Hà Nội

Ô nhiễm làng nghề - Mối nguy cho sức khỏe cộng đồng

12-09-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Người dân đang ngày đêm phải sống chung với tiếng ồn, bụi bặm, mùi sơn PU nồng nặc thoát ra từ hàng trăm xưởng gỗ, nhiều gia đình mắc các bệnh về phổi, đau mắt hoặc các bệnh về da liễu.

Người dân đang ngày đêm phải sống chung với tiếng ồn, bụi bặm, mùi sơn PU nồng nặc thoát ra từ hàng trăm xưởng gỗ, nhiều gia đình mắc các bệnh về phổi, đau mắt hoặc các bệnh về da liễu. Đây là thực trạng đang xảy ra tại thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người dân thôn Bích Chu đang ngày đêm phải sống chung với ô nhiễm.

Người dân thôn Bích Chu đang ngày đêm phải sống chung với ô nhiễm.

Thôn sống chung với... ô nhiễm

Từ phản ánh của người dân, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã xuống thực địa làng nghề mộc tại thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Khảo sát tất cả khu vực quanh làng nghề, điều dễ dàng nhận thấy là người dân ở đây đang ngày đêm phải sống chung với tiếng ồn, bụi bặm, mùi sơn PU nồng nặc thoát ra từ hàng trăm xưởng gỗ tại đây. Anh Nguyễn Văn Hà, người trong thôn cho biết: May mà các chú về đây vào hôm trời nắng, tạnh ráo chứ những hôm trời mưa thì cả thôn chìm trong biển nước thải do nước không có lối thoát, rác bẩn, mùn cưa, phân chó, phân trâu, bò và nước thải sinh hoạt tràn hết vào nhà. Người dân chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài chờ nước rút, nếu muốn ra ngoài đành phải lội bì bõm trong nước bẩn, có khi ngập đến đầu gối. Khổ nhất bọn trẻ, mỗi đợt mưa là lở loét hết tay chân do nước bẩn và hầu hết người dân trong thôn, cả người lớn và trẻ em đều bị đau mắt đỏ.

Theo ghi nhận, tại thôn Bích Chu hầu hết các nhà dân và xưởng gỗ đều xả thải trực tiếp ra môi trường, hệ thống rãnh thoát nước lộ thiên trong thôn quá nhỏ, thường xuyên bị vùi lấp bởi rác sinh hoạt và bùn đất nên không thể đáp ứng nhu cầu thoát nước thải sinh hoạt trong dân. Cùng với đó, theo khảo sát thực địa, lối thoát duy nhất từ hệ thống nước thải tại thôn Bích Chu đã bị bịt kín do rác thải (mùn cưa, gỗ tạp) từ các xưởng gỗ trong thôn. Theo ông Phạm Dương Công, Trưởng thôn Bích Chu cho biết: Mấy năm trở lại đây, chúng tôi phải chịu đựng cảnh ô nhiễm không khí do bụi mạt cưa, mùi sơn PU, rồi nước thải ứ đọng ngày càng trầm trọng. Nhiều gia đình đều bị các bệnh về phổi, đau mắt hoặc các bệnh về da liễu. Do thôn chưa xây được trường mầm non nên các cháu phải gửi ở các trường ở thôn khác. Mỗi khi mưa gió, thôn bị úng ngập, việc đi lại của các cháu càng khổ cực. Cùng với đó, khu nghĩa trang nằm sát khu dân cư cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước sinh hoạt tại đây. Các lần huyện, tỉnh về tiếp xúc cử tri, vấn đề này cũng được đưa ra nhiều lần, song chưa được giải quyết. Ông Công cho biết thêm, các đường ống thoát nước bị bịt hết, phương án khả thi là chỉ khi nào xã thanh lý được hai hồ nuôi cá ở phía đầu đê (gần đường dẫn vào thôn) để làm nơi thu nước thải và xây dựng đường ống xả thải mới dẫn thẳng ra hệ thống nước thải tại chân đê thì thôn này mới thoát khỏi cảnh ngập lụt, ô nhiễm và bệnh tật. Được biết, hai hồ cá này đã hết hợp đồng từ năm 2013 nhưng chưa thấy bị thanh lý thu hồi để trả lại về cho thôn?

Rác thải gây ô nhiễm nặng môi trường thôn Bích Chu.

Rác thải gây ô nhiễm nặng môi trường thôn Bích Chu.

Trao đổi về thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân tại thôn Bích Chu, ông Lê Văn Sinh - Trưởng trạm Y tế xã An Tường cho biết, hiện tại ô nhiễm môi trường tại thôn Bích Chu nổi lên 3 vấn đề lớn đó là ô nhiễm chất thải sinh hoạt, bụi làng nghề và ô nhiễm do sơn PU. Từ đây dẫn đến việc sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các loại bệnh đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng... ở trẻ em và người lớn ngày càng gia tăng. Ngoài ra, các loại bệnh khác về da liễu, đau mắt cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do ung thư gia tăng nhanh. Trong những năm trước tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư chiếm khoảng 10 - 15%, hiện tại tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 25 - 30% với chủ yếu là ung thư gan, phổi. Trước thực trạng này, trạm y tế xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, biện pháp này chưa đạt được hiệu quả do nhiều người dân ý thức còn thấp.

“Mắc kẹt” ở tiêu chí môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm làng nghề tại thôn Bích Chu, PV đã có buổi làm việc với UBND xã An Tường xung quanh vấn đề này. Ông Nguyễn Mạnh Giầu, người phát ngôn của UBND xã An Tường cho biết, việc úng ngập, ô nhiễm môi trường do khí bụi làng nghề ở thôn Bích Chu là có thật. Trong những năm qua, các cấp chính quyền cũng đã có những hành động và một vài giải pháp để xử lý vấn đề này nhưng thú thực kết quả thu được là “rất hạn chế”. Nguyên nhân do mật độ dân cư quá đông, tại thôn Bích Chu có khoảng 3.240 nhân khẩu sinh sống trên 1 diện tích chưa đầy 1km2, hầu hết các hộ gia đình làm mộc nên lượng bụi, mùi sơn PU phát tán từ các xưởng gỗ ra môi trường là rất lớn. Trước thực trạng về việc ngập úng tại thôn Bích Chu, ông Giầu cho biết, trước đây xã và thôn cũng có xây dựng hệ thống thoát nước thải trong dân tuy nhiên do ý thức người dân trong làng nghề chưa tốt, thường xuyên xả rác thải vào hệ thống này nên dẫn đến tình trạng cống ách tắc. Dù cho xã và thôn nhiều lần phát động, huy động lực lượng thanh niên, đoàn viên và người dân thu gom rác thải, nạo vét cống rãnh nhưng chỉ một thời gian ngắn... đâu lại vào đấy. Việc thực hiện đề án giãn dân, di chuyển làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong giải quyết quyền lợi của người dân. Trước câu hỏi của PV về người dân đề nghị chính quyền xã nhanh chóng thanh lý hai ao cá (đang được cho đấu thầu) để xử dụng vào việc xây dựng nâng cấp hệ thống thoát nước thải trong dân, ông Giàu cho biết: Thực tế hợp đồng đấu thầu thuê ao cá của hai hộ dân nói trên đã hết từ năm 2013, tuy nhiên, để thanh lý cũng cần tính toán hài hòa giữa người dân và chính quyền nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân (vì họ đã đầu tư nhiều vào đó). Do vậy, chủ trương của xã cho tới lúc này vẫn là tuyên truyền vận động hai chủ hồ cá bàn giao để thanh lý hợp đồng.

Các đường cống thoát nước đã bị lấp kín, sạt lở nhưng chưa được sửa chữa khắc phục.

Các đường cống thoát nước đã bị lấp kín, sạt lở nhưng chưa được sửa chữa khắc phục.

Chia sẻ thêm, ông Giầu cho biết, thực sự cũng chính vì gặp khó khăn trong việc xử lý những vẫn đề liên quan đến môi trường và sức khỏe người dân nên công tác xây dựng nông thôn mới tại xã cũng bị chững lại nhiều. Người dân trong xã cũng rất mong được sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền cấp trên, tạo điều kiện về cơ chế chính sách cũng như hỗ trợ thích đáng để không chỉ người dân thôn Bích Chu mà cả chính quyền xã An Tường có điều kiện để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Thực tế đã cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân tại thôn Bích Chu, xã An Tường đã xảy ra trong một thời gian dài và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần sớm đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Tiêu chí Xây dựng Nông thôn mới cấp xã khu vực Bắc Trung Bộ (Theo Quyết định 491/QÐ-TTg, ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, tiêu chí môi trường: Các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường. Chỉ tiêu: Ðạt; Không có hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp. Chỉ tiêu: Ðạt; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch. Chỉ tiêu: Ðạt; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Chỉ tiêu: Ðạt.

Anh Tuấn - Văn Hậu

 


Ý kiến của bạn