Ðộc đáo “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”

08-08-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là dự án âm nhạc phi lợi nhuận được sáng lập bởi một nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Hà Nội.

“Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là dự án âm nhạc phi lợi nhuận được sáng lập bởi một nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Hà Nội. Từ đầu tháng 07/2014, dự án này đã được triển khai với 10 buổi học trên lớp có tên “Chèo khám phá”. Tối 9/8 tới đây, “Chèo khám phá” sẽ khép lại bằng đêm Gala tổng kết tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Chèo 48h”

Dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” (tổ chức phi lợi nhuận của các sinh viên) cùng với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là dự án đầu tiên của giới trẻ làm về nghệ thuật chèo dân gian với mong muốn góp phần hỗ trợ các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật chèo, mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ.

Một buổi học “Chèo khám phá” của các học viên “Chèo 48h”.

Một buổi học “Chèo khám phá” của các học viên “Chèo 48h”.

Khi mới nghe tên gọi “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” hẳn nhiều người nghĩ ngay tới việc dự án này sẽ được thực hiện trong 2 ngày, tức là 48 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đó là hiểu về nghĩa đen, thực tế “Chèo 48h” kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ ngày 1/7/2014.

Nguyễn Ngọc Ánh – Trưởng nhóm “Chèo 48h” cho biết, dự án đã thu hút hơn 30 bạn trẻ là học sinh, sinh viên tham gia. “Chèo 48h” có 2 giai đoạn: “Chèo khám phá” với 10 buổi học trên lớp, các học viên được tiếp xúc, trò chuyện với các nghệ sĩ lành nghề như thạc sĩ Lê Tuấn Cường - đạo diễn tại Nhà hát Chèo Việt Nam; nghệ sĩ Khương Cường (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy âm nhạc dân tộc) và các giảng viên của Trường ĐH sân khấu điện ảnh. Giai đoạn “khám phá” hướng tới mục đích giáo dục, cung cấp kiến thức cần thiết nhằm nâng cao sự hiểu biết về chèo dân gian cho các học viên; đặc biệt là các bạn trẻ được học hát, học múa các trích đoạn chèo kinh điển như Xã trưởng mẹ Đốp, Hề Mồi thắt lưng xanh... Sau đó là “Chèo trải nghiệm”, các bạn trẻ có chuyến đi thực tế đến cái nôi của nghệ thuật sân khấu chèo nước nhà - làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Theo nghệ sĩ Khương Cường: “Chèo 48h” đáng trân trọng và đặc biệt so với các dự án âm nhạc khác ở chỗ: được thực hiện bởi các bạn trẻ hoàn toàn không dính líu gì đến chuyên môn âm nhạc hoặc giới nghiên cứu. Thực tế ai cũng biết, thế hệ trẻ hiện nay đa số đang chạy theo những loại hình âm nhạc thời thượng, hiện đại, còn những bạn trẻ như “Chèo 48” rất hiếm”.

Lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc

Đến với một buổi học của “Chèo 48h” trong giai đoạn “Chèo khám phá” thấy hầu hết các bạn trẻ đều có niềm đam mê, tình yêu lớn với nghệ thuật chèo. Các bạn say sưa tập luyện, tìm hiểu, trao đổi về chèo với các giảng viên, cố vấn. Tuy thời gian rất ngắn nhưng bằng sự trải nghiệm, tự khám phá, kết hợp việc tiếp thu kiến thức của các giảng viên là những người làm nghề; các bạn trẻ đã hiểu được về chèo nhiều hơn so với trước đây và cũng yêu mến chèo hơn bao giờ hết.

Bạn Giáp Trọng Đức (ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho biết: “Em được tìm hiểu về nhân vật xã trưởng trong trích đoạn Xã trưởng mẹ Đốp, từ đó thấy ở chèo có tính phản ánh những vấn đề nổi cộm của xã hội”. Bây giờ đi đến đâu, ở phòng trọ, Đức vẫn thường lẩm nhẩm những câu chèo vừa được học trên lớp.

Đối với Nguyễn Ngọc Ánh, trước khi tham gia lớp học, đã từng tiếp xúc với nghệ thuật hát chèo, Ánh thấy chèo rất khó hiểu, đặc biệt về ngôn ngữ, cách hát. Trước đây, khi nghe chèo, Ánh thường cảm giác khó hiểu vì ngôn ngữ chủ yếu là từ Hán Việt, từ ngữ cổ, đậm chất trào phúng. Tuy nhiên, “chỉ sau 5 buổi lên lớp của “Chèo 48h”, được các thầy cô là những nghệ sĩ trong nghề chỉ dạy, lại được tự do khám phá về chèo, em “vỡ” ra được nhiều điều. Ngọc Ánh khi tham gia “Chèo 48h” đã học được những giá trị văn hóa truyền thống, thấy cái hay cái đẹp của chèo nên Ánh luôn muốn truyền tải giá trị của chèo nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung đến mọi người xung quanh. Ánh nói: “Về nhà là em hát cho bố mẹ nghe, trong các buổi sinh hoạt văn nghệ có sự góp mặt của các bạn nước ngoài, em cũng luôn hát chèo để các bạn quốc tế biết Việt Nam có những thể loại âm nhạc truyền thống đặc sắc đã và đang tồn tại với thời gian”.

Và đêm Gala nhiều hứa hẹn

Đêm Gala tổng kết giai đoạn “Chèo khám phá” của “Chèo 48h” tại đình Kim Ngân tới đây sẽ có sự góp mặt của nghệ sĩ Khương Cường, NSƯT Quang Vinh; NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Xuân Hinh, đạo diễn Lê Tuấn Cường... Các học viên sẽ báo cáo thành tích với mọi người bằng cách vào vai các trích đoạn Xã trưởng mẹ Đốp, Hề mồi thắt lưng xanh. Đêm Gala không chỉ có hoạt động của “Chèo 48h” mà còn có sự kết nối, lan tỏa không gian nghệ thuật dân tộc bằng cách ban tổ chức có các tiết mục hát quan họ, hát xẩm, múa dân gian, khu trò chơi dân gian do các bạn trẻ biểu diễn.

Đặc biệt, nghệ sĩ Khương Cường cho biết, toàn bộ tiền vé của chương trình “Gala Chèo 48h” và tiền ủng hộ của khách tham dự sẽ được sử dụng để góp phần xây dựng quỹ phát triển âm nhạc truyền thống. Đó cũng là cách các bạn trẻ và những người thực hiện góp thêm giá trị vật chất để đưa âm nhạc truyền thống nước nhà tươi sáng hơn trước sự xâm nhập của nhiều “cơn bão văn hóa” thiếu lành mạnh trong đời sống xã hội đương đại, trong đó có âm nhạc truyền thống bị bão hòa, nhạt mờ...   

    Phạm Quỳnh

 


Ý kiến của bạn