Thôn Xuân An (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được xem như một “ốc đảo” nằm lạc lõng, chênh vênh bên dòng sông Rù Rì (hay sông Ly Ly) vốn nổi danh là ngắn, dốc và khúc khuỷu bậc nhất của Quảng Nam. Nhiều đời đã qua đi, hàng ngàn người dân “ốc đảo”vẫn hằng ngày đi làm, đi chợ, thậm chí đi học đều phải lội (cả bơi) theo lối mòn dưới lòng sông để sang bờ bên kia với khát vọng thoát nghèo...
Cả làng phải lội sông (?)
Chúng tôi về thôn Xuân An vào một buổi chiều chủ nhật những ngày cuối năm Nhâm Thìn 2012. Cơn mưa lất phất chiều cuối đông càng làm tăng thêm cái lạnh mướt. Đoạn đường từ trung tâm xã đến thôn Xuân An chỉ cách nhau có 4 cây số, nhưng để sang bên kia thôn Xuân An, chúng tôi phải xuôi theo con đường bê tông nhỏ ngoằn ngoèo, đất đỏ nhầy nhụa, rồi đạp lên mớ hỗn độn lởm chởm dưới chân, vạch lá cây, bụi rậm.
Khúc sông chỉ rộng có hơn 300m nhưng tự bao đời nay, hơn 1.000 người dân “ốc đảo” muốn đi làm, đi học, đi ra trung tâm xã đều phải lội bộ qua sông.
Trước đó, trên đường dẫn chúng tôi đi, ông Lê Công (53 tuổi, trú tại tổ 4, thôn Xuân An) vừa đi vừa nói cười: “Tụi con về thôn Xuân An mà đi xe gắn máy thì không đi được rồi… Thôn đâu có đường, có cầu mô mà xe máy đi qua. Ngay cả mấy chú ở đây lội bộ qua sông còn thấp thỏm lo sợ nữa. Thôi, lỡ đi rồi thì đến bên này sông gởi xe máy nhà dân rồi lội bộ qua”.
Theo lời chỉ dẫn, khi đến khúc sông, chúng tôi tìm một nhà dân để gửi trông giúp chiếc xe máy. Nhà cửa ở nơi này cũng hoang vắng nên khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một ngôi nhà dân. Rồi ông Lê Công dẫn chúng tôi đến khúc sông để lội qua bên kia thôn Xuân An. Chúng tôi trăn trở: “Ủa! Chú ơi! Đường đi sang bên kia thôn ở đâu mà cháu chả thấy gì cả?... Như thế này sao đi được hả chú! Không nhìn thấy được đáy sông lỡ sụp xuống hố sâu thì mất mạng như chơi đó ạ!”. Ông Lê Công chỉ tay xuống lòng sông Rù Rì rồi nói: “Đường đi hả cháu! Kia kìa! Cứ men theo con đường đất nhỏ này xuống sông rồi chú dẫn qua. Ở đây, mấy chú đi quen rồi có hề gì đâu”.
Thấy chúng tôi có vẻ sợ sệt, anh Nguyễn Văn Tư (35 tuổi, người cùng thôn) cho biết thêm: “Cả thôn hầu như nhà nào cũng làm ruộng bên này hết. Thành ra ngày nào trên khúc sông này cũng có hàng chục lượt, thậm chí hàng trăm lượt người dân lội bộ qua sông để làm ruộng. Khổ nhất là mỗi lúc sạ lúa hay thu hoạch. Sạ phải khiêng từng thúng giống, gặt lúa lại đội từng bao nhỏ trên đầu, thậm chí thuê thuyền vận chuyển. Mùa nắng còn đỡ bội phần, vào mùa mưa thì nguy hiểm lắm! Nước sông Rù Rì dâng cao, ngập trắng xóa, không phân định được đâu là bờ và nước cũng chảy rất xiết nhưng người dân cũng phải liều mạng lội qua sông để đi làm đồng chứ biết làm sao được. Đi vài lần sẽ có kinh nghiệm nên biết né tránh những chỗ sâu, chỗ nguy hiểm, nước chảy xiết” - anh Tư chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tư ngày nào cũng phải lội qua sông để thăm đồng.
Khổ nhất và nguy hiểm khôn lường khi chúng tôi nghe ông Lê Công nói về chuyện con trẻ phải lội sông đi học vào mùa nắng (khi nước sông cạn). Tính theo đường chim bay thì khoảng cách từ nhà đến trường của các em chỉ cách có 6km. Điều này có nghĩa là muốn đi đến trường nhanh và khỏe đôi chân thì các em phải lội bộ qua sông, có khi ba mẹ cõng qua sông cho kịp buổi học. Còn mùa mưa, các em phải đi ngược xuống thôn khác để đi qua cầu Máng thủy lợi cũ nát rồi lại đi ngược lên vị trí này ở bên kia sông để đi học cũng mất trên 12km. Em Tuấn, một học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (đóng tại trung tâm xã) hồn nhiên nói: “Trời nắng, nước cạn thì chúng em rủ nhau cởi quần dài, mặc quần đùi lội sang sông. Nếu nước lớn thì nhờ anh chị hay ba mẹ cõng qua sông ạ. Mùa mưa thì đi bộ xa lắm, mỏi cả chân, đến trường lúc nào cũng chậm trễ hết ạ”.
Cũng tại khúc sông này, nhiều năm đã qua đi, ông Công không thể quên được những ám ảnh kinh hoàng về những phận người kém may mắn nằm lại nơi đây khi cố gắng lội qua sông bị nước lũ cuốn trôi. Ước tính đã có đến 5 cái chết thương tâm từng xảy ra trên khúc sông này trong vòng chục năm qua.
Khoảng cách từ bên này thôn Bình An sang bên kia thôn Xuân An bị ngăn cách bởi dòng sông Rù Rì hơn 300m. Nhiều khi muốn sang bên trung tâm xã để mua vật liệu xây nhà hay vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn thì người dân đành “bó tay”, phải lên tận thị trấn Đông Phú của huyện bạn (Quế Sơn) để mua mặc dầu giá cả miền trung du có phần đắt đỏ hơn miền đồng bằng.
Theo những người dân thôn Xuân An, thật ra người dân thôn Xuân An vẫn còn một con đường khác để đi bằng xe máy, xe đạp sang bên kia trung tâm xã nhưng chỉ có thể đi vào mùa nắng ráo mà thôi, mùa mưa thì “bó tay”. Đó chính là con đường đi vòng qua cây cầu Máng thủy lợi cách thôn Xuân An chừng 5km về phía Đông. Nhưng đi bằng con đường này lòng vòng rất xa. Thêm nữa, cây cầu Máng chỉ phục vụ cho thủy lợi, làm đã rất lâu rồi, xuống cấp nghiêm trọng, rộng chưa đến 1m, thành lan can đã sụp gãy, rất nguy hiểm, không thuận lợi cho phục vụ đi lại nên người dân ít dám đi.
Mong ước một cây cầu nối đôi bờ
Theo ông Trương Văn Chạy - Trưởng thôn Xuân An cho biết, hiện nay, cả thôn có trên 360 hộ dân với tổng số hơn 1.000 nhân khẩu, hầu hết đều là những hộ khó khăn bám víu vào mấy sào ruộng bên kia thôn Bình An để sống qua ngày. Việc sạ, gặt, cấy, bón phân, phun thuốc hay thậm chí đi thăm đồng hằng ngày cũng đều băng qua khúc sông này.
Người dân thôn Xuân An đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên trong các buổi tiếp xúc cử tri. Những trăn trở của người dân đã được cấp trên thấu hiểu, nhưng do kinh phí xây dựng một cây cầu vượt quá khả năng của xã. Xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên.
Ông Lê Công chỉ mong sao đến ngày thôn nghèo có một cây cầu nối đôi bờ nhịp vui.
Theo những gì ông Trà Tấn Trúc - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc thông tin, vào giữa năm 2011, tin vui đến với người dân thôn Xuân An khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau khi về khảo sát đã hứa xây dựng 1 cây cầu bắc ngang qua hai thôn Xuân An và thôn Bình An với kinh phí khoảng gần 40 tỉ đồng. Để tạo điều kiện cho nhà tài trợ, địa phương đã trích ngân sách 43 triệu đồng cho việc di dời mồ mả, đất đai, san ủi mặt bằng, chặt, phát quang cây cối để tạo không gian cho việc mở đường xây cầu. Thế nhưng, mặc dầu mặt bằng đã có, trải qua hơn 2 năm nhưng dự án xây dựng cây cầu vẫn chưa được nhà đầu tư xúc tiến.
Cuộc sống của hơn 360 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu trên “ốc đảo” Xuân An đang bị đe dọa từng ngày, nhất là khi vào mùa mưa lũ. “Khát” một cây cầu bắc qua sông Rù Rì luôn là khát khao bao đời nay của những người nông dân “chân lấm tay bùn” nơi đây. Họ chỉ có thể mơ chứ không dám nghĩ đến ngày thôn nghèo sẽ có cầu sang “thế giới bên kia” để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và trên hết là nối đôi bờ nhịp vui.
Bài và ảnh: Hà Kiều
Khi hỏi về mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây, ông Lê Công tâm sự: “Mong gì à! Chú sống chừng này tuổi rồi chẳng mong gì cho mình đâu, chỉ tội nghiệp cho lũ trẻ. Mong sao vào một ngày nào đó, thôn sẽ có một cây cầu bắc qua để con em mỗi ngày đến trường không phải lội sông với bao hiểm nguy. Mong sao có cầu sẽ tiếp thêm ước mơ đổi đời nơi vùng “ốc đảo” nghèo khó này”. |