Hà Nội

Ở nơi nghị lực vượt đớn đau

16-04-2019 14:43 | Xã hội
google news

SKĐS - “Trong tận cùng đớn đau của thể xác lẫn tinh thần, ánh sáng của khát vọng đã được thắp lên bởi sự chăm sóc sức khỏe tận tình, lòng bao dung, sự yêu thương ấm áp...” - đó là một trong những dòng nhật ký lắng đọng xúc cảm của học sinh đa khuyết tật ở Lớp học đặc biệt mà tôi từng đọc được.

Lớp học ấy còn có tên là Ngôi nhà hy vọng, thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa. Mỗi em đều mang một thân phận, sinh ra đã gánh những thiệt thòi. Sự da diết, khắc khoải, mong chờ được thông thạo con chữ, sống như những người bạn bình thường cùng trang lứa luôn cháy bỏng. Từng buổi học như tích cả vào đó tình thương, trách nhiệm, sự chăm chút tỉ mẩn của lòng nhân ái để ánh sáng hy vọng không bao giờ lụi tắt.

Không có con đường cùng

Cất tiếng khóc chào đời, Nguyễn Hoài Ngân đã đối diện với nghịch cảnh dị tật ở tay, khiếm thính và không nhớ rõ cha mẹ mình là ai. Trong láng máng ký ức tuổi thơ, buổi chiều mưa gió, em được đưa về lớp học đặc biệt, được thầy cô, cán bộ nơi đây đặt tên, phục hồi sức khỏe và dần làm quen với những con chữ đầu tiên. Vết đau sâu cùng những chông chênh dần được xóa nhòa bởi những ấm áp. Ước mơ giản dị của Ngân là “tàn nhưng không phế”, tương lai được làm người chăm và dạy chữ cho trẻ mồ côi.

Mỗi em một khiếm khuyết nhưng vẫn tự tin vươn lên học tập.

Mỗi em một khiếm khuyết nhưng vẫn tự tin vươn lên học tập.

Thường đặt mình trong trạng thái của những học sinh thiệt thòi để trăn trở, sáng tạo cách dạy dỗ, TS. Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Hòa bộc bạch: Lớp học này để lại cho chúng tôi rất nhiều nỗi niềm. Nhiều em ở đây phải mất đến 4-5 năm truyền đạt mới có thể phổ cập xong kiến thức lớp 1. Có học sinh 8 năm mới học xong khung kiến thức lớp 2. Ngoài kỹ năng giáo dục đặc biệt thì mỗi giáo viên cần hội tụ thêm tính nhẫn nại, tình thương, sự thấu hiểu hoàn cảnh con người thì mới có thể bám trụ được. Học sinh được chia ra nhiều nhóm rất khoa học. Nhóm khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ có giáo trình riêng, nhóm tàn tật nhẹ và tàn tật nặng có chương trình riêng. Với những em bị bỏ rơi thì phải vừa dạy chữ vừa vỗ về, động viên, bù đắp những lỗ hổng tình cảm gia đình mà các em đang thiếu hụt để làm sao cho các em thấy được rằng, trong cuộc sống này không có con đường cùng mà còn vô vàn những điều cao đẹp cần vươn đến.

May mắn hơn Ngân, bị khiếm thính, tuổi thơ của Trần Công Bằng được hít hà gò má, đôi tay gian lao của cả cha lẫn mẹ. Nhưng rồi, tâm tư của em lại sớm trĩu nặng khi chính những người sinh thành cũng đều tật nguyền. Vào Lớp học đặc biệt, sống trong không gian đậm đầy yêu thương, Bằng từng ngày tự nhủ với lòng mình và các bạn cùng cảnh phải bỏ lại sau lưng những tự ti, mặc cảm, hướng về phía tương lại ngập tràn hy vọng. Hát hay, làm nòng cốt cho nhiều chương trình văn nghệ của lớp học, khát vọng của Bằng làm nhạc sĩ viết nên những ca khúc về lòng bác ái. Không biết khát vọng ấy bắt đầu từ đâu, có lẽ từ chính khiếm khuyết em đã gánh chịu trên người suốt bao năm qua.

Gắn bó với nhóm trẻ nhỏ nhất, tàn tật nặng nhất, giáo viên Hồ Thị Lệ Hoàng xem mỗi học sinh như một phần máu thịt của mình. Cô Hoàng sẻ chia rằng: Tâm niệm của lãnh đạo lẫn giáo viên ở đây là phải thấu hiểu tận cùng từng hoàn cảnh mình đang dạy dỗ. Muốn thế, phải thật gần các em. Mỗi nỗi đau, phải có một liệu trình riêng để phục hồi. Có em vừa dạy chữ phải vừa dìu đi dạo. Có em vừa mồ côi vừa khiếm thính, khiếm thị, để nhen nhóm khát vọng vươn lên thành người có ích phải áp dụng liên hoàn nhiều biện pháp như: tạo không gian ấm cúng như gia đình, tổ chức các buổi sinh hoạt nói về lòng tin yêu cuộc sống...

Những con chữ nghĩa tình

Hồi tưởng về những ngày tháng tột cùng chán nản cách đây hơn 3 năm, Nguyễn Hữu P. và nhiều học sinh khác ở Lớp học đặc biệt cảm nhận sâu sắc cánh cửa mới đã mở ra với mình. Mỗi trang tập viết đều được hoàn thành trong nhọc nhằn nhưng chứa ẩn nhiều hạnh phúc lớn lao. P. tâm tình rằng: Chúng em đều là người không hoàn thiện. Em 12 tuổi, khuyết tật chân lẫn tai lại không có gia đình và chậm phát triển trí tuệ. Cứ ngỡ cuộc đời những đứa trẻ như em chìm trong tăm tối nhưng từ khi đến lớp học, được thầy cô cầm tay miệt mài luyện từng nét chữ thì bình minh trong tâm tưởng đã bừng lên. Có hôm, để có trang vở đầy phải luyện từ sáng đến đêm rồi thiếp đi trong sự chăm lo, đùm bọc của các cô giáo.

Đi từ đam mê đến thấu cảm những học trò đặc biệt của mình, giáo viên Trần Thị Nga chia sẻ: Hiện, Lớp học đặc biệt có gần 40 em nhưng phân chia nhiều cách dạy khác nhau, làm sao để hiệu quả nhất. Có em bị rối loạn chức năng nhận thức, tự kỷ, cứ thấy chữ, thấy người lạ, tiếng ồn là sợ, khóc lóc, chỉ muốn sống co rúm vào một góc. Không kiên trì đến cùng thì khó giúp các em hòa nhập được cùng các bạn khác.

Ở đây, trước khi luyện chữ còn phải tạo ra năng lượng tích cực, luyện cho các em lấy niềm vui xua đi buồn bã, củng cố cho các em niềm tin vào bản thân, vào xã hội và những người xung quanh mình nữa.

Sau những giờ “đánh vật” với chữ, nhiều chương trình thi vẽ, thi năng khiếu lại được tổ chức vui tươi như một cách tạo ra cảm hứng mới, khơi dậy, bồi dưỡng kịp thời sở thích của mỗi học sinh. Khiếm thị từ lúc lọt lòng, Nguyễn Hà Lan chưa bao giờ có ý nghĩ đầu hàng trước bàn phím chữ nổi. Lan luôn động viên các bạn của mình rằng: Tương lai luôn ở phía trước nếu bản thân không gục ngã. Ở lớp học được trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ cho các nhóm học sinh nên hãy tự tin bộc lộ khả năng của mình.

Mất 3 năm mới thạo hết các chữ cái nhưng cả Lan lẫn nhiều học sinh khiếm thị khác hay ví von, mỗi con chữ như một trời thương nhớ.

Mọi khiếm khuyết thân thể từ lâu đã không còn là nỗi ám ảnh, Lan phấn chấn ước vọng: Rồi các em sẽ cất cánh lên từ lớp học đặc biệt này. Những ngày dài nối nhau lần học từng nét chữ chính là động lực để mình vượt qua mọi gian khó. Nhiều anh chị tật nguyền từ đây đã về TP. Hồ Chí Minh và đi nhiều nơi khác để lập nghiệp và cống hiến.

Cô và trò ở Lớp học đặc biệt.

Cô và trò ở Lớp học đặc biệt.

Sục sôi các ý tưởng

Gặp nhau nhiều lần, lần nào cũng thấy TS. Chu Văn Công sục sôi một ý tưởng mới mà đích đến là tạo dựng cuộc sống tươi đẹp hơn cho các thân phận thiệt thòi trong xã hội.

Nhìn nhiều học sinh tật nguyền với nét hăm hở trước cánh cửa tương lai, ông Công bày tỏ ước vọng: Mong sao sự kỳ thị trong xã hội được xóa bỏ hoàn toàn. Ở đây có cơ sở vật chất và nhân lực rất tốt, các em học chữ ở lớp học đặc biệt xong tiếp tục được học nghề, được giới thiệu việc làm. Vì sức khỏe không như những đứa trẻ bình thường nên công tác chăm sóc y tế rất được chú trọng. Tuy nhiên, các đối tượng này đều theo diện tiêu chuẩn nhà nước xét duyệt kỹ càng rồi đưa vào trong khi còn rất nhiều đứa trẻ tàn tật nhẹ, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ không đủ tiêu chuẩn đưa vào chăm sóc, dạy học miễn phí.

Thấy rõ, nhiều gia đình muốn tự nguyện đưa con em của mình vào để được phục hồi tốt hơn, được học chữ theo phương pháp đặc biệt. Vậy nên, sau nhiều đêm nghiền ngẫm, TS. Chu Văn Công cùng các giáo viên của mình đã xây dựng Đề án Tiếp nhận đối tượng tự nguyện để chăm sóc và đào tạo.

Theo ông Công, trong xu thế phát triển hiện nay, nhất là thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đề án này rất cần thiết. Nhiều gia đình vì bận rộn, không có phương pháp khoa học, chuyên nghiệp vô tình đã không giúp con em mình khôi phục được các khiếm khuyết, khuyết tật mà có khi còn khiến nặng hơn, khó hòa nhập cộng đồng, thiệt thòi rất lớn cho trẻ trong tương lai. Đầu năm 2019, đề án đã được gửi đi nhiều cơ quan ở Khánh Hòa như: Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo... Các cơ quan này đều có phản hồi tích cực, thống nhất với mục tiêu, sự cần thiết và cơ sở lý luận cũng như thực tế để xây dựng đề án.

TS. Lê Văn Hải (chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Tư vấn giáo dục Phương Nam) cũng nhìn nhận: Thời nay rất cần có những cơ sở uy tín, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước đứng ra nhận các đối tượng khuyết tật, tự kỷ theo diện tự nguyện. Ở những đối tượng này, nếu không tiếp cận, truyền dạy đúng phương pháp sẽ tạo nên các tổn thương tâm lý vĩnh viễn. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Mặt khác, chính những lớp học đặc biệt, những không gian đặc biệt đã tác động tích cực vào tâm lý làm thay đổi quan niệm sống và cách nhìn nhận mọi vấn đề của người khuyết tật khi họ hoàn toàn trưởng thành.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn