làm xao động cả khu rừng. Vẻ đẹp ấy còn được tô điểm bởi những loài thủy sinh phát triển mạnh vào mùa nước nổi. Thoáng cái là những đám sen, súng lung linh trên mặt nước khoe sắc rực rỡ, những khóm bông điên điển vàng rập rờn bay hiu hiu trong gió... Thi thoảng bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây tràm hay cả trên tảng bèo xanh biếc.

Sau khi về thuyền máy, du khách được đưa tới vọng gác quan sát, nơi có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của rừng tràm rộng xa ngút tầm mắt. Chiếc ống nhòm đặc dụng được trang bị trên vọng gác có thể giúp bạn quan sát chi tiết hơn cảnh sinh hoạt của vô số loài chim, cò sinh sống trong khu bảo tồn. Đặc biệt, vào mùa nước nổi, giữa cảnh núi rừng với những tiếng chim gọi bầy, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản đặc trưng miền sông nước: Cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu trộn cá sặc, cá linh, bông điên điển… Anh Nguyễn Văn Tân - người chèo xuồng đưa khách tham quan vào rừng tràm, cho biết: “Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, mỗi ngày có từ 500 - 600 khách tham quan rừng tràm Trà Sư. Vé tham quan trọn gói (thuyền máy và xuồng chèo tay) vào rừng tràm là 65.000 đồng/khách. Tôi đảm nhận phần chèo xuồng đưa khách vào ngắm khu vực đẹp nhất của rừng tràm, được trả 15.000 đồng/chuyến, hai vợ chồng cùng tham gia dịch vụ này nên có thêm thu nhập vào mùa nước nổi”.

Đến với An Giang mùa nước nổi, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào một không gian mới mẻ, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên đến những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng cư dân với những lễ hội dân gian sinh động, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ… Cảnh đẹp mùa nước nổi của An Giang không chỉ có thế bởi du khách có thể nhìn thấy hình ảnh người nông dân khai thác mặt nước để trồng sen, bông súng, nuôi tôm, cá, tạo nên bức tranh quê sinh động.

Du khách đến TP. Châu Đốc (An Giang) chạy xe (khoảng 5km) theo hướng đi núi Sam (Miếu bà Chúa Xứ), đến núi Sam, du khách tiếp tục chạy xe (khoảng 16km) theo hướng đi Tri Tôn, gần đến cầu Bưng Tiên thì quẹo trái. Đi thêm khoảng 4km nữa là đến rừng tràm Trà Sư. Phương tiện đi lại tại rừng tràm Trà Sư du khách có thể sử dụng xe máy, xe đạp (thuê tại Ban quản lý rừng tràm Trà Sư), nhưng thú vị hơn cả vẫn là đi tắc ráng máy và xuồng (thuê). Trong khuôn viên rừng tràm Trà Sư có quán ăn chuyên phục vụ các món ăn đồng quê. Hiện tại, rừng tràm Trà Sư chưa có dịch vụ lưu trú phục vụ cho du khách.


Bài và ảnh: Phương Nghi
Ý kiến của bạn