Hôm qua 10/12, hai trong ba trạm quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu (trên 200), cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Ô nhiễm có thể gia tăng dần cho đến chiều nay.
Ô nhiễm nặng nhất ghi nhận tại trạm quan trắc đặt tại đường Giải Phóng, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng với chỉ số 223. Tại trạm số 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, AQI là 202.
Trong 14 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì 10 trạm hiển thị chất lượng không khí ở mức kém, tập trung ở nội thành. Tại trạm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) 189, Trung Hòa (Cầu Giấy) 154, điểm ngoại thành như Xuân Mai (Chương Mỹ) cũng lên 184. Điểm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Phú Thượng (Tây Hồ) ghi nhận AQI là 219.
Theo trang thống kê hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất với chỉ số chung 198, thứ hai là Dhaka của Bangladesh.
AirVisual cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội, khi chỉ số bụi mịn PM2.5 luôn ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đáng chú ý, nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu thải ra chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 10/12 đến hôm nay, gần như tại tất cả các điểm quan trắc trên toàn Thành phố đều ghi nhận chất lượng không khí ở mức cảnh báo thứ 5 (trong 6 mức) ngưỡng rất xấu. Ở ngưỡng này, tất cả người dân trên toàn thành phố đều bị tác động tới sức khỏe, đặc biệt nhóm nhạy cảm. Nồng độ bụi PM2.5 gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Với tình trạng Chất lượng không khí như hiện nay, Sở Tải nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo, vào buổi sáng sớm tất cả người dân trên toàn Thành phố nên hạn chế ra ngoài, riêng nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà. Trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Nên lưu thông trên đường bằng ô tô hoặc xe bus, đóng kín các cửa sổ trong nhà.
Để hạn chế ô nhiễm, giảm tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe, Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tất cả mọi người cần hạn chế tối đa nhất các hoạt động gây ô nhiễm không khí như như không đốt rác, dừng đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân… trong những ngày này.
Theo thông tin dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới điều khí tượng sẽ không có thay đổi nhiều nên có thể chất lượng không khí vẫn sẽ duy trì ở mức này.
Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 11/12: Thấy bạn gái đi chơi với trai lạ, gã đàn ông ghen tuông cầm dao đâm gục “tình địch”