Chủ xe khai do khó khăn trong đăng kiểm
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường.
Lực lượng CSGT đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.
Trong số này, không ít trường hợp vi phạm là xe chở khách, quá hạn đăng kiểm rất lâu nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường.
Đơn cử như qua kiểm tra ô tô khách đang chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, lực lượng chức năng kiểm tra thì bất ngờ phát hiện phương tiện sử dụng tem kiểm định giả.
Hay trường hợp phát hiện ô tô khách đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh) sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giả, không có dữ liệu trong hệ thống đăng kiểm.
Gần đây nhất, Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện một lái xe đầu kéo vi phạm chở hàng vượt quá chiều cao, sử dụng Giấy chứng nhận đăng kiểm giả.
Quá trình làm việc, các chủ xe đã thừa nhận do phương tiện hết hạn đăng kiểm và khó đăng kiểm nên chủ xe đã mua bộ giấy tờ giả nêu trên để tiếp tục sử dụng hoạt động kinh doanh vận tải.
Trước tình trạng liên tiếp phát hiện ô tô dùng tem đăng kiểm giả lưu thông trên đường, Cục CSGT mới đây đã phát đi cảnh báo khẩn. Đại diện Cục CSGT cho biết việc dùng tem đăng kiểm giả là hành vi rất nghiêm trọng.
Cục CSGT nhấn mạnh, trường hợp phương tiện gặp tai nạn giao thông trên đường mà nguyên nhân liên quan tới yếu tố kỹ thuật thì chủ xe cũng bị ảnh hưởng trách nhiệm liên đới. Đặc biệt, với các tài xế xe khách cố tình sử dụng đăng kiểm giả là hành vi coi thường tính mạng của hành khách.
Cần phải xử lý nặng
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông. Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn, khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.
Về mức phạt, luật sư Nguyễn Văn Đoàn cho biết tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 100 quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm.
Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ô tô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (khoản 8 Điều 30).
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu như hành vi phạm tội có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, thì mức xử phạt sẽ là cao hơn cả về mức phạt tiền lẫn thời gian phạt tù. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm tù.
"Việc doanh nghiệp vận tải, tài xế sử dụng phương tiện quá hạn đăng kiểm, cố tình dùng tem giả để lưu thông cần phải xử lý nặng để ngăn chặn những vụ tai nạn rất nghiêm trọng có thể xảy ra", vị luật sư nhấn mạnh.