Hà Nội

Ở nơi đồng khô, cỏ cháy, cừu khát…

25-04-2020 07:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo đánh giá của các Trung tâm khí tượng thủy văn, tại Ninh Thuận tình hình khô hạn đã lan rộng, kéo dài và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Vậy nên, các giải pháp ứng phó nếu không được triển khai khẩn trương, có hiệu quả thì hoa màu, vật nuôi sẽ suy kiệt, kinh tế tụt giảm mạnh, tình trạng thiếu lương thực đe dọa đến chất lượng cuộc sống.

Mong được hết khô

Cả Ninh Thuận có hơn 21 hồ chứa nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất thì nhiều hồ đã cạn khô, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thực tế. Huy động thêm trên 1.000 giếng đào vẫn không đủ giải khát cho hàng trăm cánh đồng hoa màu đang cháy khô.

Chủ trại chăn nuôi Lê Văn Tùng ở xã Phước Thành (Bác Ái) lo lắng: Nước ở các ao nhỏ cũng cạn khô hết. Hạn đến sớm và lan ra khắp huyện, khắp tỉnh nên muốn đi địa phương khác xin nước về cũng không được. 450 hộ chăn nuôi chuyên nghiệp ở Bác Ái kiệt quệ, không có thức ăn cho gia súc.

Có trên 4.000 héc ta hoa màu đã cháy khô, hàng trăm ngàn con gia súc thiếu nước, thức ăn. Các hồ, đập ở huyện Ninh Phước, Ninh Sơn…cuối tháng 3 vẫn còn cầm cự được nhờ vận dụng tưới nước tiết kiệm nhưng đến giữa tháng 4, hầu hết đã cạn khô. Nước sinh hoạt hàng ngày cũng phải san sẻ nhau. Bà Lê Thị Nhung ở xã Phước Trung nhiều ngày nay phải vắt vét từng ca nước trong bồn chứa để sử dụng rè xẻn. Bà Nhung chia sẻ: Nắng quắt người, phải tận dụng nước tắm rửa để cho gia súc uống. Rất cơ cực. Chẳng riêng gì Bác Ái, các xã, nhất là khu vực vùng sâu ở Ninh Sơn cũng chịu chung cảnh ngộ.

Nhiều đồng lúa thu hoạch nhưng sản lượng tụt giảm mạnh vì khô hạn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đồng khô, hồ cạn, đến nước sinh hoạt của người dân để phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng là bài toán nan giải. Toàn tỉnh có 20 nhà máy cấp nước sạch nằm trải đều ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, theo thiết kế phục vụ tốt cho gần 38.000 hộ dân. Thế nhưng các nhà máy này cũng dần khô kiệt do tác động của thời tiết, lượng nước ngầm suy giảm mạnh. Đến giữa tháng 4/2020 việc cấp nước sinh hoạt khó khăn. Để giải hạn trong tình thế cấp bách, Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận phải xin hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) xả qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim dẫn về TP.Phan Rang-Tháp Chàm để xử lý nước thô thành nước sạch cung cấp cho cuộc sống người dân. Nhưng lượng nước ở hồ Đơn Dương cũng đứng trước nguy cơ tụt giảm.

Cần đồng lòng triển khai giải pháp

Theo Trung tâm nước sạch Ninh Thuận, cấp bách là cung cấp nước để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy nước phải lấy thêm từ sông, suối về xử lý. Giờ sông, suối cũng cạn kiệt nên tất cả phải đồng lòng thực hiện các giải pháp cần thiết. Người dân thì tuân thủ sử dụng tiết kiệm, Nhà nước thì đẩy mạnh nạo vét, khơi thông sông, suối, tìm kiếm thêm nước ngầm. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước Phước Đại - Phước Thành; Tà Nôi; Phước Trung.

Các đàn cừu (vật nuôi chủ lực) ở Ninh Thuận vừa thiếu nước vừa khan hiếm thức ăn

Với trên 320.000 con dê, cừu; 120 trang trại chăn nuôi bò, dê, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận khuyến cáo người dân, các chủ hộ chăn nuôi lan tỏa phong trào tiết kiệm nước. Tuyệt đối không tăng đàn, mở rộng trang trại trong thời điểm này. Bên cạnh đó, ở những khu vực hồ đập đã cạn kiệt, đồng cỏ không còn nhiều chủ các trang trại nên xuất bán vật nuôi đã đến tuổi trưởng thành để giảm số lượng. Bên cạnh đó, những vật nuôi có biểu hiện bệnh tật cần xử lý ngay, tránh lây lan.

Đối với trồng trọt, do canh tác, sản xuất theo thói quen nên người dân Ninh Thuận thích trồng cây ngắn hạn, khó thích ứng với biến đổi khí hậu. Lúa thường sản xuất 3 vụ, hiệu quả không cao. Ngành NN&PTNN Ninh Thuận triển khai nhanh các phương án chuyển đổi cây trồng. Với một số diện tích, chỉ sản xuất 2 vụ để đảm bảo đủ nước tưới, có thời gian phơi phóng đất, hoa màu giảm dịch bệnh, năng suất tăng cao. Các loại cây ăn quả phù hợp với thời tiết nóng được trồng thí điểm và sẽ mở rộng để khi hạn hạn khốc liệt, người dân bớt thiệt hại nặng nề.

Cùng với đó, vận động người dân cùng tham gia triển khai các mô hình cánh đồng lớn, đưa máy móc thực hiện tưới tiêu, ứng phó khô hạn. Hiện Ninh Thuận đã có 22 cánh đồng, tổng diện tích khảng 2.619 héc ta, năng suất cao gấp 2 lần canh tác truyền thống nên người dân không lo mất mùa.

Trước tình hình cấp thiết đối phó hạn hán lan rộng, Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU yêu cầu phải vận động nhân dân chủ động dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Cán bộ phải tăng cường đi cơ sở kiểm tra tình hình để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai kế hoạch phòng, chống hạn với mục tiêu “không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.  Có ngay phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng hạn, nhất là hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Đồng lòng, khẩn trương khơi thông dòng chảy các kênh mương, công trình thủy lợi, ao, giếng...Giám sát chặt chẽ vệ sinh dịch tễ gắn với chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống các loại dịch, bệnh thường xuyên xảy ra trên người và vật nuôi trong tình hình khô hạn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, nhất là kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng nước sinh hoạt, tiêm phòng và thu gom, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, rác thải, xác động vật chết. Hướng dẫn người dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn thức ăn, nước uống khi cần thiết; tăng cường nghiên cứu và triển khai các giải pháp tận thu phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, trồng cỏ và một số cây trồng khác để làm thức ăn cho gia súc.


Bài và ảnh Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn