Khói, bụi, tiếng ồn... như tra tấn
Trong những ngày đầu tháng 6, dưới cái nắng chói chang, rẽ vào đường liên thôn, thôn Phước Lâm (xã Ninh Xuân) hai bên đường bụi đất bay mù mịt, các xe tải chở đất đến các lò gạch thủ công chạy rầm rập. Củi, than, mùn cưa và các loại chất đốt đổ tràn ra hai vệ đường. Những căn nhà san sát quanh các lò gạch bụi bám vàng cửa, từ sáng đến tối đóng cửa im ỉm.
Bà Lê Thị Thùy, làm nghề hàng xén ở khu vực này cho biết: Lò gạch hoạt động không kể ngày đêm. Khói quyện với bụi hắt vào mặt chịu không nổi. Mới nhìn thì cứ ngỡ người dân đi vắng nhưng thực chất phải đóng chặt cửa vì sợ mở ra ít phút là bụi bám đầy nhà.
Ngày 9/6, quanh Trạm Y tế xã Ninh Xuân và Trường tiểu học số 1 Ninh Xuân, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cột khói của các lò gạch bay lên đen kịt rồi tỏa ra các khu dân cư, mùi khét lẹt. Nếu vào những ngày mưa thì bùn đất vương vãi khắp các đường liên xã, liên thôn, đời sống càng trở nên bức bối hơn. Theo ghi nhận, trong ngày 8/6, hai lò gạch sát Trường THCS Lý Thường Kiệt (thôn Tân Mỹ) cũng nghi ngút “xông khói” hàng ngàn học sinh ở trường này. Nhiên liệu đốt chủ yếu là gỗ, bột cưa, mùn trấu, phế phụ phẩm công nghiệp... nên càng ô nhiễm hơn. Vào những giờ cao điểm, xe chở đất và nhiên liệu chạy bạt mạng khiến tiếng ồn càng trở nên ám ảnh.
Nhiều người dân đến khám bệnh ở Trạm Y tế xã Ninh Xuân lo sợ cho biết: Cứ như bị tra tấn vậy. Khói từ lò gạch rất độc hại mà cột khói lại thấp thế thì phủ hết xuống khu dân cư. Hàng ngàn người dân nơi đây cứ phải cắn răng chịu đựng. Trẻ con đi học cứ phải trang bị đầy đủ khẩu trang.
Một số hộ dân từng làm lò gạch thủ công ngay giữa khu dân cư nhưng khi chính người thân của mình sức khỏe cũng bị hủy hoại từng ngày đã ngừng hoạt động, chuyển sang chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Bụi và chất đốt vương vãi đầy đường.
Dân kêu nhưng chẳng biết khi nào xóa bỏ được?
Được phân công làm việc với PV Báo Sức khỏe&Đời sống trong ngày 9/6, ông Võ Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, Ninh Hòa, Khánh Hòa khẳng định: “Làm lò gạch thủ công hoạt động bất kể giờ giấc, lại nằm trong khu dân cư nữa nên ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Nào là bụi, tiếng ồn, khói. Người dân bị ảnh hưởng trực tiếp kêu lên chính quyền suốt. Cứ mỗi lần dân kêu thì chính quyền lại xuống yêu cầu các lò gạch nghiên cứu cách khắc phục. Có lúc bùn đất văng khắp nơi thì các chủ lò dọn dẹp, bụi mù đường thì tưới nước lên”.
Cách các lò gạch khắc phục như ông Hương nói chỉ là phun tí nước hay hốt bớt đất bùn vãi xuống, ken thành lớp dày trên các mặt đường. Tuy nhiên, việc các cột xả khói thấp hay tiếng ồn từ các phương tiện chuyên chở có khi rầm rập cả trưa và đêm thì kêu mãi vẫn thấy như cũ.
Một số người dân thôn Tân Mỹ cho biết: Kêu mãi rồi cũng chán. Đáng lo nhất là hàng ngàn học sinh trên địa bàn xã ngày nào cũng váng óc, hít khói, hít bụi. Các khối cấp II, III thì còn ý thức bảo vệ mình chứ học tiểu học dặn đeo khẩu trang có khi lại quên.
Nói về phương hướng chuyển đổi nghề nghiệp hay xóa lò gạch thủ công, ông Võ Hương cho biết: Chưa biết khi nào Nhà nước hay tỉnh bảo xóa thì xóa thôi chứ địa phương thì chỉ tuyên truyền, vận động là chính. Bây giờ cũng đỡ hơn trước rồi. Xã cũng đã cấm các đoàn xe tải, xe múc đào bới đất nông nghiệp vô tội vạ nhưng vẫn xảy ra tình trạng đó, phát hiện thì cũng xử phạt nhưng mức phạt còn nhẹ. Mặt khác, lượng xe múc đất ngày càng biến tướng. Bắt được xe này múc đất ở vị trí không cho phép hôm nay thì ngày mai họ đổi xe khác... Khi nào có câu trả lời vẫn còn phải chờ...!