Ô tặc cốt chứa muối calci dưới thể carbonat, phosphat, sulfat), các chất hữu cơ và chất keo. Theo Đông y, mai mực vị mặn, tính ôn, vào kinh can và thận. Có tác dụng liễm huyết cầm máu, cố kinh chỉ đới, còn có tác dụng chế ngự chua, hút thấp. Vị thuốc này nghiền thành bột uống có tác dụng tốt hơn là dùng thuốc sắc.
Ô tặc cốt được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Liễm huyết cầm máu:
Bài 1: Thang cố xung: ô tặc cốt 16g, xuyến thảo 8g, tông thán 6g, ngũ bội 6g, long cốt 12g, mẫu lệ 12g, địa du 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng khi đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, phụ nữ băng huyết, chảy máu phổi, dạ dày.
Bài 2: ô tặc cốt, phấn hoa tùng, liều lượng bằng nhau. Nghiền riêng từng vị, rây, trộn đều, thêm ít băng phiến, rắc lên vết thương, ấn hay buộc chặt. Trị chảy máu do chấn thương.
Giảm chua, giảm đau: Dùng khi loét dạ dày, tá tràng, ợ chua dạ dày quá nhiều, đau dạ dày.
Bài 1: ô tặc cốt 8 phần, diên hồ sách 1 phần, khô phàn 4 phần. Các vị nghiền chung thành bột mịn, thêm 6 phần mật làm hoàn. Ngày 3 lần, mỗi lần 12g, uống sau bữa ăn.
Bài 2 - Bột ô bối: ô tặc cốt 85%, bối mẫu 15%. Các vị nghiền thành thuốc bột. Mỗi lần uống 4g, uống trước bữa ăn.
Thu thấp, thu mụn nhọt:
Bài 1: ô tặc cốt, liều lượng vừa đủ, nghiền thành bột mịn, đắp vào chỗ đau (người có hoả độc nhiều thì thêm hoàng bá, hoàng liên). Dùng khi loét lâu không lành.
Bài 2: ô tặc cốt, băng phiến. Các vị nghiền thành bột thật mịn. Chấm lên khoé mắt. Trị kéo màng.
Cố kinh chỉ đới:
Bài 1: ô tặc cốt 63g, than quán chúng 30g, tam thất 8g. Các vị nghiền chung thành bột mịn. Mỗi lần 12g, chiêu với nước đun sôi. Trị bạch đới.
Bài 2: ô tặc cốt 16g, lộc giác sương 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, bạch chỉ 12g, bạch thược 12g, bạch vĩ 12g, mẫu lệ 12g, sơn dược 16g. Các vị nghiền thành bột, làm hoàn. Mỗi lần 8g, ngày uống 8 - 12g hoặc sắc uống. Trị xích bạch đới.
Kiêng kỵ: Người âm hư nhiệt nhiều không được dùng ô tặc cốt.
Uống thuốc quá lâu, uống nhiều dễ bị táo bón, nên dùng thêm thuốc nhuận tràng.