Ở nơi đầu sóng...

13-05-2021 08:28 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Người ta thường ví khoa cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió của một bệnh viện, nơi không có khái niệm ngày và đêm...

Đỗ Thị Hồng An là điều dưỡng làm việc tại nơi đầu sóng đó của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, bệnh viện tuyến đầu trong cuộc chiến với COVID-19.

An là người ở giữa hàng đầu. 

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19, vất vả và phải thận trọng gấp bội phần

Ngay từ khi bệnh viện tiếp nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên, cô chính là một trong số những nhân viên y tế của bệnh viện đã không ngần ngại lao vào cuộc, chiến với loại virus mà khiến cả thế giới chao đảo để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Nếu hỏi rằng cô có lo sợ không ư, thì chắc chắn là có, bởi nhân viên y tế cũng là những con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người khác. Nhưng vì trách nhiệm được đào tạo để cứu, chữa và giữ gìn sức khỏe cho mọi người, là trọng trách thầm lặng nhưng cao cả, cô cùng đồng nghiệp đã gạt nỗi lo lắng sang một bên, bỏ lại gia đình, chồng con phía sau, bước vào cuộc chiến bằng tâm thế của những người không chịu thua cuộc.

Khi đã vào ca trực thì ngày cũng như đêm.

Bắt đầu từ đó là ròng rã những tháng ngày vừa phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nặng, vừa phải giữ gìn sức khoẻ, vừa phải tuân thủ những quy định khắt khe để không bị lây bệnh cho chính mình và đồng nghiệp. Để chăm sóc cho những bệnh nhân nhẹ và mắc bệnh thông thường đã vất vả, nhưng chăm sóc cho bệnh nhân nặng, mắc Covid thì còn vất vả và thận trọng gấp bội phần. Chỉ chút sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Có những ca bệnh, nhân viên y tế phải kê ghế ngồi túc trực ngay bên giường bệnh để kịp thời xử trí khi có diễn biến phức tạp. Có những trường hợp ngày phải thay đến 8,9 lần bỉm cho bệnh nhân.

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 vất vả và phải thận trọng gấp bội phần.

Trong cả quá trình điều trị đó, cô cùng các điều dưỡng, bác sĩ của khoa phải chia thành ca, kíp và cách ly hoàn toàn với những đồng nghiệp bước đệm phía bên ngoài. Một ngày của cô không có giờ giấc cụ thể, bởi với bệnh nhân nặng khi đã vào ca trực thì không có thời gian nghỉ, ngày cũng như đêm. Suốt nhiều ngày ở trong buồng bệnh và phòng cách ly, nếu không có chiếc đồng hồ mải miết tích tắc treo trên tường thì không còn khái niệm về ban ngày và đêm tối. Cứ như thế hết ngày này qua ngày khác...

Gía trị của sự sống

Ngoài thời gian làm việc căng thẳng và vất vả, thì những giây phút hiếm hoi được nói chuyện với chồng, con là nguồn động viên quý giá giúp cô và đồng nghiệp vượt qua tất cả. Những lời hứa hẹn sau khi hết dịch dã, những giọt nước mắt nhớ nhung lẫn chút lo lắng, làm cả người gọi và người nghe chùng xuống, khiến họ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về giá trị của cuộc sống thường ngày, của gia đình và sự sống.

Rồi cũng có những bệnh nhân Covid-19 được ra viện, những bệnh nhân nặng có dấu hiệu cải thiện dần, trong đó có cả những bệnh nhân người nước ngoài. Đó chính là nguồn động lực lớn tạo thêm niềm tin không chỉ cho nhân viên y tế, cho người dân trong nước, mà còn cho cả những bạn bè quốc tế về nền Y tế ưu việt của Việt Nam.

Cũng giống như SARS, hay như bất kì thứ bệnh dịch nào trước đó, chúng ta tin COVID-19 rồi cũng sẽ được dập tắt. Những khó khăn, vất vả, những lo lắng của những ngày chống dịch cũng sẽ qua đi. Cô sẽ được về nhà trong sự vui mừng của gia đình, của bạn bè, của người thân đồn và lại tiếp tục những công việc thường ngày của một điều dưỡng, một người vợ, người mẹ. Tôi tin vậy.

Cảm ơn An và những cán bộ, nhân viên y tế, những người đang ở nơi đầu sóng.


Phạm Bích Trang
Ý kiến của bạn