Tủ lạnh không có khả năng diệt khuẩn mà chỉ có tác dụng trì hoãn sự tăng trưởng của vi khuẩn
Có lẽ, “bạn chí cốt” của mấy bà nội trợ là... cái tủ lạnh và tấm thớt bởi nếu thiếu 2 thứ này thì “công cuộc” chế biến thức ăn ở nhà bếp sẽ hết sức khó khăn. Thế nhưng đôi khi trổ tài nấu nướng, các bà nội trợ cũng vô tình rước bệnh cho chính mình và gia đình từ 2 vật dụng thân thiết nói trên.
Vi trùng dễ tá túc ở thớt
Vệ sinh thớt là việc bảo vệ sức khỏe một cách thiết thực nhất. Những loại vi khuẩn “quen mặt” như Salmonella, E.coli thường nằm lại trên thớt sau khi sử dụng. Theo các chuyên gia về y tế thì trong nhà nên có nhiều tấm thớt với nhiều màu sắc khác nhau và sử dụng cho những nhóm thực phẩm khác nhau. Thí dụ như thớt màu đỏ thì dùng để cắt thị bò, thịt heo; thớt màu trắng thì để cắt thịt gà vịt; thớt màu xanh thì dùng để cắt rau cải, trái cây và không bao giờ xài lẫn lộn. Vì có thể xảy ra nhiễm trùng chéo, ví dụ như sau khi cắt gà vịt mà rửa thớt không kỹ thì vi khuẩn sẽ nằm ở đó đến khi cắt rau cải thì rau cải sẽ bị nhiễm trùng.
Để rửa sạch thớt bằng nhựa thì nước rửa chén vẫn là lựa chọn số một và sau khi rửa thì nên tráng lại bằng nước sôi. Nếu rửa thớt bằng gỗ thì nên dùng bàn chải và để thớt dưới vòi nước nóng chà rửa cho kỹ. Có thể dùng giấm ăn để rửa thớt hoặc có thể dùng nước ôxy già. Một số người dùng thuốc tẩy nhưng phương pháp này cần phải rửa thớt lại bằng nước sạch thật kỹ.
Khi sử dụng thớt đừng nên quá... hà tiện. Khi thớt đã cũ, có nhiều vết cắt thì cần phải mạnh tay quăng vào thùng rác vì những vết cắt này lâu ngày trở thành rãnh, là nơi vi khuẩn dễ ẩn náu nhất. Làm vệ sinh thớt thôi cũng chưa đủ mà còn phải lau chùi thật sạch mặt bàn nơi đặt thớt. Nên rửa mặt bàn bằng nước nóng hoặc lau bằng các dung dịch sát trùng.
Tủ lạnh có thể là ổ… vi trùng
Tủ lạnh là nơi dễ bỏ ngỏ cho vi trùng nhất vì người ta thường nghĩ nơi đó là an toàn. Nên nhớ tủ lạnh không có khả năng diệt khuẩn mà chỉ có tác dụng trì hoãn sự tăng trưởng của vi khuẩn mà thôi. Vì vậy, nếu tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm có thể làm cho bạn bị bệnh vì ngộ độc thực phẩm.
Nhiệt độ trong tủ lạnh cũng rất quan trọng, nên điều chỉnh ở nhiệt độ 1-4 độ C. Nhiệt độ này không những làm cho thực phẩm tươi mà còn kìm hãm sự sinh trưởng của vi khuẩn. Vi khuẩn nổi tiếng nhất tá túc trong tủ lạnh là Campylobacter gây rối loạn hệ tiêu hóa. Vi khuẩn này lại có thêm một bạn đồng hành nữa là E.coli. Gà vịt là những loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Sữa chưa tiệt trùng, thịt nấu chưa chín, nước ép trái cây, rau cải cũng rất bị dễ nhiễm E.coli.
Nên hạn chế thời gian mở tủ lạnh, mở ra lấy thực phẩm xong thì phải đóng lại ngay nhằm tránh không khí tràn vào làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh. Nhiệt độ có khi tăng lên tới 5 độ C chỉ trong vòng một phút. Sự tăng nhiệt độ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Nên kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh mỗi tuần 2 lần để bảo đảm tủ lạnh chạy đúng nhiệt độ mà bạn đã cài đặt. Ngăn lạnh nhiệt độ lý tưởng là 1-4 độ C và ngăn đá nhiệt độ phải dưới -18 độ C (độ âm).
Luôn luôn giữ thịt sống ở ngăn đáy của tủ lạnh nhằm ngăn ngừa máu hoặc dịch từ miếng thịt sống rơi vào những loại thực phẩm khác. Đừng bao giờ bảo quản chung thịt đã nấu với thịt chưa nấu. Thịt sống chưa nấu phải bỏ riêng vào một hộp nhựa và để ở ngăn đáy tủ lạnh.
Cũng cần tuân thủ nguyên tắc “vô trước, ra trước”, nghĩa là thực phẩm nào mua trước thì cần nhớ mà sử dụng trước. Cũng đừng quá tham công tiếc việc mà đi chợ một lần, mang về một núi thực phẩm rồi nhét hết vào tủ lạnh, làm như vậy vi khuẩn dễ phát sinh và nhiệt độ tủ lạnh cũng sẽ tăng lên.
Cần làm vệ sinh thường xuyên bên trong lẫn bên ngoài tủ lạnh. Dù rằng bên ngoài bóng bẩy nhưng bên trong có thể là triệu triệu vi khuẩn đang tá túc, nhất là khi thực phẩm đã hư, thối do để quá lâu. Những loại thịt sống rất dễ bị dính vi khuẩn Salmonella.