Siêu bão Noru được dự báo với cường độ rất mạnh sắp đổ bộ vào đất liền nước ta. Thừa Thiên Huế được dự đoán cũng sẽ chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Để chủ động ứng phó, chính quyền các địa phương trên địa bàn đã xây dựng phương án, triển khai di dời dân cư khu vực nguy hiểm tới nơi tránh trú an toàn.
Trường THCS Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) - là một trong những nơi được chọn làm chỗ tránh trú bão cho người dân tại phường Thuận An suốt nhiều năm nay. Tại đây, đến chiều 27/9, đã có rất đông người mang theo đồ đạc thiết yếu tới để trú bão.
Một mình đội mưa đi bộ đến nơi tránh trú, bà Ngô Thị Con (74 tuổi, trú Tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An) cho biết, vì nhà nhỏ, xuống cấp lại ở sát biển nên mỗi khi có bão là bà phải 'bỏ' nhà để đi.
"Tôi có 4 người con đã lập gia đình. Hiện nay, tôi đang sống trong căn nhà nhỏ ở gần biển. Nhà không có gì giá trị, chỉ bỏ đủ mỗi cái giường nên bão thì khóa cửa, chèn gạch rồi đi tới đây để trú. Bão vào sợ lắm, tôi đã 4 lần đi trú bão liên tiếp rồi. Năm 1985, tại địa phương cũng có bão lớn, tuy nhiên, do thời điểm đó còn bị hạn chế trong việc dự báo nên người dân hết sức bất ngờ, thụ động khi bão đổ bộ vào bờ", bà Con nói.
Tương tự bà Con, bà Nguyễn Thị Yến (72 tuổi, trú phường Thuận An) cũng phải cùng với đứa con gái rời nhà để đi trú bão. Theo chia sẻ của bà Yến, bà đang sống cùng vợ chồng con trai và 1 đứa con gái. Mỗi mùa mưa bão, vì già cả và con gái bị tật nguyền nên để đảm bảo an toàn, 2 mẹ con bà được chính quyền thông báo cần di dời đi tránh bão.
"Những năm trước từng lên đây trú bão nên tôi biết, ở đây là dãy nhà kiên cố nên rất an toàn. Ăn uống thì mình chủ động hoặc thông báo thì sẽ được chính quyền hỗ trợ nên khi tới đây chỉ cần mang một vài đồ đạc đơn giản rồi yên tâm trú chờ hết bão rồi về", bà Yến nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm 'chạy' bão, các cụ già ở đây cho rằng, vì thời gian đi tránh trú bão không dài nên mỗi người cũng không cần chuẩn bị đồ đạc nhiều, chỉ cần những nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động trong sinh hoạt của cá nhân. Đặc biệt, vì ở đây có đông người nên cần có tâm lý thoải và tuân thủ sự quản lý của chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, thầy Lê Văn Duy - Hiệu trưởng Trường THCS Thuận An cho biết: "Để đảm bảo cơ sở vật chất cho người dân tránh trú, chúng tôi đã bố trí 6 phòng học với sức chứa khoảng 200 người. Ngoài ra, chúng tôi đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, gạo, mì tôm, hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo duy trì mọi hoạt động phòng, chống bão, giúp bà con yên tâm trú bão".