Âm thanh là thứ vô hình, nhưng hiếm có thứ vô hình nào lại ảnh hưởng tới sức khỏe, tới đời sống con người như vậy. Lâu nay, đa số người dân Thủ đô hoặc các thành phố lớn phải sống chung với tiếng ồn quá mức cho phép, nhiều người phải quen dần với điều đó, nhưng một số khác lại đang trong cảnh bị “hành hạ” bởi tiếng ồn...
Đâu đâu cũng... ồn
Mặc dù thành phố đã cố gắng thực hiện chính sách di dời các nhà máy, xưởng sản xuất ra ngoài khu dân cư, nhưng tại nhiều khu vực hiện nay, vẫn còn vô số hộ kinh doanh, sản xuất đã tận dụng mặt bằng để làm xưởng sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí, kéo theo đó là hệ lụy tiếng ồn rất đáng lo ngại.
Khu phố Hàng Thiếc, Hàng Đồng (nằm trong khu phố cổ Hà Nội) đến nay vẫn còn giữ những nghề truyền thống như gò, hàn tôn, sắt, kim loại. Đi qua con phố này hàng ngày, chỉ cần lưu lại ít thời gian, người ta cũng đủ thấy đau đầu bởi tiếng cả một dãy phố đang đập búa vào sắt, vào tôn. Tiếng động rình rình vang ầm ĩ suốt cả ngày đêm không ngừng nghỉ, hết đầu phố đến cuối phố. Nhiều người sống ở mặt phố còn phải nút bông che tai để giải thoát khỏi mớ âm thanh hỗn độn triền miên.
Ngoài ô nhiễm tiếng ồn bởi ô tô, xe máy, người dân thành phố còn khổ sở với những tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tại khu tập thể K7-K8 phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện có 2 nhà mở xưởng cắt nhôm kính ngay tại tầng 1. Trong khi xưởng ở khu K7 hoạt động đã được 5 năm thì xưởng cắt nhôm kính ở K8 mới mở khoảng gần 1 năm trở lại đây. Hàng ngày, cứ từ 7h30 tới 12h và từ 14h tới 17h30, người dân tại đây lại phải sống chung với những âm thanh “xèo xèo” từ 2 xưởng cắt nhôm kính này.
Tương tự, ở đường Trường Chinh có một gia đình mở xưởng cơ khí với những chiếc máy đột dập cỡ lớn luôn phát ra âm thanh đinh tai nhức óc. Những gia đình sống xung quanh luôn phải chịu đựng những tiếng động mạnh chát chúa phát ra không ngừng suốt cả ngày. Bác Đào Thị Huệ, một người dân sinh sống gần đấy bức xúc: “Tôi chuyển nhà tới đây trước khi có xưởng sản xuất này. Nào ngờ sau đó xưởng mọc ra, tiếng ồn đinh tai nhức óc. Tôi cố gắng mãi mới quen dần để sống chung. Nhưng tuổi già nên cũng khó chịu nổi, các cháu bé cũng không còn phút giây yên tĩnh để học tập. Thậm chí nhiều gia đình còn phải rao bán nhà để chuyển nơi khác”.
Ngoài thứ tiếng ồn từ cơ sở sản xuất, còn những sự ô nhiễm tiếng ồn từ các quán xá kinh doanh, đặc biệt là các hàng ăn uống. Ở khu vực Thụy Khuê có rất nhiều gia đình kinh doanh ăn uống tại nhà trong ngõ hẹp, khách ngồi uống bia tràn ra ngõ, vừa nhậu nhẹt vừa cãi lộn, văng tục, chửi thề... Đây chính là những thứ ô nhiễm âm thanh cả về số lượng và “chất lượng” mà không ai đong đếm nổi.
Hệ lụy vô cùng lớn
Điều đáng trăn trở là mặc dù tiếng ồn ảnh hưởng cuộc sống những người dân ở khu vực, nhưng các biện pháp giải quyết của chính quyền sở tại đều rất hạn chế. Nguyên do là hàng xóm láng giềng cả. Rồi kế đến là rất khó để nhờ cơ quan chức năng đo đạc, chứng minh độ ồn vượt mức cho phép. Ngay cả khi đã vượt qua hai bước trên, tới bước xử lý cũng không có chế tài và dứt điểm nổi mặc dù hành vi tạo tiếng ồn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã được pháp luật quy định trách nhiệm cụ thể.
Về hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5dBA. Mức phạt tiền này tăng dần và tối đa là nếu tiếng ồn trên 40dBA, mức phạt lên tới 160.000.000 đồng. Tuy quy định đã có như vậy, người dân vẫn gặp khó vì việc xác định mức tiếng ồn (dBA) không đơn giản, đòi hỏi phải có chuyên viên từ cơ quan chức năng tiến hành giám định...
Một vụ án mạng bắt nguồn từ tiếng ồn hẳn khiến những cơ quan chức năng phải sớm xem xét lại quy định để giải quyết triệt để tình trạng này. Đó là vụ án vừa được xét xử tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ). Nhà anh Trung mở tiệc thôi nôi cho con gái và tổ chức hát nhạc sống. Anh Vinh (một người khách dự tiệc tại nhà Trung) bước ra ngoài rạch đi vệ sinh thì phát hiện ai đó ở bên phía kia sông rọi đèn sang, kèm theo lời trách: “Biết bây giờ mấy giờ chưa mà ca hát hoài”. Hai bên phát sinh cự cãi rồi thách thức nhau và hậu quả là một người tử vong còn đối thủ thì đi tù.
Đây chỉ là minh chứng sống động cho hệ lụy từ tiếng ồn gây ra đối với trật tự xã hội. Còn về sức khỏe, theo các nhà nghiên cứu Thụy Điển đến từ Trường đại học Lund, tiếng ồn của các phương tiện lưu thông trên đường là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát gần 28.000 người dân. Kết quả cho thấy, những người dân sống ở nơi có tiếng ồn vượt quá 60 decibel, thường có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên tới 25%. Còn ở trong những khu vực có tiếng ồn đạt tới 64 decibel, số lượng bệnh nhân tăng huyết áp lên tới 90%. Theo các nhà khoa học, tiếng ồn liên tục là nguyên nhân gây xuất hiện căng thẳng mạn tính, do đó dẫn đến tăng huyết áp.
Rõ ràng, ô nhiễm tiếng ồn đang gây ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Rất mong cơ quan chức năng có cơ chế tiếp nhận, xử lý và giải quyết triệt để khi được người dân phản ánh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.
Bình An