Rắn làm ổ trong điều hòa
Chiều 22/5, anh Nguyễn Duy Tân (28 tuổi, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đến bảo dưỡng điều hòa tại nhà một người dân cùng xã. Nữ chủ nhà nói nghi ngờ có rắn bên trong điều hòa khi liên tục nghe thấy những âm thanh kỳ lạ. Trước đó, người này cũng trông thấy đuôi rắn thò ra, tỏ ra vô cùng kinh hãi. Đây là một căn nhà cấp 4, nằm cạnh một bãi đất trống, cây cỏ mọc dại nhiều", anh Tân miêu tả.
Người thợ kiểm tra thiết bị, phát hiện bên trong có 4 con rắn màu xanh, không rõ chủng loại, đang bò lổm ngổm. Anh vội dùng kìm và các thiết bị, đứng từ xa kẹp rắn ra ngoài rồi giết chúng ngay dưới sàn nhà. Sau đó, anh đăng tải đoạn video "bắt rắn" lên mạng xã hội nhằm cảnh báo khách hàng, đã thu hút sự quan tâm của người dùng mạng.
Theo TS Trần Thanh Bình, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí, ngoài rắn, một số loài động vật khác có thể chui vào điều hòa như: gián, thằn lằn, chuột,… gây chập thiết bị, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người. Chúng thường chui qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt không bịt lỗ này bằng vữa (hoặc cao su non), theo đường ống thải hoặc cửa thông gió điều hòa.
"Các loại động vật máu lạnh thích chỗ ấm nóng, nên khi bật điều hoà chiều lạnh nhà không có muỗi. Nếu không làm kín lỗ xuyên qua tường, mùa đông trong nhà ấm hơn các động vật máu lạnh sẽ chui vào ẩn náu", TS Trần Thanh Bình nói.
Khi có tiếng động lạ, người dân không nên tự động mở nắp điều hòa, dẫn đến bị rắn cắn và giật điện. Thay vào đó, người dân cần ngắt điện, gọi thợ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Họ sẽ có cách để mở và sửa chữa bằng các dụng cụ an toàn.
Người tiêu dùng nên bảo dưỡng điều hòa định kỳ 4-5 tháng/lần, vệ sinh dàn nóng, cục lạnh, chặt bớt cây cối rậm rạp xung quanh nhà. Đặc biệt người dân không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa quá gần mái nhà, cây xanh. Đồng thời khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước vào dàn điều hòa, người thợ phải kiểm tra lại khe hở tại vị trí đó. Đồng thời dùng tấm chắn mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở nhằm tránh những loài vật như chuột, rắn,... bò vào nhà qua đường này.
Với những gia đình có cây cối rậm rạp, chuyên gia nói không nên lắp đặt ống thoát nước thải điều hòa sát mặt đất (nếu thấp thì nên bọc lưới kẽm ở đầu ống). Chủ nhà thường xuyên dọn dẹp, làm sạch cây cối để đảm bảo không có rắn, rết trú ngụ.
Vị trí lắp giàn nóng phù hợp
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, giàn nóng là nơi rất nhiều gia đình "bỏ quên" nên nguy cơ bị côn trùng làm tổ bên trong rất cao, đặc biệt vào các tháng mùa đông khi máy ngừng hoạt động.
Đặt giàn nóng phơi mưa nắng ngoài trời là thói quen sai lầm phổ biến nhiều người mắc phải. Khi lắp đặt dàn nóng điều hòa ngoài trời nhưng không được che chắn mà thường xuyên bị dầm mưa, nắng chiếu quanh năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho dàn nóng dễ hư và người dùng lại phải tốn chi phí sửa chữa. Ngoài ra, việc lắp đặt cục nóng ở ngoài trời, nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào sẽ làm tăng nhiệt độ của cục nóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điện năng tiêu tốn nhiều hơn, tuổi thọ điều hòa rút ngắn đi do cục nóng điều hòa phải làm việc liên tục.
Mặc dù nhiều hãng sản xuất liên tục tung ra các công nghệ cũng như kiểu thiết kế để giúp dàn nóng điều hòa chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Và dàn nóng cũng được thiết kế để lắp đặt ngoài trời. Tuy vậy, việc lắp đặt dàn nóng điều hòa mà không có mái che phơi mưa, nắng ngoài trời quanh năm là không nên.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, vị trí lắp đặt dàn nóng tốt nhất là ở các lô gia của chung cư, sân thượng có mái che, ban công của phòng... Là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Vị trí lắp đặt dàn nóng điều hòa nên cách tường ít nhất 10cm, và đặt ở nơi không có vật cản phía trước cũng như những nơi có hướng gió thổi thường xuyên để quạt có thể thoát hơi nóng ra ngoài một cách hiệu quả nhất.
Vị trí đặt dàn nóng cần tránh hướng gió thổi vuông góc trực tiếp quá mạnh vào cánh quạt, vì sẽ ảnh hưởng đến sức cản lớn cho tốc độ quay của quạt, gây nên tình trạng lãng phí điện năng đáng tiếc. Mặt ngoài của dàn nóng phải cách tường ít nhất 1m để tránh tình trạng quẩn gió. Nếu gió nóng thổi ra ngoài rồi lại đẩy ngược lại vào bên trong để làm lạnh thì sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng. Do đó, nếu muốn tìm vị trí vừa mát, có mái che cho dàn nóng… thì phải lưu ý hướng gió thổi của dàn nóng.
Khi sử dụng máy lạnh, dù trời có nắng nóng khốc liệt cũng không nên bật điều hòa 24/24 do điều hòa có thể bị quá tải và ngừng hoạt động để tự bảo vệ. Đối với dòng máy biến tần, máy có thể vẫn hoạt động nhưng tốc độ máy nén giảm, năng suất lạnh giảm, không đảm bảo nhiệt độ tiện nghi cài đặt trong nhà.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, máy điều hóa nói chung đều có giới hạn nhiệt độ ngoài nhà. Giới hạn cho phép thường là 30 đên 53 độ C. Khi mua máy điều hòa nên chọn máy có nhiệt độ ngoài nhà phù hợp với địa phương lắp đặt. Ví dụ nếu chọn máy có giới hạn làm việc là 38 độ C thì khi nhiệt độ ngoài nhà lên đến 39 độ C là máy ngừng làm việc. Điều này rất ít người để ý.
Ngoài ra nên chạy máy trong khoảng 3-4 tiếng thì lại ngừng 1 tiếng để máy nghỉ và thông gió cho phòng rồi lại chạy tiếp, ngoại trừ ban đêm khi ngủi. Nên vệ sinh phin lọc gió trong nhà thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Khi sử dụng điều hòa nên lưu ý không cài nhiệt độ quá thấp, giữ cho phòng kín nhưng vẫn đảm bảo có gió tươi bằng cách kết hợp quạt điện. Khi tăng nhiệt độ điều hòa lên 1 độ C đồng nghĩa sẽ tiết kiệm được khoảng 10% điện năng tiêu thụ. Việc vệ sinh thường xuyên máy giúp tiết kiệm năng lượng vì khi dàn sôi bẩn, nhiệt độ sôi giảm và dàn nóng bẩn làm cho nhiệt độ ngưng tăng khiến tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Thông thường 2 tuần thì vệ sinh pin lọc trong nhà 1 lần. Mỗi năm vệ sinh dàn lạnh và nóng tổng thể 1 lần, nếu khu vực có nhiều bụi phải vệ sinh 2 lần. Che nắng cho cửa sổ cũng là biện pháp tiết kiệm năng lượng cho điều hòa hiệu quả trong những ngày nắng nóng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
WHO Cảnh Báo Hiện Tượng El-Nino Cực Mạnh Ảnh Hưởng Nguy Hiểm Tới Con Người | SKĐS