Ðộc đáo kỳ quan ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

18-09-2012 17:26 | Văn hóa – Giải trí

Vậy là từ nay, những triền ruộng bậc thang kỳ vĩ của Hà Giang chính thức trở thành Di tích quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn lao đối với người dân các dân tộc vùng núi cao biên giới phía Bắc mà còn là dấu mốc quan trọng,

(SKDS) - Vậy là từ nay, những triền ruộng bậc thang kỳ vĩ của Hà Giang chính thức trở thành Di tích quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn lao đối với người dân các dân tộc vùng núi cao biên giới phía Bắc mà còn là dấu mốc quan trọng, mở ra vận hội mới để Hà Giang phát triển du lịch, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước một kỳ quan độc đáo được tạo ra từ chính bàn tay con người!

Những ngày này, nếu du khách có dịp đến Hà Giang sẽ được hòa chung niềm vui của đồng bào các dân tộc nơi đây với rất nhiều hoạt động văn hóa và các chương trình nghệ thuật đón mừng danh hiệu Di tích Quốc gia cho ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Theo đó, Bộ VH-TT&DL đã chính thức công nhận 760ha trong tổng số hơn 3.000ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì tại 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ (bản người Dao áo dài và người Nùng); xã Bản Phùng (bản người La Chí); xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và xã Thông Nguyên (bản người Dao đỏ) là di sản và danh thắng cấp Quốc gia.
 
 Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì.
Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì ước tính có tuổi đời khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức của 14 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn. Đây là một loại hình canh tác tương đối phổ biến không chỉ ở khu vực miền núi của Việt Nam mà còn hiện diện ở nhiều quốc gia trong khu vực như Lào, Thái Lan, Philippines, Indonesia và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, do mỗi dân tộc, mỗi đất nước có tập quán khai vỡ đất, hình thức canh tác cũng như nghi lễ, tín ngưỡng sản xuất nông nghiệp riêng nên những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có những nét đặc trưng gắn liền với phương thức sản xuất và dấu ấn văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng, La Chí, Hà Nhì...

Bằng bàn tay, khối óc, mồ hôi và sự cần cù, qua thời gian, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã biến những đồi núi hoang sơ, cằn sỏi đá thành những triền ruộng phì nhiêu với hình dáng tự nhiên phong phú, quanh co, uốn lượn, trải ngút tầm mắt đến tận đỉnh trời. Lại thêm Hoàng Su Phì là nơi có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với địa hình chủ yếu là núi đất san sát, trùng điệp, có độ dốc vừa phải, độ rộng lớn và đều, vì thế đã góp phần tạo nên những triền ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam.

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến đây đã không khỏi thích thú, ngạc nhiên và thán phục trước một kỳ quan tuyệt đẹp, một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo, một di sản thấm đẫm tinh hoa văn hóa, trí tuệ, phong tục, tập quán từ ngàn đời của người dân địa phương. Mỗi mùa, mỗi vụ, ruộng bậc thang lại có một vẻ đẹp riêng, lúc thì chảy tràn một màu vàng rực rỡ vào mùa thu hoạch lúa, khi lại trùng điệp một màu xanh mơn mởn của lúa đang thì con gái, hoặc trắng bàng bạc màu nước nếu các cánh ruộng vào mùa ngâm ải đất… Nó thực sự xứng đáng là một Di sản Quốc gia, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và là điểm nhấn trên bức tranh cảnh quan đa sắc màu về một vùng cao biên giới.

Với việc công nhận Di tích và Danh thắng cấp Quốc gia cho ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thì đây là lần thứ hai ngành văn hóa Việt Nam tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của ruộng bậc thang. Trước đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng đã được công nhận Di tích Quốc gia. Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang, ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì được công nhận là Di tích Quốc gia sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch, hứa hẹn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mang giá trị văn hóa và giá trị thẩm mỹ đặc sắc.

Hiện Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang cùng UBND huyện Hoàng Su Phì đang có những kế hoạch dài hơi nhằm phát huy thế mạnh này. Sở sẽ đầu tư nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vật chất, đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận xây dựng các tuyến du lịch liên thông với Bắc Hà (Lào Cai); Mù Cang Chải - Trạm Tấu (Yên Bái), Công viên Địa chất Đồng Văn - Mèo Vạc… nhằm quảng bá và giới thiệu ruộng bậc thang - công trình lao động sáng tạo vĩ đại của cộng đồng các dân tộc vùng cao của Việt Nam ra thế giới!   

Huyền Thanh


Ý kiến của bạn